Hội nhậpThế giới 24h

Cựu vương Campuchia Norodom Sihanouk qua đời

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Cựu vương Norodom Sihanouk, người gắn liền với lịch sử Campuchia thời hiện đại, trút hơi thở cuối cùng tại Trung Quốc vào rạng sáng 15.10, hưởng thọ 89 tuổi.
Sau một thời gian được chữa trị ở Bắc Kinh nhưng ông vẫn không qua khỏi sau cơn nhồi máu cơ tim. Lâu nay, cựu vương Campuchia mắc nhiều chứng bệnh như ung thư, tiểu đường, tim mạch… Ngay trong ngày hôm qua, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni và Thủ tướng Hun Sen bay đến Bắc Kinh để đưa linh cữu ông Sihanouk về nước an táng theo nghi thức hoàng gia.
Giành độc lập cho đất nước
Có thể nói khó có quốc vương đương đại nào trải qua nhiều thăng trầm như ông Sihanouk, người được đánh giá là có nhiều ảnh hưởng đến nền chính trị Campuchia cũng như sự kính trọng của dân chúng nước này. Sách kỷ lục thế giới công nhận rằng ông Shihanouk là chính khách nắm giữ nhiều chức vụ nhất trong lịch sử chính trị thế giới. Cụ thể, ông từng 2 lần làm vua, 1 lần giữ chức chủ tịch nước, 2 lần làm thủ tướng và 1 lần làm quốc trưởng.
 
Người dân Campuchia rất kính trọng cựu vương Sihanouk – Ảnh: AFP
Thái thượng hoàng Sihanouk sinh năm 1922 trong gia tộc Norodom, giữa bối cảnh Campuchia đang là thuộc địa của Pháp. Vì thế, ông chịu ảnh hưởng khá nhiều bởi văn hóa Pháp. Thời niên thiếu, ông học tại Phnom Penh rồi chuyển sang học trung học ở Sài Gòn tại Trường Lycée Chasseloup Laubat (nay là Trường Lê Quý Đôn). Sau đó, ông du học ở Pháp. Đến năm 1941, khi vừa 19 tuổi, ông lên ngôi vua nhưng không phải được truyền ngôi mà do chính quyền Pháp sắp đặt. Viết trong hồi ký của mình được Nhà xuất bản Công an nhân dân phát hành, cựu vương Sihanouk thừa nhận đó là ý đồ của người Pháp nhằm thống trị Campuchia.
 
 
Các lãnh đạo Việt Nam gửi điện chia buồn
Được tin Thái thượng hoàng Norodom Sihanouk, cựu Quốc vương Campuchia qua đời, ngày 15.10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã gửi điện chia buồn đến Quốc vương Campuchia Samdech Preah Baromneath Norodom Sihamoni, Chủ tịch thượng viện Samdech Chea Sim, Chủ tịch quốc hội Samdech Heng Samrin, Thủ tướng chính phủ Hoàng gia Samdech Hun Sen. Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã gửi điện chia buồn đến Phó thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Hor Namhong.
TTXVN
 
Tuy nhiên, ý đồ trên của Pháp bất thành, ông Sihanouk tận dụng cơ hội làm vua để giành độc lập cho Campuchia sau nhiều năm bị cai trị mà chẳng phải đổ máu. Từ đó, đất nước chùa tháp này chuyển từ chế độ thuộc địa thực dân sang nền quân chủ. Năm 1953, Pháp rút khỏi Campuchia. Hai năm sau đó, vua Sihanouk nhường ngôi cho cha rồi giữ chức thủ tướng trong vài tháng.
Sau khi vua cha mất vào năm 1960, ông Sihanouk được bầu giữ chức chủ tịch nước với danh vị hoàng thân. Vốn là người ôn hòa, ông chủ trương đưa Campuchia theo đường lối trung lập. Tuy nhiên, cựu vương Sihanouk rất ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Việt Nam. Trong hồi ký của mình, ông cho biết từng nhiều lần muốn sang Việt Nam để gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếc thay, đến tháng 9.1969, ông đến được Việt Nam nhưng để dự lễ tang của Người.
Nhiều thăng trầm
Đến năm 1970, Thủ tướng Chính phủ Campuchia lúc bấy giờ là Lon Nol, được sự hậu thuẫn của người Mỹ, tiến hành đảo chính lật đổ vua Sihanouk khi ông đang công du Liên Xô. Sau khi bị phế truất, ông Sihanouk đến Bắc Kinh và bắt đầu ủng hộ Khmer Đỏ chiếm lại Campuchia từ tay của chính phủ Lon Nol. Đến năm 1975, Khmer Đỏ kiểm soát hoàn toàn Campuchia và ông Sihanouk trở thành thành viên trong chính phủ mới. Vì thế, ông từng bị chỉ trích đã tiếp tay cho Khmer Đỏ giết hại gần 2 triệu người Campuchia trong vòng 4 năm. Tuy nhiên, trong cuốn hồi ký của ông, vị cựu vương khẳng định mình đã lầm tưởng về chế độ của Pol Pot vốn do Trung Quốc hậu thuẫn. Cựu vương cho rằng Pol Pot đã lợi dụng danh nghĩa quốc vương của ông để thu phục người dân Campuchia. Vì thế, ngay khi phát hiện mưu đồ trên, ông từ nhiệm chức quốc trưởng và hoàng gia đã bị trả thù. Mặc dù không dám giết cựu vương Sihanouk, người giữ vai trò biểu tượng đối với dân chúng Campuchia, nhưng Khmer Đỏ nhằm vào con cháu của ông để uy hiếp. Có đến 6 người con và 14 cháu của vua Sihanouk bị Khmer Đỏ sát hại.
Sau khi lực lượng quân đội Việt Nam giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng trên, ông mới quay về nước để tiếp tục giữ ngôi vua từ 1993. Đến năm 2004, ông xuống ngôi vì lý do sức khỏe. Cũng trong năm này, con trai ông là thái tử Norodom Shihamoni tiếp nhận ngôi vua.
Trong suốt cuộc đời mình, cựu vương Sihanouk có 6 người vợ và 14 người con. Ông thông thạo tiếng Pháp lẫn tiếng Anh và rất đam mê âm nhạc, điện ảnh, từng làm đạo diễn phim cũng như chỉ huy dàn nhạc. Ngoài ra, ông cũng rất thích viết văn. Cuốn tự truyện của cựu vương Sihanouk được viết bằng tiếng Pháp. Bên cạnh đó, Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Nhật Thành là một người bạn thân thiết của cựu vương Sihanouk. Vì thế, sau khi nhường ngôi, ông đã đến sống tại Bình Nhưỡng một thời gian.
Theo TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)