Học sinh các cấp từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT ở TPHCM đang bước vào tuần lễ thứ 3 nghỉ học, để phòng tránh sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (Covid-19) gây ra. Sau 2 tuần triển khai các hình thức cho học sinh tự học tại nhà, nhiều trường đã điều chỉnh nội dung và phương pháp, đảm bảo điều kiện học tập cho học sinh.
Học sinh tự học trực tuyến tại nhà trong thời gian nghỉ học vì dịch bệnh
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm
Sau 2 tuần “chạy thử” phần mềm dạy học trực tuyến, đầu tuần qua, Trường Tiểu học Vinshool (quận Bình Thạnh) đã thông báo đến tất cả phụ huynh về việc cập nhật phần mềm với cách thức đăng nhập hoàn toàn mới nhằm khắc phục một số hạn chế của phần mềm dạy học cũ. Ngoài ra, nội dung các môn học của tuần thứ 3 được phụ huynh đánh giá là “chậm lại” so với 2 tuần trước đó, vì giáo viên không triển khai thêm kiến thức mới mà chỉ giúp học sinh ôn lại bài cũ.
Tương tự, tại Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5), thầy Nguyễn Duy Tuyển, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, sau 2 tuần tổ chức học online một số môn như Toán, Vật lý, Hóa học từ việc gửi bài tập về nhà cho học sinh qua hệ thống mail, tuần này trường sẽ thống kê và đánh giá tình hình học tập trực tuyến của học sinh, qua đó có thêm phương án điều chỉnh để nâng cao hiệu quả học tập. Đối với Trường THCS Hồng Bàng (quận 5), ngoài việc học sinh tự học tại nhà thông qua tài liệu ôn tập được đăng tải trên website của trường, bắt đầu từ tuần này, giáo viên một số bộ môn soạn thêm bộ câu hỏi trắc nghiệm để học sinh tự luyện tập ở nhà.
Trong khi đó, hiệu trưởng một trường THCS ở quận 1 cho biết, sau khi Bộ GD-ĐT thông báo lùi thời gian kết thúc năm học, giáo viên không cần chạy đua cho kịp chương trình mà thay vào đó chú trọng ôn tập kiến thức cho học sinh. Song song với việc truyền đạt kiến thức, giáo viên phải thường xuyên cập nhật hiểu biết về dinh dưỡng, sức khỏe cũng như kỹ năng sống, giúp học sinh có kế hoạch học tập, sinh hoạt hợp lý. Riêng đối với bậc THPT, để tăng cường ý thức tự học cho học sinh, một số trường như THPT Lê Quý Đôn (quận 3), THPT Ernst Thalmann (quận 1) tổ chức “học online, lấy điểm thật”. Theo đó, học sinh sẽ làm bài tập giáo viên cho theo hình thức dạy học theo dự án, lấy điểm kiểm tra miệng hoặc thay thế bài kiểm tra 15 phút.
Mở rộng nội dung học
Theo Th.S Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM), trong một lớp học, thầy cô đóng vai trò hướng dẫn học sinh kỹ năng, phương pháp tìm hiểu kiến thức chứ không phải thầy dạy bao nhiêu, trò biết bấy nhiêu. Nhiệm vụ của học sinh là phát triển thêm kiến thức, sau đó tích hợp thành hoạt động cá nhân. Tại các thành phố lớn, sĩ số bình quân 40 – 50 học sinh/lớp, học sinh được học cả ngày bán trú ở trường trong không gian hạn chế, không thể triển khai nhiều hoạt động. Do đó, đã đến lúc xác định lại mục tiêu học tập ở từng bậc học, đồng thời cần triển khai những hoạt động gì để đảm bảo khả năng phát triển toàn diện cho học sinh. Có thể thấy, xã hội càng phát triển, nhu cầu của người học cũng đa dạng hơn. Qua đó, đòi hỏi trường học dù tổ chức học chính khóa hay ngoại khóa, học trực tiếp trên lớp hay gián tiếp qua các hình thức online, ngoài nhiệm vụ truyền thụ kiến thức cần quan tâm phát triển nhận thức, kỹ năng sống cho học sinh.
Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng, các trường cần dựa vào điều kiện dạy học thực tế để chủ động sắp xếp, đề ra các giải pháp dạy học phù hợp. Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng đề nghị, đây là thời điểm Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu, ban hành thêm quy định làm cơ sở pháp lý và hướng dẫn về chuyên môn đối với hình thức học tập tại nhà (còn gọi là homeschooling), tránh tình trạng các trường triển khai mỗi nơi một kiểu, vừa gây hoang mang, vừa ảnh hưởng hiệu quả học tập của học sinh.
“Tôi có hai con đang học tiểu học. Tuần qua, mấy mẹ con đánh vật với mấy phần mềm, giao diện học trực tuyến mà giáo viên cung cấp. Điều đáng nói là các con tôi mới học lớp 2, vừa được làm quen với máy tính từ học kỳ 1, gõ văn bản word còn chưa rành mà phần mềm học trực tuyến đòi hỏi học sinh phải gõ tên đăng nhập (có bỏ dấu tiếng Việt), mật khẩu (yêu cầu cả ký tự và số đếm). Chưa kể trong suốt quá trình cô giảng bài qua máy tính, con được yêu cầu bật – tắt liên tục tính năng trò chuyện qua micro, như lúc cô giảng thì tất cả các bạn phải tắt micro, bạn nào được cô mời phát biểu mới mở micro, nói xong phải tắt micro để bạn khác trình bày. Lớp học trực tuyến thường xuyên bị ngắt quãng bởi tín hiệu đường truyền và những câu hỏi của cô giáo như “Các bạn nghe cô nói rõ không?” hoặc “Con thấy bài tập cô chia sẻ ở cửa sổ kế bên chứ?”; hay “Con mở tính năng trò chuyện, mở giúp cô đoạn video clip qua đường link cô vừa gửi nha”… Hai vợ chồng nói vui là không chỉ con học mà cả nhà cùng được cập nhật kiến thức sử dụng máy tính, nhưng khổ nỗi không phải ngày nào ba mẹ cũng sắp xếp được thời gian ở nhà để ngồi học cùng con”- Chị Vũ Hải An -PHHS một trường tiểu học ngoài công lập ở quận 1 “Việc học online chỉ thực sự tốt khi các ứng dụng tương tác tốt với người học để có thể kiểm tra, đánh giá kết quả học online chứ không chỉ giao việc một chiều, cập nhật bài giảng điện tử một chiều từ phía giáo viên. Ngoài ra, cần có thêm nhiều lựa chọn cách tiếp cận đối với người học, nguồn học liệu phải đa dạng. Để làm được điều đó, cần sự đầu tư đồng bộ, dài hạn, mang tính định hướng chiến lược của không chỉ trường học mà đối với cả ngành giáo dục”. – Thầy Lâm Vũ Công Chính – GV Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 |
MINH QUÂN (theo SGGP)
Bình luận (0)