Đợt thi ĐH thứ 2 đã kết thúc thành công với tỷ lệ thí sinh đi thi đạt 70,01% (năm 2008 là hơn 69%), ý thức thí sinh (TS) ngày càng tiến bộ. Kỳ thi năm nay cả nước có 275 trường hợp TS vi phạm quy chế, trong đó đình chỉ 204 trường hợp (năm 2008 là 365 TS vi phạm, đình chỉ 258 ); 9 cán bộ bị đình chỉ trong tổng số 16 người vi phạm quy chế; không phát hiện việc thi hộ. Những kết quả trên khiến dư luận có những đánh giá khá tốt về công tác đề thi năm nay…
Môn thi cuối: Bình yên
Niềm vui của các thí sinh sau khi hoàn thành tốt bài thi môn tiếng Anh. Ảnh: Viết Thành |
Kết thúc môn thi tiếng Anh lúc hơn 9 giờ sáng, 2 TS đến từ Thái Bình, thi ĐH năm thứ 2 tại điểm thi Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: "Đề không khó hơn năm ngoái song "khoai" nhất vẫn là bài từ vựng và đọc – hiểu vì đòi hỏi phải có vốn từ. Em chỉ hiểu loáng thoáng bài đọc – hiểu nói về việc săn bắn…" Trong khi đó, môn thi này đối với TS thi các trường top trên như Học viện Quan hệ quốc tế, ĐH Ngoại thương… có vẻ đã được "giải quyết" nhanh gọn. TS Liên Hà, học sinh Trường THPT Hoàng Diệu, Hà Nội tự tin bước ra khỏi điểm thi Học viện Quan hệ quốc tế cho biết: "Môn tiếng Anh khó có khả năng đạt điểm tuyệt đối song điểm cao với đề thi này thì không phải khó".
Sau môn thi địa lý, Tuấn Dũng (Hưng Yên) thi Học viện Hành chính cho biết: "Nội dung kiến thức đều nằm trong SGK. Mấy câu có thể học thuộc lòng dễ ăn điểm như về "giai đoạn tiền Cambri", nhưng đó không phải sở trường nên em áng chừng bài làm đạt khoảng 50-60% yêu cầu". Minh Phong, một người cùng thi với Dũng khi ra khỏi phòng thi mới giật mình lo lắng: "Ở câu III.1, em đã trót vẽ biểu đồ tròn bằng bút chì phòng khi phải sửa chữa, định vẽ phác xong sẽ tô lại nhưng quên mất…". Khi được biết theo quy định, những bài thi có hình vẽ bằng bút chì sẽ được cán bộ chấm thi chấm riêng. Nếu phát hiện ra lỗi cố ý, hội đồng chấm thi đánh giá là vi phạm quy chế, thì bài thi môn đó mới bị hủy, Phong hy vọng em sẽ vẫn có điểm bình thường vì đã không hề cố ý.
Nhưng sức ép không hề giảm
Những sơ suất như đã nêu không phải là ít. Trong nhiều trường hợp, sự vô ý để lại những hậu quả còn đáng tiếc, nghiêm trọng hơn nhiều, ví như quên để lại điện thoại ở bên ngoài phòng thi. Mặc dù các giám thị nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng có lẽ do căng thẳng quá nên nhiều em không hề nghĩ rằng chính mình đang cất điện thoại trong người. Có em thì coi chiếc điện thoại là một tài sản quá lớn nên không dám để lại phòng trọ hay gửi ngoài phòng thi. Theo Ban chỉ đạo thi, chỉ khoảng 20% số trường hợp bị đình chỉ thi do cố tình mang điện thoại vào phòng thi.
Theo một giám thị tại điểm thi của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQGHN), có thí sinh vì thiếu tự tin nên đã ghi nhớ một vài hàng công thức vào tờ giấy A4 và mang theo vào phòng thi. Khi bị đưa đi lập biên bản, TS đã tuyệt vọng tới mức giám thị phải đi kèm thật cẩn thận vì lo cô bé quẫn chí làm liều. Giám thị này tâm sự: "Lỗi này do ý thức của TS, song rõ ràng sức ép của việc thi cử, của việc đỗ hay trượt ĐH đối với các em là quá lớn. Đây cũng là sức ép chung cho hội đồng thi, các giám thị và nói rộng ra là cho cả xã hội".
