Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Đa dạng hoá các cơ sở dạy nghề: Học viên được lợi

Tạp Chí Giáo Dục

 Với sự tham gia của các công ty, các trường CĐ, trung cấp… trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nông dân nhiều địa phương được học nghề bài bản với giáo viên trình độ cao.
Ngay sau khoá học, học viên đã thấy được lợi ích thiết thực. Người trồng mía ở Thanh Hóa đã có thời gian lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì cây mía. Nhưng mọi chuyện giờ đây đã khác, nhờ cây mía nhiều nông dân đã trở thành tỷ phú.

Một lớp dạy nghề may cho lao động nông thôn ở tỉnh Nam Định.

Tăng thu nhập nhờ học nghề
Tới thăm cơ ngơi của gia đình ông Trịnh Văn Thảo ở xã Quý Lộc (huyện Yên Định, Thanh Hóa), chúng tôi không khỏi thán phục vì sự khang trang, sung túc nơi đây. Ông Định phấn khởi cho biết: “Đất trồng mía thì không mở rộng nhưng sau khi học xong lớp kỹ thuật trồng mía, gia đình tôi đã có thu nhập cao gấp đôi năm trước. Đó là động lực để tôi “cất” được cái cơ ngơi khang trang như ngày hôm nay”.
Cùng chung niềm vui trên, ông Đỗ Viết Hiển ở tổ 18, phường Tân Thịnh (TP.Hòa Bình) cho biết: “Gia đình tôi có gần 1ha trồng chít, trước khi học nghề mỗi vụ chỉ thu được từ chít gần 20 triệu đồng. Từ khi được học nghề trồng chít, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, mỗi vụ gia đình đã có thu nhập cao hơn trước khoảng 10 triệu đồng”.
Trao đổi với NTNN, bà Trương Thị Bình – Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Mai Bình (Đồng Tiến, Hòa Bình) cho biết: Mặc dù công ty nằm ở ngay trên “quê hương” của chít nhưng sản lượng không đủ, công ty vẫn phải sang tận Lào thu mua. Chính điều này đã khiến bà Bình mạnh dạn liên hệ với Sở LĐTBXH tỉnh Hòa Bình đăng ký mở lớp dạy kỹ thuật trồng chít cho những nông dân có nhu cầu học.
“Nếu Sở LĐTBXH trao cơ hội dạy nghề cho công ty chúng tôi thì tôi dám chắc những người trồng chít, làm chổi chít sẽ không bao giờ bị đói và công ty tôi không phải lo nhập nguyên liệu từ Lào về nữa” – bà Bình khẳng định.
Phong phú thêm nghề cho người học
Trong năm 2010, Tổng cục Dạy nghề đã tổ chức được 665 lớp thí điểm dạy nghề cho nông dân, thu hút sự tham gia của 21.187 người. Các lớp dạy nghề thí điểm này do 107 cơ sở dạy nghề đảm nhiệm, trong đó hơn 50% là các trung tâm nghiên cứu, các trường CĐ, trung cấp nghề và các tổng công ty (mía đường, thuốc lá, dệt may) tham gia giảng dạy.
Nhờ sự vào cuộc của các công ty và các trường cao đẳng, trung cấp nghề, người nông dân có thêm nhiều cơ hội chọn nghề phù hợp với mong muốn của mình. Không những thế, nhiều trường cao đẳng, trung cấp có lợi thế về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và các công ty còn có thể tạo việc làm cho người học ngay sau đào tạo.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – Phó Trưởng khoa Nông lâm (Trường Cao đẳng nghề Nông lâm Phú Thọ) cho biết, cuối năm 2010, trường đã phối hợp với Tổng cục Dạy nghề tổ chức lớp kỹ thuật trồng nấm ở Hạ Hòa. Sau 3 tháng học nghề, 100% nông dân đã biết cách trồng nấm đúng kỹ thuật. Không những vậy, bà con còn được dạy cách trồng nấm trên nhiều chất liệu như; bông phế thải, thân lõi ngô, lục bình phơi khô, bã dong rềng, mùn cưa, bã mía….
“Các trường cao đẳng nghề có sẵn đội ngũ giáo viên chuyên ngành, cơ sở vật chất, khi tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn thì chắc chắn chất lượng học nghề cao hơn, đồng nghĩa với cơ hội có việc làm cao hơn” – bà Thuỷ nói.
Ông Nguyễn Văn Thông – Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Kinh tế nông nghiệp Nam Định chia sẻ: “Khi nông dân tới trường lớp đàng hoàng, họ cũng có tâm thế đi học một nghề chứ không chỉ là “tập huấn” hay “hội thảo đầu bờ”. Trong năm 2011, chúng tôi sẽ mở thêm 10 lớp đào tạo nghề chăn nuôi lợn, gà, cá nước ngọt, nước lợ…”.
Tuy nhiên, để lao động nông thôn có nhận thức đúng đắn về học nghề là không đơn giản, hiện công tác tuyển sinh đang gặp phải rất nhiều khó khăn. “Không phải cứ Nhà nước hỗ trợ và không mất tiền là họ đi học. Họ chỉ đi học những nghề thiết thực với họ và gia đình họ” – ông Thông nói.
Cũng theo ông Thông, để góp phần làm phong phú các nghề cho người dân lựa chọn, giảm chi phí và tận dụng lợi thế của các trường CĐ, trung cấp nghề và các công ty sử dụng nhiều lao động, Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn cần linh hoạt và tạo sự tự chủ trong chương trình đào tạo nghề.
“Hiện các vấn đề về tài chính, về chương trình nghề còn chưa rõ ràng nên chúng tôi chưa thể tiếp cận nhiều với Đề án mà chỉ mới làm thí điểm”- ông Thông nói.
Theo Thanh Xuân – Công Trình
(Dân Việt)

Bình luận (0)