Con gái tôi đang học lớp 1. Vừa qua, chuẩn bị thi học kỳ I, gia đình tôi cũng cố rèn thêm cho cháu, quá trình đó mới phát hiện cháu học không bằng chị cháu ở cùng lứa tuổi. Tôi không nghĩ rằng tư chất hai con mình khác xa nhau, mà có phần thiên về cách dạy của nhà trường.
Con gái lớn của tôi đang học lớp 5. Hồi cháu học lớp 1 được dạy kỹ về rèn chữ, từ độ cao, độ rộng đến viết hoa, kể cả rèn chính tả. Đến cuối lớp 1 thì cháu viết khá đẹp, tất nhiên, đó là lúc nắn nót, rất ít sai chính tả. Cháu cũng được rèn đọc rất kỹ. Ở nhà tôi, mọi người toàn nói giọng Nam, cháu luôn “bắt bẻ” là phát âm sai! Rõ ràng có những từ với người miền Nam rất khó phân biệt khi nói (dù luôn viết đúng), nhưng cháu vẫn chỉ ra được phải phát âm thế nào, như bền (trong bền vững) và bềnh (trong bồng bềnh), và phải đọc sao cho không giống với bèn…
Thế nhưng, nếu so với cùng thời gian học thì cháu nhỏ không thể hiện được như thế. Cháu viết có độ cao, độ rộng không đều, nét chưa thẳng, viết chữ hoa còn chưa thạo. Cháu đọc to, rõ (trên lớp thường xuyên được cô giáo chọn đọc trước lớp cho các bạn đọc theo) nhưng phát âm chưa chuẩn (như cách chị cháu đã làm). Vì vậy, khi đọc chính tả cho cháu viết, cháu viết sai khá nhiều, nhất là liên quan đến âm o và ô, ưi và ươi, ui và uôi…, âm cuối n và ng, t và c… Biết rõ là sóng biển nhưng khi viết, cháu cứ ghi là sống biển, rồi vì đọc không rõ nên viết bồng bềnh thành bòng bền… Tôi cho cháu tập viết chính tả một bài thơ có 7 khổ, 28 câu, mỗi câu 5 chữ (bài này cháu đã thuộc lòng rồi), lần đầu có khoảng 10 lỗi, gồm thiếu chữ (bỏ sót), sai chính tả (kể cả sai dấu), lần sau viết liền sau đó thì lỗi giảm còn 3, nhưng sau vài ngày viết lại thì lỗi lại lên 8. Tức là cháu ghi nhớ chưa nhiều, có lẽ một phần do học ở trường chưa đầy đủ.
Tôi có phần băn khoăn là phải chăng do cô giáo dạy chưa thật sự đầy đủ. Phải chăng, cô giáo quá bận rộn với những đòi hỏi giảng dạy và đánh giá mới (như phải ghi nhận xét cho từng học sinh) mà ít có thời gian chăm chút việc viết và đọc của từng trẻ? Đi họp phụ huynh thì thấy các cháu được bầu chọn làm “chủ tịch”, “phó chủ tịch”, “trưởng ban”… của lớp, những danh xưng hình như quá lớn và quá xa lạ với trẻ lớp 1. Trong khi đó, những điều thiết thực hơn, cụ thể hơn cho các cháu thì có vẻ chưa rõ.
Qua tìm hiểu một số phụ huynh khác có con ở cùng trường, tôi thấy đây là hiện tượng khá phổ biến. Phụ huynh nào cũng cảm thấy thiếu yên tâm, vì con mình tỏ ra chưa đọc thông, viết thạo. Như vậy, khi lên lớp 2, bắt đầu viết chính tả, học các môn khác nữa, có phải sẽ bị đuối?
Tôi nghĩ rằng cải tiến chương trình giáo dục phổ thông nói chung và tiểu học nói riêng đang giúp giảm tải cho học sinh. Về nguyên tắc điều đó là hoàn toàn hợp lý, phụ huynh chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Nhưng chúng tôi e rằng, nếu giảm tải bằng cách giãn chương trình học ra, để tuổi nhỏ học ít mà tuổi lớn hơn học quá nhiều (để bù lại), hoặc quá chú trọng sự tự học của trẻ thì e rằng sẽ không ổn. Vì vậy, việc định lượng kiến thức cho từng lớp, từng cấp phải rõ ràng và đồng bộ; tức là lớp 1 của năm học 2016-2017 học như thế thì đến lớp 12 của lứa học sinh này phải được học chương trình lớp 12 tương ứng. Từ đó, đòi hỏi Bộ GD-ĐT phải có một quan điểm giáo dục nhất quán và một chương trình khung phù hợp suốt 12 năm như thế.
Nghĩ đến điều này, chúng tôi lại thấy không yên tâm. Thời gian qua, việc thay đổi chương trình, phương pháp giảng dạy diễn ra khá thường xuyên, có khi chỉ vài ba năm lại cải tiến. Thí dụ, học chữ cái nào trước, viết chữ theo lối nào, việc phân ban ra sao… cũng đã từng thay đổi. Một số trường hợp do không phù hợp nên cải tiến bị méo mó thành “cải lùi”, học sinh bị mang tiếng là “chuột bạch”…
Mong sao Bộ GD-ĐT tạo sự yên tâm cho tất cả phụ huynh chúng tôi!
Nguyễn Minh Tâm
Bình luận (0)