Phụ huynh mỏi mệt, ngủ gục trong thời gian đợi con thi tại HĐT Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM sáng 9-7. Ảnh: M.Tâm
|
Hai đợt tuyển sinh ĐH, CĐ 2011 đã kết thúc. Sau mỗi kỳ thi, năm nào cũng có những ồn ào và những thành công. Tuy nhiên, nếu chỉ trong hơn một tháng mà có tới bốn đợt thi (1 đợt thi tốt nghiệp, 3 đợt ĐH, CĐ) và tổng động viên toàn xã hội vào cuộc thì thật khủng khiếp. Gánh nặng này không chỉ đè lên vai các gia đình mà còn đè lên sức chứa của mỗi TP lớn. Vậy có nhất thiết phải 3 chung như hiện nay?
Các trường ngoài công lập: sẵn sàng
Năm nay ĐH Kinh doanh và công nghệ có hai đợt thi với tổng số trên 18.000 hồ sơ đăng ký dự thi. Ngoài một điểm thi tại trường, còn lại phải thuê hết bên ngoài. Khi được hỏi về việc có nên bỏ 3 chung, PGS.TS Vũ Văn Hóa, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng giai đoạn đầu, “3 chung” trong tuyển sinh ĐH, CĐ là rất tốt. Trước đây, chúng ta để mỗi trường ĐH ra một đề, đề này lại lấy từ bộ đề của Bộ GD-ĐT được xuất bản công khai. Chính vì vậy đề rất dễ bị lộ. Không những thế, mỗi trường còn phải mất đến vài trăm triệu để làm đề. Trước tình hình này, nhiều người đề nghị Bộ GD-ĐT ra một bộ đề chung cho tất cả các trường. Khi đã chung đề thì sẽ phải chung đợt và chung kết quả.
Nhưng sau một thời gian triển khai, 3 chung cũng bắt đầu lộ ra một số nhược điểm. Thứ nhất, kỳ thi ĐH bỗng nhiên biến thành một kỳ thi quốc gia rầm rộ, tổng động viên toàn xã hội. Trong đó, thí sinh vào cuộc, phụ huynh, người nhà vào cuộc, các bộ ban ngành cũng phải vào cuộc. Thứ hai là nguyện vọng của thí sinh bị mất đi vì các em ít quyền lựa chọn. Quyền chủ động của các trường cũng không còn. Do đó, đã đến lúc cần “báo tử” 3 chung. PGS. Hóa cũng cho rằng, ngày xưa, công tác làm đề tốn kém nhưng hiện nay với sự trợ giúp của công nghệ thông tin và phương tiện hiện đại, công việc này đơn giản hơn rất nhiều. Hơn thế nữa, các trường đều có thể đảm bảo việc ra đề thi. Khi được hỏi ý kiến về vấn đề này, nhiều trường ngoài công lập đều mong muốn Bộ GD-ĐT giao quyền tự chủ tuyển sinh.
Các trường công lập: chưa vội
Trái ngược với các trường ngoài công lập, các trường công lập đều thấy không có vấn đề gì để thay đổi 3 chung. Ông Lương Khắc Hiếu, Phó hiệu trưởng Học viện Báo chí tuyên truyền cho biết 3 chung là phù hợp. Đề chung thuận tiện cho nhà trường, ít sai sót. Ông Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cũng cho hay trong hoàn cảnh hiện nay, không nên bỏ thi ĐH theo 3 chung. Bởi vì theo ông, các trường chưa thể làm tốt được việc tự tuyển sinh, tự ra đề và tự tổ chức thi. Nếu muốn đơn giản hóa việc thi cử thì nên bỏ kỳ thi phổ thông là hợp lý nhất. Theo ông Châu việc tổ chức thi riêng rất có thể xảy ra tiêu cực về chấm bài và duyệt bài. Hơn nữa, rất khó khăn trong việc xét nguyện vọng 2 bởi mức độ khó dễ trong đề thi của các trường là khác nhau.
