“Riêng trong ngày 3/7/2009, Việt Nam đã ghi nhận thêm 27 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1, trong đó, tại miền Nam có 25 ca, miền Bắc 2 ca”, ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) thông báo.
Các trường hợp trên về Việt Nam bằng đường hàng không trên các chuyến bay: VN782 ngày 26/6/2009, SQ178 ngày 30/6/2009, VN782 và TG686 ngày 1/7/2009.
Ảnh Vietnamnet.
Trong đó, theo báo cáo nhanh của Sở Y tế TPHCM, đã xác định thêm 25 ca nhiễm cúm A/H1N1, nâng số bệnh nhân cúm A/H1N1 tại TPHCM lên 164 ca. Ngoài ra, còn có 3 trường hợp có thể nhiễm cúm đang chờ kết quả tái xét nghiệm PCR lần 2.
Ngày hôm nay, Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế TPHCM đã chuyển 61 hành khách có thân nhiệt cao trên 38độC đến BV Phạm Ngọc Thạch để giám sát cách ly. Đến hôm nay đã có 103 ca sau khi được tái xét nghiệm PCR âm tính, đã được xuất viện.
Như vậy, tính đến 17h00 ngày 3/7/2009, Việt Nam đã ghi nhận 208 trường hợp dương tính (miền Nam: 182, miền Trung: 9 và miền Bắc: 17 trường hợp).
Từ 17h00 ngày 03/7, Sở Y tế TPHCM đã bắt đầu triển khai khu cách ly tại BV Q.7 với 30 giường để tiếp nhận các trườnh hợp nghi ngờ chuyển đến từ sân bay Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới ngày hôm nay cũng tăng cường thêm 20 giường cho khu cách ly, như vậy tại BV BNĐ có tất cả 70 giường dành cho việc cách ly giám sát người nhiễm cúm A/H1N1.
Trong tổng số 208 bệnh nhân nhiễm cúm, đã có 114 trường hợp được xuất viện (thường chỉ sau 5 ngày điều trị và hết sốt). 94 trường hợp còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện trong tình trạng sức khỏe ổn định, chưa có ca nào có biến chứng nguy hiểm.
Về dịch cúm A/H1N1 tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ nhận định: “Dù phần lớn các ca mắc đều là ca xâm nhập, mắc bệnh từ nước ngoài và nhập cảnh vào Việt Nam, chỉ có ít ca nhiễm do tiếp xúc gần với bệnh nhân và hiện chưa có sự lây lan mạnh mẽ từ người sang người trong cộng đồng. Tuy nhiên, chúng tôi dự báo số ca mắc cúm A/H1N1 mới tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng là rất lớn”.
Ông Hiển cũng lo ngại, nếu dịch cúm A/H1N1 tiếp tục kéo dài thì không loại trù dịch cúm này sẽ bùng phát mạnh trong mùa đông. Bởi lẽ, bản chất của vi rút cúm là luôn luôn thay đổi tính kháng nguyên. Tổ chức Y tế thế giới lo ngại về khả năng vi rút mới này có thể sẽ kết hợp với các chủng virút đang lưu hành như vi rút cúm mùa thông thường, hoặc vi rút cúm A/H5N1…để tạo thành chủng vi rút mới có độc lực mạnh và tính lan truyền nhanh hơn, gia tăng mức trầm trọng của đại dịch. Vì thế, việc chủ động giám sát ca bệnh, phát hiện các ca bệnh mới, kịp thời điều trị, cách ly, tránh lây lan rộng ra cộng đồng là vô cùng quan trọng.
Về dịch cúm A/H1N1 trên thế giới, theo thông báo số 56 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến ngày 02/7/2009 đã có 77.201 trường hợp dương tính với cúm A(H1N1) tại 120 quốc gia/vùng lãnh thổ, trong đó có 322 trường hợp tử vong.
Tại khu vực Đông Nam Á: Philippine đã ghi nhận 861 trường hợp, trong đó có 01 trường hợp tử vong; Singapore: 701 trường hợp dương tính. Bộ Y tế Thái Lan thông báo nước này đã ghi nhận 1414 ca dương tính, 5 trường hợp đã tử vong do cúm A/H1N1.
Hồng Hải – Ngọc Thanh/dan tri
Bình luận (0)