Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đã đến lúc giao cho địa phương đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT?

Tạp Chí Giáo Dục

Sau gần 7 năm từng đặt vấn đề, đầu tuần này, Sở GD-ĐT TP.HCM tiếp tục kiến nghị với Bộ GD-ĐT giao quyền cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện kiểm tra đánh giá và công nhận tốt nghiệp THPT.
Thí sinh tại TP.HCM làm thủ tục đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020 	 /// ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Thí sinh tại TP.HCM làm thủ tục đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Đề xuất từ năm 2016
Ngay từ năm 2016, trong buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GD-ĐT lúc bấy giờ, lần đầu tiên TP.HCM đề xuất Bộ cho phép TP tự thực hiện việc kiểm tra, đánh giá công nhận tốt nghiệp THPT.
Vì luật Giáo dục đang quy định phải có một kỳ thi quốc gia nên vẫn phải tổ chức nhưng nếu cần vẫn có thể sửa luật, hoặc các địa phương cùng tổ chức kỳ thi vào một ngày, sau đó địa phương sẽ tự công nhận tốt nghiệp cho học sinh địa phương mình
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)
Theo đó nhà trường và giáo viên có trách nhiệm đánh giá định kỳ học sinh (HS). Sở GD-ĐT tổ chức đánh giá chung giữa và cuối cấp để làm cơ sở xem xét hoàn thành chương trình học của cả cấp.
Đến tháng 8.2018, trong hội nghị tổng kết năm học 2017 – 2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018 – 2019 do Bộ GD-ĐT tổ chức, Sở GD-ĐT đề xuất cho phép TP.HCM được hưởng những cơ chế đặc thù nhằm triển khai những giải pháp mang tính đột phá, đổi mới. Cụ thể, TP.HCM tiếp tục đề xuất Sở sẽ chịu trách nhiệm với UBND TP tổ chức xét công nhận tốt nghiệp THPT. Các trường ĐH, CĐ tự tổ chức tuyển sinh theo nguyện vọng của HS sau khi tốt nghiệp THPT.
Và mới đây, vào ngày 17.5, trong báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 16 và Nghị quyết 54, một lần nữa Sở GD-ĐT tiếp tục nhắc đến kiến nghị với Bộ GD-ĐT và các cấp lãnh đạo cho phép ngành giáo dục TP được áp dụng cơ chế đặc thù trong thực hiện nhiệm vụ, nhằm triển khai những giải pháp mang tính đột phá, đổi mới.
Cụ thể, TP.HCM đề xuất Bộ giao quyền cho các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư thực hiện kiểm tra đánh giá và công nhận tốt nghiệp THPT. Còn Bộ GD-ĐT sẽ định kỳ tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục của các tỉnh, TP theo các chuẩn quốc tế (PISA, PASEC…) và công bố rộng rãi toàn quốc.
Phù hợp tình hình dịch bệnh hiện nay
Ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức) bày tỏ quan điểm đây là việc nên làm vì những lý do sau: Thứ nhất, tỷ lệ tốt nghiệp THPT hằng năm hiện nay rất cao, có tỉnh thành gần 100%, như vậy việc tổ chức một kỳ thi quốc gia với vài phần trăm HS không đạt với kinh phí rất lớn sẽ không có ý nghĩa. Trong khi trước đây việc tổ chức thi đáp ứng yêu cầu vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển ĐH, CĐ thì hiện nay nhiều trường ĐH, CĐ đã có lộ trình tổ chức thi riêng, xét tuyển riêng và ít phụ thuộc vào kết quả thi THPT.
Bộ GD-ĐT chưa yên tâm giao cho các địa phương là có cơ sở
Nếu giao quyền cho các địa phương tổ chức thi cần phải đảm bảo được tính khách quan công bằng đó là, phải sử dụng đề thi của ngân hàng đề thi quốc gia do Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm. Giám thị coi thi phải được điều động từ địa phương khác đến. Chấm thi cũng phải do giám khảo địa phương khác “cầm cân nảy mực”.
Nếu giải quyết tốt ba vấn đề: đề thi, giám thị, giám khảo mới có thể giao cho các địa phương tự tổ chức thi tốt nghiệp THPT như đề xuất của TP.HCM.
Thiết nghĩ trong tình hình giáo dục, điều kiện thực tế hiện nay có thể nói Bộ GD-ĐT chưa yên tâm giao quyền tổ chức thi cho các địa phương là có cơ sở. Việc giao quyền địa phương tự tổ chức thực hiện khi giải quyết những vấn đề trên, hay nói cách khác khi nền giáo dục đảm bảo việc học thật, thi thật và căn bệnh thành tích trong giáo dục được xóa bỏ.
Nguyễn Văn Lực (Giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)

Thứ hai, cần mạnh dạn giao quyền cho các sở và Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện chức năng chính là quản lý, kiểm tra. Công tác tổ chức nên giao cho địa phương chủ động thực hiện tùy thuộc vào tình hình thực tế, thời gian năm học… Bộ sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra giám sát công tác tổ chức thi, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để đảm bảo công bằng trong công tác tổ chức của địa phương.