Tại sao lại có hai luồng ý kiến trái ngược như trên?
Theo các chuyên gia giáo dục, thì hiện nay, các trường công lập họ không muốn bỏ 3 chung vì những lý do như: nguồn tuyển của họ luôn ổn định. Họ không phải lo làm đề thi, nên ít rủi ro, ít phải chịu trách nhiệm hơn. Trong khi đó, các trường ngoài công lập tuyển sinh khó khăn, họ muốn được “cởi trói” để có thể đưa ra một “chuẩn” riêng cho mình, không phụ thuộc vào mặt bằng chung của bộ quy định. Không chỉ muốn bỏ kỳ thi 3 chung mà các trường ngoài công lập còn muốn bỏ khống chế chỉ tiêu tuyển sinh và bỏ quy định xin mã ngành.
Bộ không thể nắm từ A-Z
Phân tích về vấn đề này, TS. Hoàng Quang Đạt, Trưởng khoa Lý luận cơ sở, Học viện Hành chính cho rằng không nhất thiết phải làm 3 chung như hiện nay. Có thể Bộ GD-ĐT vẫn giữ công việc ra đề nhưng giao cho các trường thi tuyển, các trường có thể thi tuyển vào những ngày khác nhau để giảm sức ép lên các TP lớn. Trong một thực tế thời gian vừa qua Việt Nam có tình trạng dàn hàng ngang lên ĐH bằng cách mở rất nhiều trường thì việc quản lý chất lượng các trường kém chất lượng và quản lý kém là rất cần thiết. Vì không thể giao cho các trường này tự tuyển sinh. Ngay cả 3 chung cũng cần quản lý chặt chẽ, nếu không, sẽ dễ nảy sinh nhiều tiêu cực như hạ ba-rem điểm để nâng điểm thi… Cũng theo ông Đạt, khi nào các trường của Việt Nam khẳng định được thương hiệu thì mới giao hoàn toàn quyền tuyển sinh cho các trường. Còn GS. Nguyễn Minh Thuyết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cho rằng về tương lai thì Bộ GD-ĐT không thể “ôm” từ A-Z việc tuyển sinh cho các trường. Bởi thực chất công việc này là của các trường. Bộ còn phải giải quyết rất nhiều việc quan trọng khác, các trường nên chia sẻ gánh nặng với bộ. Trong thời gian tới, bộ cũng nên trao quyền tự chủ toàn diện cho các trường trong đó có quyền tự tuyển sinh, tự tổ chức thi… Các trường có thể tuyển sinh theo các hình thức mà họ cho là thích hợp. Họ có thể xét tuyển trên kết quả thi của trường khác, trên cơ sở bảng điểm, điểm thi ở THPT… Hình thức này các nước cũng đã làm rồi
Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, Bộ GD-ĐT chỉ nên nắm chỉ tiêu tuyển sinh, vì mặc dù nhiều trường kêu là muốn tự quản nhưng bộ buông ra thì không thể được. Bởi nếu bộ không quản lý về tuyển sinh thì các trường có cơ sở vật chất kém, đội ngũ giảng viên hạn chế cứ tuyển ào ào thì sẽ “loạn”. Bộ GD-ĐT nên tăng cường kiểm định chất lượng và một vài năm lại xét lại chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường. GS. Thuyết cũng cảnh báo: “Các trường tự tổ chức thi thì Bộ GD-ĐT sẽ nhàn hơn nhưng trường thì vất vả hơn. Nếu không cẩn thận, khâu tuyển sinh rất có thể xảy ra sai sót trong đề thi cũng như trong việc chấm thi. Hơn nữa, các thí sinh và phụ huynh cũng vất vả hơn, tốn kém hơn, chuyện này cũng phải tính toán. Đây không phải là công việc thay đổi được trong một sớm một chiều”.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)