Ngay khi vừa được mổ đưa ra khỏi bụng mẹ, bé Caroline Trần đã được chuyển ngay sang bàn phẫu thuật tiếp theo để xử lý dị tật do toàn bộ nội tạng bé bị nằm ngoài ổ bụng.
Lần đầu mang thai, lại phát hiện thai dị tật hiếm gặp khiến toàn bộ nội tạng ở nằm ngoài ổ bụng, chị Đinh Thị Hà (25 tuổi, ở Hà Nội) đã vô cùng lo lắng, thậm chí nghĩ đến phương án xấu.
Tuy nhiên, các bác sĩ Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City đã thuyết phục người mẹ dưỡng thai, đồng thời chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch chăm sóc và phẫu thuật ngay khi bé chào đời để có thể về nhà “mẹ tròn con vuông”.
Hai ca mổ liên tiếp
Sau 3 tuần chào đời, bé Caroline Trần đã hoàn toàn khỏe mạnh và được xuất viện. Ôm bé trong lòng, chị Hà có lẽ không bao giờ quên quãng thời gian mang thai khi biết con bị dị tật: “Lần đầu sinh con chưa có kinh nghiệm, lòng tôi lúc nào cũng như lửa đốt, thậm chí còn sợ bé bị di truyền. Rất may là nỗi lo lắng này đã được giải tỏa sau khi được các bác sỹ Vinmec thăm khám và làm các xét nghiệm”
Để không bỏ sót các dị tật tiềm ẩn, chị Hà đã được chọc ối xét nghiệm gen. Trên cơ sở xét nghiệm gen khẳng định không có bất thường, bác sĩ Hồ Trung Hiếu – người trực tiếp chăm sóc thai sản cho chị Hà đã tư vấn gia đình yên tâm dưỡng thai, theo dõi bé đến tuần thứ 38 để mổ lấy thai và phẫu thuật ngay sau sinh.
Vậy là cuối tháng 10 vừa qua, 2 kíp phẫu thuật của đã sẵn sàng với 2 ca mổ liên tiếp cho bé Caroline Trần. Bé sinh mổ nặng 2,5kg; qua lỗ hở đường kính 4 x 5 cm, toàn bộ dạ dày, gan, ruột non, đại tràng và bàng quang của bé đều nằm ngoài thành bụng, đỏ bầm.
Ngay lập tức, bé được chuyển sang bàn mổ bên cạnh để kíp thứ 2 tiến hành hồi sức và mổ đặt túi silo. Ngoài tác dụng bảo vệ toàn bộ nội tạng, quai ruột cho bé, túi silo giúp tránh mất nước, điện giải và hạn chế nhiễm trùng. Đồng thời, dưới tác dụng của trọng lực, thành bụng sẽ từ từ giãn ra và ruột được chui dần vào trong ổ bụng một cách tự nhiên nhất mà không gây chèn ép cho bé.
Dị tật hiếm gặp
Dị tật khe hở thành bụng được coi là dị tật hiếm gặp ở Việt Nam. Quá trình mổ sửa chữa dị tật này đòi hỏi bác sĩ có tay nghề phẫu thuật nhi và chăm sóc sơ sinh chuyên môn cao. Bởi trẻ bị khe hở thành bụng bẩm sinh có rất nhiều nguy cơ như phải thở máy kéo dài, nguy cơ nhiễm trùng cao… Ngoài ra, sau khi ruột đã đưa trở lại ổ bụng, nguy cơ viêm ruột hoại tử kém hấp thu vẫn còn tiềm ẩn vì thành ruột đã tổn thương sau thời gian dài tiếp xúc với nước ối, trở nên “dày” và khó tiêu hóa thức ăn.
Hiện nay phần lớn các trường hợp dị tật khe hở thành bụng ở Việt Nam sau khi sinh tại bệnh viện chuyên khoa sản thường được chuyển sang phẫu thuật tại bệnh viện chuyên khoa nhi khác. Thời gian và khoảng cách di chuyển đó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử ruột, suy hô hấp… cho trẻ.
Việc được phẫu thuật đặt túi silo ngay sau sinh đã giúp em bé tránh được tối đa nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử ruột. Bác sĩ Trần Liên Anh – Trưởng khoa Sơ sinh cho biết: “Tiên lượng trước được các nguy cơ rối loạn huyết động, kém hấp thu, viêm ruột và nhiễm trùng… ở các bé bị khe hở thành bụng bẩm sinh là rất cao, chúng tôi đã có kế hoạch theo dõi sát sao để kịp thời điều chỉnh trong quá trình hồi sức trước và sau phẫu thuật. Ngoài ra, để giúp trẻ có sức đề kháng với bội nhiễm, việc điều trị kháng sinh dự phòng, chăm sóc vô trùng, cung cấp calo qua nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch là vô cùng quan trọng. Các bác sĩ cũng tiếp tục thăm dò các tạng để chắc chắn bé không mắc phải dị tật nào khác”.
Sau 10 ngày được chăm sóc tích cực tại Khoa Sơ sinh, toàn bộ ruột của bé Caroline Trần đã dần dần nằm gọn trong ổ bụng. Bé đã được mổ lần 2 tạo hình phục hồi thành bụng và có hình dạng hoàn toàn như một em bé bình thường. Bé dần biết ăn sữa, bài tiết bình thường và đã xuất viện với tình trạng ổn định, tiên lượng phát triển tốt.
Quảng An (TPO)
Bình luận (0)