Hội nhậpThế giới 24h

Cyprus có nguy cơ vỡ nợ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Kế hoạch đánh thuế một lần tiền gửi tiết kiệm ở Cyprus bị quốc hội nước này bác bỏ và dư luận chỉ trích
Các nhà lãnh đạo chính trị ở Cyprus đã nhóm họp ngày 20-3 để đối thoại khẩn cấp sau khi quốc hội nước này bác bỏ thỏa thuận gói cứu trợ tài chính của quốc tế. Tổng thống (TT) Cyprus Nicos Anastasiades gặp gỡ thủ lĩnh các đảng phái với sự có mặt của thống đốc ngân hàng trung ương để tìm ra phương án B, sau khi kế hoạch đánh thuế một lần tiền gửi tiết kiệm không nhận được sự ủng hộ của bất kỳ nghị sĩ nào.
Nhờ Nga giúp đỡ
TT Anastasiades cho biết ông hoàn toàn tôn trọng ý kiến của quốc hội. Ông xác nhận đã nói chuyện với TT Nga Vladimir Putin trong khi Cyprus đang tìm phương án thay thế. Bộ trưởng Tài chính Cyprus Michalis Sarris đang có mặt ở Moscow để tìm kiếm sự trợ giúp của Nga. Ông Sarris gặp gỡ vị đồng nhiệm Anton Siluanov của Nga bàn bạc về việc kéo dài thời hạn cho vay và tái cấu trúc hình thức trả khoản nợ 2,5 tỉ USD mà Moscow cho Cyprus vay năm 2011 cũng như về khả năng cho vay thêm nữa. Ông bày tỏ hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận về một khoản vay mới.

 

Đài BBC cho biết theo kế hoạch, các ngân hàng ở Cyprus đóng cửa cho đến ngày 21-3 để ngăn chặn tình trạng rút tiền hàng loạt. Các điểm giao dịch chứng khoán cũng đóng cửa. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cảnh báo các ngân hàng ở Cyprus có thể không bao giờ mở cửa lại được nữa nếu như nước này bác bỏ gói cứu trợ tài chính.
Việc đánh thuế gây tranh cãi ở Cyprus đã được đưa ra như điều kiện để nhận được khoản cứu trợ tài chính 10 tỉ euro của Liên hiệp châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Cyprus dự kiến sẽ thu được 5,8 tỉ euro qua việc đánh thuế một lần trọn vẹn tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng.
Thực tế đầy cam go
Nhiều người dân Cyprus đã vui mừng khi quốc hội bỏ phiếu không tán thành việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm. Thế nhưng, quốc đảo này hiện đang đối mặt với một thực tế đầy cam go. Gói cứu trợ 10 tỉ euro không được rót vào Cyprus và nước này đang tiến gần hơn đến tình trạng vỡ nợ. Các cuộc đàm phán với EU vẫn đang tiếp diễn để tìm ra phương cách thay thế khả thi. Có ý kiến cho rằng các nhà lãnh đạo của khối EU, đặc biệt là Đức, kiên quyết với việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm ở Cyprus là do giới tư bản Nga gửi một số lượng tiền lớn vào các ngân hàng Cyprus, gây ra sự lo ngại về nạn rửa tiền.
Trong khi đó, đề xuất đánh thuế một lần tiền gửi tiết kiệm bị giới phân tích kinh tế chỉ trích. Ông Michael Hewson, thuộc Công ty Tài chính CMC Markets, mỉa mai: “Nếu các nhà chính sách châu Âu đang tìm cách làm xói mòn niềm tin của quần chúng vào nền móng của bất kỳ hệ thống ngân hàng nào thì họ đã tìm ra cách tốt nhất”.
Phóng viên Mark Lowen của đài BBC nhận định: Rõ ràng những người có trách nhiệm đưa ra gói cứu trợ của EU đã đánh giá sai hoàn toàn phản ứng của Cyprus. Nền kinh tế nhỏ bé thuộc khối EU cảm thấy như đang bị đe dọa bởi các ông lớn và sự phẫn nộ ngày càng tăng có thể khiến họ sẽ không còn muốn hành động vì một khối EU bền vững.
 Khách hàng Nga gửi 30 tỉ USD ở Cyprus?
Nhiều ngân hàng và doanh nghiệp Nga có những khoản tiền gửi lớn ở các ngân hàng Cyprus, điểm đến ưa thích của người Nga từ nhiều năm qua. Theo BBC, Cyprus thu hút được nhiều tiền gửi nhờ vào thuế suất thấp của nước này. Có tin khoản tiền gửi của giới tư nhân và doanh nghiệp Nga tại các ngân hàng Cyprus lên đến khoảng 30 tỉ USD.
Theo NLĐ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)