Thứ ba, việc giao công tác tổ chức thi cho địa phương sẽ tạo sự chủ động, nhất là trong tình hình dịch bệnh hiện nay.
Thứ tư, trong tương lai, cần có tổ chức khảo thí kiểm định độc lập làm công tác khảo thí, như vậy sẽ tránh “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Từ đó mới có học thật, thi thật và chất lượng thật.
Cùng quan điểm, ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An, cũng cho rằng việc Bộ GD-ĐT phân cấp cho các tỉnh thành tự tổ chức kiểm tra, đánh giá xét tốt nghiệp là phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế để lựa chọn thời gian và chủ động tổ chức. Lúc này Bộ xây dựng bộ tiêu chí để các địa phương áp dụng và tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Trường đại học sẽ có phương án tuyển sinh thích hợp
Đề xuất của Sở GD-ĐT TP.HCM về việc giao cho các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư đánh giá và công nhận tốt nghiệp THPT cũng đang được nhiều trường ĐH ủng hộ.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết ông ủng hộ đề xuất này. Các tỉnh, thành lớn, có số lượng HS đông như Hà Nội, TP.HCM có chuẩn đầu ra cụ thể, có thời gian theo dõi và đánh giá HS một thời gian dài theo chuẩn này. Các địa phương này kiểm soát được chất lượng của HS và chất lượng đào tạo nên mới đưa ra đề xuất.
"Với các địa phương khác, nếu đạt được một chuẩn đầu ra cụ thể, cam kết được với xã hội và HS, tôi nghĩ là có thể giao cho địa phương công nhận tốt nghiệp. Tất nhiên muốn làm phải có sự đối sánh các năm về điểm trung bình học tập với điểm thi xem có độ vênh quá lớn không. Làm vậy để đảm bảo HS công nhận tốt nghiệp THPT không có độ lệch quá lớn với quá trình học", tiến sĩ Hạ đề nghị.
Cũng theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, hiện nay việc xét tốt nghiệp cũng chỉ để HS tốt nghiệp. Các trường ĐH sẽ tự tìm được phương án để xét sinh viên vào trường. Vì luật Giáo dục đang quy định phải có một kỳ thi quốc gia nên vẫn phải tổ chức nhưng nếu cần vẫn có thể sửa luật, hoặc các địa phương cùng tổ chức kỳ thi vào một ngày, sau đó địa phương sẽ tự công nhận tốt nghiệp cho HS địa phương mình”, tiến sĩ Hạ đề xuất.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng cho biết ông ủng hộ đề xuất này. Tuy nhiên, điều các trường ĐH đang lo ngại nhất là sự không đồng đều ở các địa phương khi công nhận tốt nghiệp.
Theo ông Nhân, giải pháp có thể là Bộ GD-ĐT giao quyền cho các địa phương đánh giá và công nhận tốt nghiệp THPT nhưng cho phép một số trung tâm khảo thí độc lập lo việc tổ chức giúp địa phương tổ chức thi hoặc đánh giá. Lúc này, các trường ĐH sẽ yên tâm để sử dụng kết quả xét tuyển cho trường mình. Vì nếu không thi tốt nghiệp THPT mà các trường ĐH đều tổ chức thi riêng như trước kia thì rất vô nghĩa.
Ở góc độ trường tư thục, tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng cho biết hiện nay việc thi tốt nghiệp với HS không còn nặng nề như trước nữa. Nhiều HS tham gia kỳ thi với tâm lý rất nhẹ nhàng. Các trường ĐH cũng đang sử dụng rất nhiều phương án xét tuyển chứ không chỉ dựa hoàn toàn vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Vấn đề là giao quyền cho các địa phương thì cần có cách kiểm soát để hạn chế tối đa tiêu cực. Còn các trường ĐH sẽ có phương án tuyển sinh của riêng mình.
Theo Bích Thanh – Đăng Nguyên/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)