Vừa qua, các bác sĩ của Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương và BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) đã nỗ lực giành giật sự sống cho 2 bệnh nhi nguy kịch…
Bé Q.A được bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám sau phẫu thuật. Ảnh: BVNTW
Trường hợp thứ nhất là bé Q.A (3 tuổi, ở Hà Nội) bị xoắn dạ dày theo trục tạng rất nguy hiểm và hiếm gặp.
Trước đó, bé A. bị đau bụng từng cơn dữ dội vùng thượng vị kèm ói khan. Gia đình đã đưa trẻ đến khám tại BV gần nhà và được chẩn đoán rối loạn tiêu hóa. Trẻ được cho nhịn ăn, truyền dịch, thụt hậu môn; tuy nhiên các triệu chứng không cải thiện, thậm chí tình trạng đau bụng của trẻ tăng lên. Ngay sau đó, trẻ được đưa đến BV Nhi Trung ương để tiếp tục thăm khám và điều trị.
ThS.BS Lê Quang Dư – Khoa Ngoại Tiêu hóa, Trung tâm Ngoại Tổng hợp, BV Nhi Trung ương – cho biết, bé Q.A nhập viện trong tình trạng quấy khóc, đau bụng nhiều vùng thượng vị, ói khan, ói dịch không có dịch mật và chướng bụng tăng dần. Trẻ được tích cực truyền dịch bù nước điện giải, đặt sonde dạ dày và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để xác định nguyên nhân gây bệnh… Kết quả trẻ được chẩn đoán bị tắc ruột, dạ dày giãn to, nghi ngờ do xoắn dạ dày và chỉ định mổ cấp cứu ngay sau đó.
Dạ dày của trẻ xoắn 180 độ quanh trục tạng, dạ dày xoay dọc theo trục dài và bị tắc; bờ cong lớn bị đẩy lên trên, bờ cong nhỏ nằm xuống dưới trong ổ bụng. Các bác sĩ đã khẩn trương tháo xoắn và khâu cố định dạ dày vào thành bụng để tránh hiện tượng tái xoắn sau này. Sau gần hai giờ phẫu thuật, trẻ được rút ống nội khí quản, tự thở hoàn toàn. Triệu chứng giảm rõ rệt vào ngày thứ 2 sau phẫu thuật, trẻ hết đau bụng, ăn được sữa và đi ngoài bình thường. Trẻ xuất viện vào ngày thứ 4 sau phẫu thuật.
Bé S. và cha tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM). Ảnh: BVCC
Trường hợp thứ 2 là bé S. (sinh năm 2016). Cuối năm 2022, bé S. bị bệnh viêm phổi và nhập viện tại BV tuyến dưới. Trong quá trình điều trị, bé bị sốc phản vệ nghi do thuốc kháng sinh. Ngay sau đó bé được chuyển lên BV Nhi đồng 2 trong tình trạng sốc phản vệ nặng, tổn thương đa cơ quan. Nhận thấy tình hình nguy kịch, bé được các bác sĩ Khoa Cấp cứu và hồi sức chỉ định thực hiện chạy ECMO (tim phổi nhân tạo thông qua tuần hoàn ngoài cơ thể). Qua nhiều phiên điều trị tích cực, bệnh nhi S. cai được ECMO, hồi phục gần như bình thường.
Khi trẻ đột ngột đau bụng nên đưa đến bệnh viện Theo TS.BS Trần Anh Quỳnh – Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa, Trung tâm Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nhi Trung ương, xoắn dạ dày là tình trạng xoay xoắn bất thường của một phần dạ dày quanh phần còn lại của nó, từ 180 độ đến 360 độ. Xoắn dạ dày được chia theo hai loại chính: xoắn theo trục tạng và xoắn theo trục mạc treo. Đây là một bệnh lý rất hiếm gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ trên 12 tháng tuổi và không kèm các bệnh lý khác. Bệnh nếu không được chẩn đoán và can thiệp kịp thời có thể gây thiếu máu dạ dày, dẫn đến thủng, hoại tử toàn bộ dạ dày, thậm chí gây tử vong. Nguyên nhân gây ra tình trạng xoắn dạ dày thường do bất thường các dây chằng cố định dạ dày như trường hợp của bé Q.A, hoặc có thể gặp ở trẻ bị thoát vị hoành hay thoát vị qua khe thực quản. Biểu hiện thường gặp của bệnh ở trẻ lớn là buồn ói, ói khan; chướng bụng, đau bụng vùng thượng vị; đặt ống thông dạ dày vướng. Ở trẻ nhũ nhi, trớ và ói là những triệu chứng thường gặp, có thể ói ra dịch vàng hay dịch trong tùy theo vị trí bị tắc, đôi khi có thể ói ra máu. Nếu trong bệnh cảnh thoát vị hoành, dạ dày ở lồng ngực thường có triệu chứng suy hô hấp và thở nhanh. Bác sĩ Quỳnh khuyến cáo: “Khi thấy trẻ đột ngột ói nhiều, đau bụng từng cơn, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra”. |
Liên quan đến việc trẻ bị sốc phản vệ, BS.CK1 Nguyễn Hiền – Khoa Ngoại Tổng hợp, BV Nhi đồng 2 – cho biết, đây là một kiểu phản ứng dị ứng cấp tính nặng và đe dọa trực tiếp tới tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Sốc phản vệ xảy ra sau khi tiếp xúc với các chất dị ứng (dị nguyên) như thuốc, nhựa mủ, nọc độc, ong chích, kiến đốt hay những thực phẩm hàng ngày không phù hợp với cơ thể mỗi người (như: cá ngừ, tôm, tép, ốc, trứng, sữa, khoai tây, đậu phộng, đậu nành…). Các dấu hiệu nhận biết khi bị sốc phản vệ là cảm giác chóng mặt; xây xẩm đứng không vững do hạ huyết áp; tay chân lạnh; vã mồ hôi; mạch nhanh nhẹ khó bắt; phát ban trên da; buồn ói và ói.
“Bệnh nhân cần được phát hiện sớm, xử trí đúng, kịp thời, nếu phát hiện trễ hoặc xử trí không đúng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ Hiền nhấn mạnh.
T.Hương – K.Anh
Bình luận (0)