Trước thực tế khó khăn về quỹ đất xây trường, thiếu phòng học… để đảm bảo tỷ lệ học sinh (HS) tiểu học được học 2 buổi/ngày theo mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, các địa phương tại TP.HCM đã triển khai đa dạng các giải pháp…
TP.HCM xây dựng nhiều giải pháp nâng cao tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày
Từ lớp học động, chồng tầng…
Trường Tiểu học Lạc Hồng (Q.Bình Tân) có tổng số 56 lớp học với 2.324 HS. Tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày đạt 66,1% (37 lớp với 1.517 HS). Cô Phạm Thị Thu Hằng – Hiệu trưởng nhà trường thông tin, trong điều kiện sĩ số HS tăng hàng năm, để tăng tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày theo mục tiêu chương trình mới, năm học này nhà trường đã sử dụng hết 12 phòng ngủ và một số phòng chức năng để làm phòng học.
“Hiện nay, nhu cầu học 2 buổi/ngày tại trường lên đến 97%. Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện tổ chức dạy học chưa đáp ứng đủ nên chưa thể giải quyết hết nhu cầu phụ huynh HS. Ngoài ra, trường triển khai dạy 6 buổi/tuần với 5 lớp, còn lại 14 lớp học 5 buổi/tuần… Trường sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất với Phòng Giáo dục, UBND quận, tăng cường thêm cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu học 2 buổi/ngày của phụ huynh” – cô Hằng chia sẻ.
Là địa phương gặp nhiều khó khăn về phòng học khi triển khai học 2 buổi/ngày khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, song hiện nay tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày của quận Gò Vấp đạt đến 88%. Ông Trịnh Vĩnh Thanh – Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp thông tin, giải pháp được quận triển khai là xây dựng mô hình lớp học “chạy”, lớp học động.
“Trong các giờ học mà HS phải học tại các phòng chức năng thì tận dụng phòng học trống nhà trường sẽ khéo léo sắp xếp thời khóa biểu để HS các khối lớp khác được học tại phòng học trống đó, từ đó nâng cao tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày toàn quận lên đến 88%. Ban đầu mô hình được áp dụng với khối 4, 5 trước, dần dần các khối lớp khác. Ưu tiên khối 1, 2 phòng học ổn định để học 2 buổi/ngày vì các em còn quá nhỏ để di chuyển theo mô hình phòng học động” – ông Thanh phân tích.
Trong khi đó, TP.Thủ Đức có gần 60 trường công lập cùng 20-30% số trường tiểu học ngoài công lập, bà Lê Thị Xinh – Phó Trưởng phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức thông tin, áp lực về tăng dân số cơ học vẫn đang là rào cản lớn khiến địa phương chưa thể đạt tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày cao.
Theo bà Xinh, hiện nay dù thành lập thành phố song điều chỉnh tuyến tuyển sinh vẫn chưa thực hiện được linh hoạt do ảnh hưởng vị trí địa lý. Ví dụ, phường Bình Thọ hiện 100% HS đang học 2 buổi/ngày song không thể gánh được HS ở phường Bình Chiểu vì khoảng cách xa.
“Hiện nay, tỷ lệ học 2 buổi/ngày thấp đang tập trung ở phường Bình Chiểu, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước. Giải pháp được các nhà trường tính đến là tổ chức học thêm vào ngày thứ bảy để đảm bảo có phòng học sắp xếp cho HS các khối lớp học Chương trình GDPT 2018 được học 7-8 buổi/tuần, tăng tỷ lệ học 2 buổi/ngày”.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Mỹ Châu – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh thông tin, toàn huyện có trên 50.000 HS tiểu học. Dù mỗi năm huyện đều có trường mới thành lập song với số dân mỗi năm mỗi tăng kéo theo sĩ số HS thì vẫn không đáp ứng đủ…
Đơn cử như năm học này, huyện xây mới thêm 2 trường tiểu học nhưng tỷ lệ 300 phòng học/10.000 dân mới chỉ đạt được 250 phòng học. Để chuẩn bị cho năm học mới, huyện đang khởi công xây dựng thêm 2 trường học nữa nhưng về cơ bản vẫn không đáp ứng đủ, phòng học vẫn thiếu cục bộ, tỷ lệ 100% HS học 2 buổi/ngày trong chương trình mới vẫn không thể đạt được.
