Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Đã giải ngân được 7,9 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

Tạp Chí Giáo Dục

Theo Cục Đầu tư nước ngoài- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/8, có 7,9 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được giải ngân, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo các chuyên gia của Cục Đầu tư nước ngoài, đây là kết quả tích cực và nguyên nhân là do một số dự án lớn được cấp chứng nhận đầu tư từ các năm trước đang giải ngân rất nhanh.

Dây chuyền sản xuất phụ kiện cảm biến của Công ty TNHH Sankoh Việt Nam, 100% vốn đầu tư Nhật Bản. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Dự kiến cả năm nay, vốn thực hiện có khả năng đạt 12,5 tỷ USD, tăng 8,7% so với năm 2013.

Tuy nhiên, trong khi vốn FDI giải ngân đang diễn biến tích cực, thì vốn FDI đăng ký và tăng thêm lại vẫn đang trong xu hướng giảm. Tám tháng đầu năm, 992 dự án FDI đăng ký mới, với tổng vốn đăng ký 7,24 tỷ USD, tăng 29% về số dự án và giảm 2,1% về số vốn so với cùng kỳ năm 2013. Trong khi đó, có 349 lượt dự án tăng vốn, với tổng vốn tăng thêm là 2,98 tỷ USD.

Như vậy, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và tăng thêm trong tám tháng qua đạt trên 10,2 tỷ USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2013.

Ông Nguyễn Nội, Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, vốn đăng ký giảm là do số lượng dự án quy mô lớn trong năm nay không nhiều, trong khi năm 2013 có nhiều dự án quy mô lớn được cấp phép. Dự kiến, vốn FDI đăng ký đạt khoảng 17-18 tỷ USD, đạt mục tiêu so với kế hoạch đề ra, nhưng chỉ bằng 80% so với năm 2013.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đạt con số ấn tượng khi chiếm 68,4% so với lượng vốn đăng ký. Đây cũng là cú hích đến từ các chuyển biến mạnh của các dự án như Samsung đã tăng vốn vào hai dự án trong hai tháng liên tiếp, tháng Sáu và Bảy tại Bắc Ninh và Thái Nguyên. Bên cạnh đó, có LG cũng tăng vốn đầu tư vào Hải Phòng. Điểm tích cực cũng được nhìn nhận ở lĩnh vực bất động sản khi thu hút 1,15 tỷ USD, chiếm hơn 11% so với tổng vốn.

Trong 8 tháng đầu năm 2014 hoạt động xuất nhập khẩu của khu vực FDI vẫn tăng mạnh. Xuất khẩu, (kể cả dầu thô) đạt 65,23 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ, chiếm 67,3% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhập khẩu đạt 53,37 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ và chiếm 56% kim ngạch nhập khẩu cả nước. Tính chung tám tháng đầu năm, khu vực FDI xuất siêu 11,8 tỷ USD.

Từ đầu năm đến nay, đã có 51 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 3,22 tỷ USD, chiếm 31,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Nhật Bản đứng vị trí thứ 2 với 1,27 tỷ USD, chiếm 12,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Tiếp theo là Hong Kong và Singapore với tổng số vốn lần lượt là 1,19 tỷ USD và 927,8 triệu USD, chiếm 11,7% và 9,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm. Nhiều dự báo cũng cho thấy, từ nay đến cuối năm vốn của các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục đầu tư mạnh vào Việt Nam. Trong đó, riêng Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) sẽ đầu tư ít nhất khoảng 2 tỷ USD vào Việt Nam trong năm 2014.

Tám tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 46/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Trong đó, Bắc Ninh thu hút nhiều vốn FDI nhất với 1,35 tỷ USD, chiếm 13,3% tổng vốn đầu tư; Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 2 với 1,11 tỷ USD, chiếm 10,9%./.

Thúy Hiền

(TTXVN/Vietnam+)

Bình luận (0)