Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đã có phần mềm đối sánh chất lượng trường học Việt Nam

Tạp Chí Giáo Dục

Đối sánh (benchmarking) là cách tiếp cận tại Mỹ từ thập niên 1980 trong quản lý công nghiệp và kinh doanh, được nhiều nước vận dụng mang lại hiệu quả cao, đặc biệt trong việc quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục. 

Học sinh Trường tiểu học Hồng Hà, Q.Bình Thạnh, TP.HCM trong ngày tựu trường /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Học sinh Trường tiểu học Hồng Hà, Q.Bình Thạnh, TP.HCM trong ngày tựu trường. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Tuy nhiên, ở VN, đối sánh trong giáo dục chưa được nghiên cứu nhiều.
Cuối năm 2016, Viện Nghiên cứu giáo dục phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu đối sánh và xây dựng phần mềm đối sánh điện tử để so sánh, đánh giá các trường THPT TP.HCM” do thạc sĩ Hồ Sỹ Anh (Viện Nghiên cứu giáo dục TP.HCM) và thạc sĩ Hồ Phú Bạc (Sở GD-ĐT TP.HCM) làm đồng chủ nhiệm.
Nhóm nghiên cứu đã xây dựng bộ chỉ số đối sánh gồm các yếu tố đầu vào, quá trình và đầu ra, xây dựng thành công phần mềm Đối sánh trường học VN (Benchmarking In Vietnammese School – BIVS), triển khai thí điểm tại 12 trường THPT ở TP.HCM. Mỗi trường sẽ được cấp một tài khoản để sử dụng, dữ liệu hằng năm sau khi chỉnh sửa chính xác sẽ được “khóa” để không chỉnh sửa được. BIVS được thiết kế để có thể áp dụng cho tất cả các trường phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên trong toàn quốc.
Bộ chỉ số đối sánh áp dụng trong BIVS do nhóm nghiên cứu đề xuất, gồm có 7 tiêu chuẩn, 21 tiêu chí, 104 chỉ số và thực tập phần mềm đối sánh. Trong đó có các chỉ số như: tổng chi một năm trên đầu học sinh, tỷ lệ giáo viên xếp loại xuất sắc cuối năm, chênh lệch điểm trung bình cả năm lớp 12 với trung bình 4 môn thi tốt nghiệp…
Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục TP.HCM, cho rằng đối với trường phổ thông không thực hiện xếp hạng, nhưng cách đánh giá trường THPT thông qua tỷ lệ tốt nghiệp THPT, hay điểm thi ĐH, CĐ… đã gây ra những vấn đề tranh cãi vì rất phiến diện. Đối sánh là một phương pháp, kỹ thuật tiếp cận mới trong quản lý giáo dục, khắc phục được sự bức xúc của việc xếp hạng, chú trọng đến việc liên tục đo lường, xem xét các hoạt động bên trong và so sánh bên ngoài để tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của từng trường.

Thạc sĩ Võ Thành Tâm/TNO

Bình luận (0)