Đó là chủng vi rút Monkeypox thuộc kiểu gene C1 của Clade IIb, chủng này khác với chủng vi rút có kiểu gene A.2.1 được phát hiện ở hai ca nhập cảnh vào Việt Nam tháng 10-2022 từ Dubai.
Phòng chống bệnh đậu mùa khỉ, người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh: che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng… (Hình: IT)
Sở Y tế TP.HCM vừa cho biết đã có kết quả giải mã gene của trường hợp mắc bệnh Mpox (bệnh đậu mùa khỉ) nội địa đầu tiên được phát hiện tại TP.HCM
Cụ thể, ngày 3-10, Sở Y tế TP.HCM nhận được kết quả giải mã gene của trường hợp mắc bệnh Mpox nội địa đầu tiên được phát hiện tại TP.HCM từ Đơn vị nghiên cứu các bệnh nhiễm trùng mới nổi của Bệnh nhiệt đới & Đơn vị nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford.
Đây là kết quả giải mã gene của bệnh nhân nam, 25 tuổi, Đồng Nai, nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới vào ngày 22-9, bệnh phẩm là phết bóng nước được lấy mẫu vào ngày 28-9.
Nhóm nghiên cứu đã giãi mã bộ gene bằng quy trình metagenomics, định danh bằng phần mềm Nextclade và phân tích cây phát sinh loài bằng phần mềm Augur (v21.0.1).
Kết quả cho thấy tác nhân gây bệnh là vi rút Monkeypox thuộc kiểu gene C1 của Clade IIb. Như vậy, kiểu gen này giống với các chủng vi rút Monkeypox mới được phát hiện gần đây tại các quốc gia như Nhật Bản, Bồ Đào Nha và Hàn Quốc.
Với kết quả giải mã gene này, có thể kết luận đây là chủng vi rút Monkeypox khác với chủng vi rút với kiểu gene A.2.1 được phát hiện ở 2 ca nhập cảnh vào Việt Nam vào tháng 10-2022 từ Dubai trước đây.
Kết quả giải mã gene cho thấy sự đa dạng về di truyền của vi rút Monkeypox. Việc tiến hành phân tích thêm bộ gene các ca bệnh mới sẽ giúp tìm hiểu về nguồn gốc, sự lưu hành của vi rút gây bệnh, giúp cung cấp những thông tin bổ ích và kịp thời cho chương trình phòng chống dịch bệnh Mpox.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), đậu mùa khỉ là bệnh lây nhiễm từ động vật do vi rút gây ra. Bệnh cũng có thể lây truyền giữa người với người.
Triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, giảm năng lượng, sưng hạch và phát ban hoặc tổn thương da. Ban thường bắt đầu với 1 đến 3 ngày khởi sốt. Tổn thương da có thể phẳng hoặc hơi nổi, chứa dung dịch trong hoặc hơi vàng, và sau đó có thể đóng vảy, khô và rụng vảy. Ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. các tổn thương này cũng có thể gặp ở miệng, bộ phận sinh dục và mắt.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh: che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay;
Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời;
Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.
N.Trinh
Bình luận (0)