Hoạt động ngoại khóa không chỉ giúp sinh viên giải tỏa căng thẳng mà còn tạo hứng thú trong học tập vì các em có cơ hội trình bày những vấn đề mà mình quan tâm qua các hoạt động như tranh luận, thuyết trình hoặc tìm tòi qua hoạt động thực tiễn như diễn kịch, đố vui…
Sinh viên Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM trong một chuyến dã ngoại ở khu vực trung tâm TP |
Bởi vậy, tại Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM, chúng tôi đã xây dựng nhiều mô hình hoạt động ngoại khóa để giúp sinh viên nâng cao năng lực ngoại ngữ.
Các mô hình hoạt động ngoại khóa thiết thực
Có nhiều hình thức hoạt động ngoại khóa để sinh viên vừa học vừa giải trí. Hiện chúng tôi đang thực hiện 4 mô hình, đó là: Tổ chức câu lạc bộ tiếng Anh tại trường; tổ chức dã ngoại đưa sinh viên sinh hoạt ở khu vực trung tâm thành phố để giao lưu với du khách nước ngoài nhằm tăng cường khả năng giao tiếp tiếng Anh; đưa sinh viên tham quan kiến tập tại các doanh nghiệp, trung tâm ngoại ngữ; giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh theo từng giai đoạn, cấp bậc từ thấp đến cao.
Theo đó, với mô hình tổ chức câu lạc bộ tiếng Anh tại trường, sinh viên có cơ hội gặp gỡ bạn bè giao tiếp tiếng Anh, thể hiện tài năng của mình thông qua những cuộc thi được tổ chức trong câu lạc bộ. Trong khi đó mô hình dã ngoại đã tạo cơ hội tốt cho sinh viên chuyên ngữ được tiếp xúc, giao lưu cùng người nước ngoài. Ngoài kỹ năng ngôn ngữ, các em còn được rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử, rèn luyện tính tích cực, chủ động để tạo cơ hội và khẳng định mình. Những đợt sinh hoạt ngoại khóa này, sinh viên và giảng viên được trang bị đồng phục với màu sắc bắt mắt và thoải mái để góp phần tạo thêm niềm vui và phấn khởi cho cả thầy và trò. Còn mô hình kiến tập tại doanh nghiệp là một trong những cách giúp sinh viên tiếp cận với môi trường thực tế và định hướng nghề nghiệp. Điều này giúp các em tìm hiểu chi tiết về đặc trưng công việc, ngành nghề và cung cấp những kiến thức bổ ích về kinh nghiệm xin việc, phỏng vấn, tiếp xúc khách hàng, quan hệ giao tiếp với đồng nghiệp và cấp trên… Đặc biệt, mô hình giảng dạy chuyên ngành lồng ghép ngoại ngữ là cần thiết nhằm nâng cao năng lực của sinh viên về chuyên môn lẫn ngoại ngữ.
Hình thức kiểm tra, đánh giá phải phù hợp với mục tiêu đào tạo, nghiêm túc và chặt chẽ để sinh viên nhận thức tầm quan trọng của đánh giá đầu ra. |
Những hoạt động này góp phần giúp sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm phù hợp với kiến thức đã được đào tạo. Đây là dấu hiệu đáng mừng và cần được phát huy trong các ngành đào tạo nói chung và khoa ngoại ngữ nói riêng.
Tăng cường thêm nhiều giải pháp mới
Ngoài những hoạt động ngoại khóa trên, để nâng cao hơn năng lực tiếng Anh cho giảng viên và sinh viên theo xu hướng trường tiên tiến, cần có một số giải pháp sau: Thứ nhất, chương trình đào tạo cần phù hợp với nhu cầu xã hội. Để làm được điều này cần xây dựng, rà soát, điều chỉnh đầu ra phù hợp với yêu cầu tiêu chí trường tiên tiến và nhu cầu đòi hỏi của thị trường lao động; đặc biệt là trình độ, năng lực ngoại ngữ khi sinh viên tốt nghiệp ra trường phù hợp theo từng chuyên ngành đào tạo. Chương trình ngoại ngữ phải định hướng theo cách đánh giá ngoài, theo chuẩn quốc tế để tạo nền tảng cho sinh viên đạt kết quả cao nhất trong các kỳ thi kiểm tra đầu ra của trường hoặc trong các cuộc sát hạch, tuyển dụng của doanh nghiệp. Thứ hai, về cách kiểm tra, đánh giá dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường. Hình thức kiểm tra, đánh giá phải phù hợp với mục tiêu đào tạo, nghiêm túc và chặt chẽ để sinh viên nhận thức tầm quan trọng của đánh giá đầu ra. Đội ngũ giảng dạy cũng nên được tư vấn kỹ để người đứng lớp ý thức được trách nhiệm, mục tiêu sinh viên đạt được trong quá trình học nhằm thực hiện các quá trình giảng dạy cho phù hợp. Nhận thức đúng đắn của giảng viên về tầm quan trọng của tiếng Anh trong thời kỳ hội nhập quốc tế và vai trò quản lý giáo dục là yếu tố quyết định thành công của đề án chuẩn hóa tiếng Anh với cơ chế quản lý, đầu tư về cơ sở vật chất và con người. Giảng viên cần nhận thức rằng trong thời kỳ hội nhập, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sang thị trường Việt Nam, mang lại nhiều cơ hội việc làm cho lao động trẻ. Tuy nhiên, nếu không có ngoại ngữ thì người trẻ Việt không thể giành lấy cơ hội ngàn vàng này. Thứ ba, đổi mới phương pháp giảng dạy và xây dựng các cộng đồng học ngoại ngữ trong và ngoài nhà trường. Đa dạng hóa hình thức, phương thức học tập, hoạt động nâng cao năng lực ngoại ngữ phù hợp với từng đối tượng người học, tận dụng các điều kiện thuận lợi và sinh động để học tập. Đồng thời cần khai thác yếu tố tâm lý, tạo điều kiện để sinh viên chủ động, tự tổ chức sinh hoạt và tham gia các câu lạc bộ ngoại ngữ dưới sự cố vấn của giảng viên…
ThS. Phạm Ngọc Diễm
(Khoa Ngoại ngữ Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM)
Bình luận (0)