Vào ngày Tết, mọi thứ đều được chuẩn bị tươm tất như một ý nguyện cho sự hoàn hảo vào năm mới. thế nhưng, có nhiều bạn thấy rằng quanh thời điểm đặc biệt này là lúc da mình xấu nhất và rất quan tâm đến việc phải làm cách nào để có làn da đẹp đón xuân.
Vì sao ngày Tết da dễ xấu đi?
Trong khi khí hậu phía Bắc lạnh khiến da khô khốc thì cái nắng khó chịu trong miền Nam làm cho da đen sạm, nếu không được bảo vệ khi tiếp xúc với nó. Đôi khi ngày thường chúng ta che nắng rất kỹ nhưng vào dịp Tết lại ít khi mang khẩu trang, xao lãng việc thoa kem chống nắng hoặc vì bận rộn hoặc phải đi lại nhiều trong những hoàn cảnh không thuận tiện cho việc chăm sóc da (mua sắm, thăm viếng, du lịch, hành hương…).
Ngoài ra, chúng ta lại hay ăn uống thất thường hoặc dùng những thực phẩm bất lợi cho da như: nước ngọt, bánh ngọt, kẹo mứt…
Tình trạng uống không đủ nước, ngủ không đủ giấc, cùng sự căng thẳng vì các gánh nặng công việc phải giải quyết trước Tết cũng là những tác nhân tác động xấu lên làn da. Việc làm đẹp một cách cấp tốc cũng khiến nhiều bạn trở thành nạn nhân của tình trạng bùng phát mụn hoặc dị ứng da vào dịp Tết. Một số bạn chú ý trang điểm nhiều hơn nhưng việc vệ sinh da lại không được làm tốt.
Chăm sóc da đúng cách
Chăm sóc da lúc này cũng tuân theo cách thức thường quy trong đó cần chú ý khâu giữ ẩm, nhất là với những người sống ở vùng miền có thời tiết lạnh. Khi da được cung cấp nước đầy đủ thì mới mịn màng, trang điểm mới đẹp. Việc giữ ẩm còn giúp da giảm đi các triệu chứng khô căng, tróc vảy hoặc ngứa. Bạn đừng quên giữ ẩm cho cả môi, vành tai và đôi tay.
Dù bạn đang ở xứ lạnh hay miền nóng, bạn không được xao lãng việc bảo vệ da trước cái nắng. Thoa kem chống nắng 30 phút trước khi ra nắng, lưu ý thoa lại sau 2 giờ hoặc khi xuống nước, đổ mồ hôi nhiều. Uống các viên thuốc chống nắng là một giải pháp dễ thực hiện hơn tuy hơi tốn kém.
Để giảm nguy cơ dị ứng da khi Tết đã gần kề , nên duy trì sử dụng các sản phẩm chăm sóc da, tóc và móng mà mình đã quen dùng.
Cố gắng giữ da sạch thoáng, chỉ sử dụng mỹ phẩm khi thật sự cần thiết. Nên tham khảo ý kiến các bác sĩ chuyên khoa trong việc chọn lựa những sản phẩm chăm sóc da, tóc không gây nhân mụn, không làm bít tắc chân lông hoặc gây dị ứng.
Cần tẩy trang kỹ trước khi đi ngủ.
Mái tóc, bạn đồng hành của da, cũng cần được quan tâm chăm sóc. Với những kiểu tóc lạ nên được thực hiện trước Tết tối thiểu là một tháng, phòng khi không ưng ý sẽ còn kịp thời gian "chỉnh sửa".
Không quên ăn lành, sống vui!
Chăm sóc da phải đi cùng với chăm sóc sức khỏe chung cho toàn cơ thể.
Nên dành thời gian để thư giãn, đừng quá cầu toàn lo lắng quá đáng trong ba ngày Tết. Sự căng thẳng sẽ làm da bạn xuống sắc. Một số bệnh lý của da có thể trầm trọng hơn từ các stress như mụn trứng cá, nám, vảy nến, viêm da tiết bã…
Câu nói xưa: "Bệnh tùng khẩu nhập" đến nay vẫn đúng, đặc biệt trong thời buổi bận rộn khó có thời gian đầu tư cho bếp núc. Bên cạnh việc chăm sóc da bằng mỹ phẩm, chế độ dinh dưỡng ngày Tết đúng đắn cũng sẽ giúp da đẹp hơn.
