Lựa chọn ngành nghề trọng điểm, không đầu tư dàn trải… là giải pháp của các trường nghề trước bối cảnh tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tụt dốc, chất lượng lao động thua kém các nước trong khu vực.
Giáo viên Trường CĐ Nghề số 7 với thiết bị đào tạo tự làm – mô hình máy phay CNC |
Trường nghề chạy sau doanh nghiệp
Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động trong nước và khu vực cũng như đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ LĐ-TB&XH đã yêu cầu các trường nghề được lựa chọn đào tạo ngành nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025; đánh giá thực trạng các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của các ngành nghề trọng điểm được phê duyệt. Các điều kiện đánh giá gồm: cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; chương trình, giáo trình; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy và học…
TS. Nguyễn Thanh Điền (thành viên Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ TP.HCM) nhìn nhận có nhiều nguyên nhân khiến nguồn nhân lực của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung yếu kém so với các nước trong khu vực. Trong đó phải kể đến chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý hạn chế. Trong khi đó, bà Phạm Quang Trang Thủy (Hiệu trưởng Trường TC nghề kỹ thuật công nghệ Hùng Vương) cho rằng, kết quả tuyển sinh GDNN những năm gần đây giảm là do một số trường sử dụng trang thiết bị đào tạo lạc hậu so với công nghệ của các doanh nghiệp. Theo bà Thủy, để tự cứu mình, các trường cần xác định lại danh mục đầu tư cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như lựa chọn ngành nghề trọng điểm.
Ông Đặng Minh Sự (Trưởng phòng GDNN, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) thừa nhận hiện nay mạng lưới GDNN có phát triển nhưng chất lượng đào tạo vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, nhất là các ngành nghề mới đòi hỏi kỹ thuật cao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo không đồng bộ. Đặc biệt là chưa có chính sách thu hút các nhà đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại có tính lâu dài. Trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giảng dạy tích hợp ở một số cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế.
Bỏ ngành nghề tuyển sinh kém hiệu quả
Mới đây, Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) đã đề nghị các trường nghề có phân tích, đánh giá kết quả tuyển sinh, đào tạo và kết quả tốt nghiệp có việc làm hàng năm trong giai đoạn 2013-2017. Từ đó xác định quy mô đào tạo hàng năm đến năm 2020 cho từng ngành nghề trọng điểm ở từng cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia trên cơ sở dự báo nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các ngành nghề trọng điểm đến 2020. Tổng cục GDNN cũng yêu cầu các trường nghề phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của địa phương, vùng, ngành, lĩnh vực, thị trường lao động trong và ngoài nước.
Đến năm 2020: Trường có nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn 1 GV/20 HS-SV Bộ LĐ-TB&XH vừa có hướng dẫn về việc đầu tư cho trường có ngành nghề trọng điểm. Theo đó, đối với nội dung đầu tư cải tạo, sửa chữa một số hạng mục công trình nhà xưởng thực hành, nếu sử dụng từ ngân sách Trung ương thông qua Dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN” được phép sử dụng tối đa bằng 30% vốn sự nghiệp và không quá 7 tỷ đồng/trường, cơ sở; hàng năm thực hiện theo hướng dẫn chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyên môn. Về thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, các trường được lựa chọn ngành nghề trọng điểm lập dự án đầu tư của từng ngành nghề gửi cơ quan chủ quản của các trường phê duyệt và gửi Tổng cục GDNN trước ngày 31-5-2018 để theo dõi, xây dựng kế hoạch kinh phí hàng năm. Về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN ở trong và ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các trường tổng hợp thực trạng đội ngũ nhà giáo tính đến 31-12-2017, đánh giá chất lượng trên các tiêu chí cơ bản như: trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ, tin học. Đồng thời xác định nhu cầu GV cần có hàng năm và đến năm 2020 theo quy mô đào tạo để bảo đảm tỷ lệ GV/HS-SV = 1/20 (vào năm 2020). Xác định mục tiêu cần đạt được theo bảng tiêu chí GV giảng dạy các ngành nghề trọng điểm và số GV trên ĐH cần có và cần bổ sung. Việc đào tạo tập trung vào các tiêu chí trên. Riêng chương trình đào tạo, bồi dưỡng GV ở nước ngoài, đối tượng là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, trưởng phòng đào tạo, trưởng khoa, bộ môn tuổi không quá 50, trình độ tiếng Anh từ B1 và A2 trở lên, cam kết làm việc tại cơ sở GDNN được cử đi học tối thiểu 3 năm sau khi hoàn thành khóa học. T.A |
Đề cập đến giải pháp vực dậy tuyển sinh GDNN trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết sở đã có buổi làm việc với các trường về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo. Theo đó, các trường căn cứ vào thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo hiện có để xác định ngành nghề đào tạo, mạnh dạn bỏ những ngành nghề tuyển sinh không hiệu quả. Riêng các ngành nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN, ngoài các căn cứ nêu trên, sở đề nghị các trường trên cơ sở các bộ chương trình được chuyển giao từ nước ngoài để xác định nội dung đầu tư cho phù hợp.
Về kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đang triển khai thực hiện trong nước và nước ngoài cho nhà giáo giảng dạy các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ. Yêu cầu cơ bản của kế hoạch là đáp ứng yêu cầu giảng dạy các chương trình được chuyển giao từ nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH.
T.Anh
Bình luận (0)