Từ năm học 2024-2025, 100% trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM sẽ giảng dạy kỹ năng công dân số cho học sinh.
Giáo viên tiểu học tại TP.HCM được tập huấn về việc thực hiện giảng dạy kỹ năng công dân số cho học sinh
Sở GD-ĐT TP.HCM vừa tổ chức tập huấn cho hơn 1.000 cán bộ quản lý, giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn thành phố, hướng dẫn việc triển khai giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh.
Xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp cho từng khối lớp
Cô Trần Bé Hồng Hạnh (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (Q.1) cho biết trong năm học mới, việc tổ chức giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh sẽ được nhà trường triển khai từ khối lớp 1 theo hình thức câu lạc bộ kỹ năng, đảm bảo 100% học sinh toàn trường được tham gia. “Ở năm học trước, nhà trường có tổ chức dạy kỹ năng sống cho học sinh thành 1 tiết học riêng biệt. Năm học 2024-2025, câu lạc bộ kỹ năng sống sẽ tổ chức dạy về kỹ năng công dân số. Còn việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh sẽ được nhà trường lồng ghép vào trong từng hoạt động giáo dục, từng môn học để nâng cao hơn nữa hiệu quả giáo dục”, cô Hồng Hạnh thông tin.
Hiệu trưởng này cho biết thêm, do nội dung giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học là nội dung mới bắt đầu được triển khai trong năm học tới, do đó để thuận lợi khi triển khai thì ngay trong khâu tổ chức tư vấn cho phụ huynh học sinh khối đầu cấp khi đăng ký tuyển sinh vào trường hiện nay, nhà trường đã tư vấn rõ để phụ huynh hiểu về nội dung này. Song song đó, nhà trường cũng sẽ phối hợp với đơn vị đối tác để xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp nhất cho từng khối lớp. “Giáo dục cho học sinh tiểu học kỹ năng công dân số là hết sức cần thiết. Muốn thành công thì trước hết phụ huynh phải nhận thức rõ ràng được vấn đề để có sự đồng thuận, hỗ trợ nhà trường khi triển khai”, cô Hồng Hạnh nhìn nhận.
Tương tự, cô Nguyễn Thị Kim Hương (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thọ, Q.11) cho hay, nhà trường dự tính sẽ đưa nội dung giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh vào trong thời khóa biểu chính khóa, với thời lượng 1 tiết/tuần ở mỗi khối lớp.
Năm học 2024-2025, ngành giáo dục TP.HCM triển khai giảng dạy nội dung kỹ năng công dân số tại 100% trường tiểu học
Mặc dù vậy, cô Kim Hương cho rằng Sở GD-ĐT TP.HCM cần có hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn nữa về cách thức tổ chức triển khai, từ đó nhà trường sẽ lấy làm căn cứ để tổ chức họp, thông báo đến toàn thể giáo viên nắm, hiểu, đồng thuận. Đặc biệt là thông tin rõ ràng đến phụ huynh trước khi năm học mới bắt đầu để có sự đồng thuận trong triển khai. “Hiện nay đa phần học sinh nhà trường đều đã được tiếp cận với thiết bị thông minh, các em có nhiều điều kiện để thao tác trên môi trường số. Do vậy, việc nhà trường tổ chức hướng dẫn, trang bị cho các em kỹ năng số một cách bài bản là hết sức cần thiết và quan trọng. Có như vậy mới có thể giúp các em tránh được những rủi ro như bị bắt nạt, bạo lực, lừa đảo… trên môi trường số, giúp các em sử dụng môi trường số một cách phù hợp, thông minh, phục vụ cho việc học, rèn luyện và nâng cao kỹ năng…”, cô Kim Hương đánh giá.
Không phải là nhiệm vụ mới
“Việc giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học cần nhẹ nhàng, hướng đến trang bị cho học sinh các kỹ năng để giúp các em an toàn trên môi trường số”, TS. Thái Văn Tài (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT) nói. |
Năm học 2023-2024, TP.HCM đã triển khai thí điểm giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tại 44 trường tiểu học ở 21 quận/huyện và TP.Thủ Đức. Đến năm học 2024-2025, TP.HCM nhân rộng nội dung này giảng dạy ở toàn khối tiểu học trên địa bàn thành phố. ThS. Nguyễn Bảo Quốc (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) nhấn mạnh, việc định hướng giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học có tầm quan trọng đặc biệt, bởi đây là độ tuổi các em đang bắt đầu khám phá và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Việc giúp học sinh có được các kỹ năng cơ bản về sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông một cách an toàn, đúng cách sẽ giúp các em tránh được các rủi ro và nguy hiểm trực tuyến; đồng thời giúp các em phát triển tư duy đa chiều và phát triển các kỹ năng sáng tạo cần thiết trong kỷ nguyên số.
Trong khi đó, TS. Thái Văn Tài (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT) khẳng định, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiệm vụ giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh. Do đó, khi triển khai giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học là đang thực hiện chương trình, chứ không phải là nhiệm vụ mới. Việc giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học cần nhẹ nhàng, hướng đến trang bị cho học sinh các kỹ năng để giúp các em an toàn trên môi trường số.
Theo ông Tài, nội dung giáo dục kỹ năng công dân số sẽ được triển khai trong giờ chính khóa và ngoài giờ chính khóa. Trong giờ chính khóa là dạy nội dung kỹ năng công dân số qua một số môn học cơ bản mà có nội dung giáo dục này, tích hợp vào thành những bài học chính thống do giáo viên triển khai, qua môn học như môn tin học, khoa học, công nghệ… Đưa vào ngoài giờ chính khóa là dạy tin học tự chọn hoặc tăng cường… “TP.HCM có nhiều thuận lợi song cũng có nhiều thách thức khi triển khai giảng dạy đại trà nội dung giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học. Tôi đề nghị TP.HCM cần bổ sung nội dung giáo dục kỹ năng công dân số vào dự thảo nghị quyết thay thế cho NQ04/2023 của HĐND TP.HCM để làm cơ sở pháp lý cho nhà trường khi triển khai. Khi triển khai, nhà trường cần nêu rõ nguyên tắc đưa vào trong chính khóa, ngoại khóa là gì. Nhà trường cần tổ chức việc này trước ngày 15-8, có hội nghị triển khai phân tích cách hiểu, cách xếp thời khóa biểu…”, ông Tài nói thêm.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)