Chế độ ăn giảm đường, bột, béo, sữa sẽ giúp các chú mụn đỡ hoành hành phần nào. Và cần tránh để táo bón ngày Tết bằng cách ăn nhiều rau xanh và trái cây có vị chua hoặc ngọt vừa. Chế độ ăn này cũng được khuyến cáo cho người bị các bệnh nhiễm trùng ở da gây mưng mủ (chốc, nhọt…). Người ta giải thích rằng nồng độ đường trong máu cao là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển.
Với những người bị sạm da, tàn nhang, da lão hóa, việc bổ sung các chất vitamin C, E, beta – carotene là cần thiết. Vì các chất này sẽ giúp khử đi các chất ôxy hóa gây hại. Riêng vitamin C còn giúp ức chế sự hình thành các đốm nâu trên da. Beta – carotene có nhiều trong các loại rau, củ, quả có màu cam hoặc màu xanh lục đậm như gấc, cà rốt, cà chua, bí rợ, rau ngót, rau đay, cần tây, đu đủ chín, quít. Mầm và dầu của các loại đậu như đậu xanh, đậu nành, đậu phộng, một số thực phẩm có nguồn gốc động vật như trứng gà, cá mè giúp cung cấp nhiều vitamin E. Còn vitamin C hiện diện trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật như rau ngót, cần tây, rau đay, bông cải, cà chua… và các loại trái cây như cam, chanh, bưởi, cóc, sơ-ri, xoài, quít…
Dân gian thường cho rằng thịt bò, thịt gà là thực phẩm gây ngứa. Nhưng thực tế, các thức ăn lên men, đồ biển, trứng và các loại hạt (hạt dẻ, đậu phộng…) cũng có thể gây dị ứng. Tuy nhiên, trên tưng người, tác nhân gây dị ứng có thể không giống nhau.
Do đó, với những người hay bị ứng với thức ăn, cần thực hiện chế độ ăn thử từng món để tìm nguyên nhân gây ngứa.
Thông thường vào ngày Tết, dân ta hay dùng các thực phẩm có thể tồn trữ được (các loại dưa, lạp xưởng, giò lụa, kẹo, mứt…). Các thức ăn này hoặc quá ngọt lưu trữ bằng cách thẩm thấu đường) hoặc làm chua, muối mặn có thể làm mụn nổi nhiều hơn hoặc gây ngứa hơn cho một số đối tượng.
Với các bệnh da có nổi các bóng nước, chế độ ăn lạt sẽ làm giảm tác dụng phụ gây tăng cân cao huyết áp do thuốc uống có chất corticoid mà đa phần các bệnh nhân này đều phải sử dụng.
Với bệnh viêm da dạng herpes (một bệnh da bóng nước có thể kèm thương tổn ruột) thì cần chế độ ăn không có chất gluten (gluten là một chất hiện diện trong lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen…). Gạo, khoai tây, rau dền, kiều mạch, đậu xanh, đậu đen, đậu nành, các loại bánh mì không có gluten, pa-tê… là các thực phẩm dùng được an toàn cho nhóm bệnh nhân nay.
Cuối cùng, bạn hãy nhớ bù nước đầy đủ cho cơ thể. Có thể dùng nước lọc, nước trà, nước canh hoặc nước trái cây nhưng chỉ nên vui tiệc xuân bằng một chút rượu, bia thôi bạn nhé!
Làn da đẹp trước tiên phải là làn da khỏe. Các vấn đề về da phải được giải quyết từ trước, đừng để gần sát Tết mới chữa trị thì khó có thể đẹp kịp trong những ngày xuân.
Các thủ thuật phá bỏ nốt ruồi, mụn thịt… cũng không nên thực hiện vào “phút 90” này.
BS Võ Thị Bạch Sương(Theo SK-ĐS)
Bình luận (0)