Và một sức ép khác thực sự đã làm đau đầu Bộ GD-ĐT và các trường đó là tình trạng TS ảo vẫn tái diễn. Vụ trưởng Vụ ĐH Trần Thị Hà cho rằng: Muốn giảm hồ sơ ảo đơn giản nhất là quy định mỗi TS chỉ nộp 1 hồ sơ vào 1 trường. Làm như vậy các trường sẽ dễ dàng giải quyết những vấn đề do hồ sơ ảo gây ra nhưng chính TS là người thiệt thòi.
Sẽ là một kỳ thi hoàn hảo nếu…
Một điểm sáng của kỳ thi ĐH năm nay được các TS, giáo viên và dư luận ghi nhận là những đề thi hay, hiệu quả trong việc phân loại TS, đặc biệt là đề thi văn mang tính mở, phát huy được khả năng sáng tạo của TS. Theo Vụ trưởng Vụ ĐH Trần Thị Hà, nếu không có sự cố "nhỏ" liên quan tới việc in sao đề ở cụm thi Quy Nhơn trong đợt thi thứ nhất, thì công tác đề thi năm nay có thể coi là toàn vẹn.
Về sự cố ảnh hưởng tới gần 34 nghìn TS này, Thứ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Hiện chưa có kết luận cụ thể và chính xác về nguyên nhân chi tiết của sự việc này do ban đề thi còn chưa hoàn toàn được tiếp xúc với bên ngoài, song qua báo cáo ban đầu của ĐH Quy Nhơn, có thể khẳng định: Thứ nhất, đề gốc là chính xác, đầy đủ. Thứ hai, có thể có yếu tố kỹ thuật dẫn đến sai sót, do sự tương tác giữa máy tính và máy in không phù hợp. Bộ sẽ xem xét kỹ để tránh lỗi tương tự cho các kỳ thi sau. Bộ GD-ĐT cho biết, sẽ chỉ đạo ĐH Quy Nhơn xác định rõ nguyên nhân chi tiết, đồng thời cùng cơ quan an ninh địa phương và cơ quan chuyên môn về máy tính xem xét và kiểm điểm trách nhiệm cụ thể. 34 nghìn bài thi ở cụm này, Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định Trần Văn Nghĩa cho biết, sẽ được bảo quản riêng và hướng dẫn chấm riêng.
Dẫu còn một chút "giá như" nhưng có thể khẳng định kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009 đã có nhiều tiến bộ trong việc bảo đảm sự công bằng cho TS khi kỷ luật phòng thi được siết chặt và chất lượng đề thi đạt sự phân hóa cao.
Ông Nguyễn Thành Kỳ, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT Hà Nội
Theo tôi, cách ra đề thi môn ngữ văn với thể loại nghị luận xã hội theo hướng mở như trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ (khối C, D) năm nay rất nên được khuyến khích bởi qua đó, giáo viên có thể phát hiện được sự sáng tạo, chiều sâu suy nghĩ, kỹ năng diễn đạt của HS, nhất là đối với HS theo chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn. Tỷ lệ 3 điểm của câu hỏi theo thể loại nghị luận xã hội trong đề thi ngữ văn ở khối C và khối D trong đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ cũng là hợp lý với phân phối chương trình ở cấp THPT.
Thực chất, thể loại này không xa lạ với HS bởi các em đã được làm quen từ khi còn học ở cấp THCS, bắt đầu từ khái niệm về thể loại (lớp 6) tới cách triển khai (lớp 9) và được trau dồi suốt 3 năm học THPT. Trong năm học 2008-2009, việc ra đề theo hướng mở cũng được Bộ GD-ĐT chỉ đạo các địa phương triển khai, bởi thế, nếu nhà trường, giáo viên thực hiện đúng tinh thần ấy thì HS sẽ không gặp bỡ ngỡ và thực tế sau kỳ thi, nhiều HS đã rất hào hứng. Tuy vậy, việc ra đề theo hình thức này cũng là một thách thức không nhỏ với giám khảo, đòi hỏi ở họ ngoài tinh thần trách nhiệm còn phải có sự linh hoạt, đồng điệu nhất định với HS khi đánh giá, cho điểm.
Hồng Hạnh – ghi
|
Quỳnh Phạm (HNM)
Bình luận (0)