“Giải pháp tới đây được huyện đưa ra nhằm nâng cao tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày trước thực tế thiếu quỹ đất là “chồng tầng, tăng thêm tầng” cho các trường tiểu học để vừa có thêm phòng học, vừa có thêm sân chơi cho HS, đặc biệt tại các xã có sĩ số HS cao đang thiếu phòng cục bộ là Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B…” – bà Châu chia sẻ.
… Đến dạy học trực tuyến
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2022-2023, toàn TP.HCM có 569 trường tiểu học trong và ngoài công lập với tổng số HS là 662.934 em. Tỷ lệ trường học 2 buổi/ngày đạt 82,6%, giảm 13,1% so với năm học 2021-2022. Tổng số HS học 2 buổi/ngày đạt 74,8% (459.632 HS). Riêng quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 10, huyện Cần Giờ và Nhà Bè có 100% số lớp, số HS được học 2 buổi/ngày.
Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên môn tiếng Anh, tin học được giảng dạy bắt buộc từ khối lớp 3 theo Chương trình GDPT 2018, 100% HS lớp 3 thành phố được học tiếng Anh, tin học. Mặc dù trường lớp được xây mới hàng năm song vẫn không đáp ứng kịp tốc độ tăng dân số. Nhiều trường thiếu phòng học phải mượn tạm phòng học của cơ sở khác gần trường; một số trường phải sử dụng phòng chức năng làm phòng học nên chưa đảm bảo đủ phòng chức năng… Tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng đủ tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho tất cả khối lớp.
Chuyển đổi số đang được TP.HCM tận dụng như một giải pháp để giải quyết bài toán thiếu phòng học, thiếu giáo viên khi dạy 2 buổi/ngày
Thực tế khó khăn về trường, lớp đang là khó khăn chung của các địa phương tại TP.HCM khi triển khai dạy học 2 buổi/ngày đáp ứng mục tiêu phát huy phẩm chất, năng lực HS theo chương trình mới. Nhiều giải pháp đã được các địa phương linh hoạt triển khai, bao gồm cả việc tận dụng chuyển đổi số.
Đơn cử như quận Tân Phú, tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày của quận luôn thấp nhất thành phố do dân số tăng cơ học hàng năm cao, việc xây dựng trường lớp gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, quận đã triển khai mô hình dạy học trực tuyến trong điều kiện bình thường, từng bước nâng cao tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày, đáp ứng mục tiêu phát huy phẩm chất năng lực HS…
Ông Phan Sĩ Đạt – Trưởng phòng GD-ĐT quận chia sẻ, suốt hai năm qua quận không xây mới được trường học nào dù đã tích cực tham mưu. Vì vậy, các nhà trường đã tận dụng CNTT, linh hoạt đưa một số nội dung chương trình lên dạy học trực tuyến để tăng tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày theo chương trình mới. Tuy nhiên, một bộ phận phụ huynh vẫn còn băn khoăn rằng sao hết dịch mà vẫn học trực tuyến, do vậy cần đẩy mạnh thêm công tác tuyên truyền để tăng sự đồng hành của phụ huynh.
Bà Lâm Hồng Lãm Thúy – Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM thừa nhận, TP.HCM gặp nhiều khó khăn khi triển khai dạy học 2 buổi/ngày cho HS tiểu học trong Chương trình GDPT 2018 do dân số tăng cơ học hàng năm cao, khó khăn về quỹ đất, thiếu phòng học… Để nâng cao tỷ lệ này, tăng thêm những trải nghiệm học tập cho HS đáp ứng mục tiêu Chương trình GDPT 2018 trong điều kiện còn nhiều rào cản, bà Thúy chia sẻ, có nhiều giải pháp các trường có thể áp dụng được. Trong đó, thực hiện việc chuyển đổi số ở bậc tiểu học phấn đấu đưa 25% nội dung chương trình giáo dục lên dạy học trực tuyến thì tùy từng địa phương, nhà trường có cách thực hiện phù hợp, không chuyển đổi cơ học số tiết học song cũng có thể là giải pháp để tăng thêm tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày…
Yến Khương
Bình luận (0)