Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Da giày với nỗi lo thua trên sân nhà

Tạp Chí Giáo Dục

Tham gia vào Hiệp định Thương mại tự do (FTA), ngành da giày được hưởng lợi khi thuế quan hạ xuống, nhưng đồng thời phải đối mặt trước hàng loạt hàng rào kỹ thuật và phi thuế quan dựng lên.
Sức cạnh tranh yếu
Theo đánh giá của Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương, ngành da giày hiện là một trong những ngành kinh tế xuất khẩu mũi nhọn, chiếm 8% – 10% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm cả nước. Hiện nay, Việt Nam đang là nước sản xuất giày dép đứng thứ 3 châu Á sau Trung Quốc, Ấn Độ và đứng thứ 4 thế giới. Việt Nam đang sản xuất khoảng 920 triệu đôi giày mỗi năm, xuất khẩu hơn 800 triệu đôi tới hơn 50 thị trường trên thế giới, trong đó Liên minh châu Âu (EU) chiếm tỷ lệ lớn nhất.
Trong năm 2015, xuất khẩu da giày của cả nước đạt 14,88 tỷ USD, tăng 15,8% so với năm 2014. Riêng 6 tháng đầu năm nay, ngành da giày chỉ đạt trên 7%, trong khi con số này trong năm 2015 là 16%. Kim ngạch xuất khẩu ngành da giày, túi xách trong năm 2016 theo đó cũng phải điều chỉnh giảm xuống còn 16,5 tỷ USD, thay vì 17,4 tỷ USD như đã dự báo đầu năm.

Sản xuất giày tại Công ty cổ phẩn Giày An Lạc,TPHCM. Ảnh: THÀNH TRÍ

Đáng chú ý, mặc dù ngành da giày có mức tăng trưởng hàng năm tốt, nhưng trong cơ cấu xuất khẩu, hơn 80% kim ngạch thuộc về doanh nghiệp (DN) FDI, trong khi số lượng DN này chỉ chiếm chưa đầy 25% tổng số DN da giày của cả nước. Không những thế, nhiều dự báo cho rằng, cơ cấu này còn đang tiếp tục thay đổi theo hướng tăng dần ở phía DN FDI và giảm dần phía DN trong nước. Nhiều DN da giày cho biết, do nhận được nhiều ưu đãi và thấy được cơ hội từ thị trường Việt Nam, các DN FDI đầu tư ngày càng nhiều và có sự lớn mạnh vượt trội. Các DN này đang làm những đơn hàng lớn, của nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới, còn các DN trong nước chỉ có thể làm những đơn hàng nhỏ, đơn hàng từ khách hàng đã có quan hệ lâu năm. Do đó, trong thời gian tới, nếu DN trong nước không vươn lên, nâng dần tỷ trọng, có thể dẫn đến nguy cơ rời khỏi thị trường, chịu thua trên sân nhà.
Các chuyên gia trong ngành nhận định, sắp tới khi hàng loạt FTA mà Việt Nam đã ký kết với các nước và khu vực trên thế giới, xuất khẩu da giày của Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi lớn khi mức thuế xuất giảm mạnh, mở ra cơ hội tăng trưởng xuất khẩu lớn cho ngành da giày. Tuy nhiên, Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso) dự báo, khi các hàng rào thuế quan được hạ xuống, nhưng các hàng rào kỹ thuật và phi thuế quan lại được dựng lên sẽ là nguy cơ cho các DN sản xuất da giày, đặc biệt ở loại hình vừa và nhỏ đang chiếm đa số trong nước. Chưa kể, để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ngành da giày nước ta đang vấp phải khó khăn lớn là tỷ lệ nguồn cung ứng nguyên, vật liệu nội địa thấp. Vì vậy, tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm được sản xuất bởi các DN Việt Nam phải được nâng lên mức 60% để đáp ứng được điều kiện về quy tắc xuất xứ trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia, giúp giảm các chi phí về logistics và nâng cao sự chủ động của DN Việt. Ngoài ra, các DN trong nước buộc phải tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và phải tiến dần vào việc sản xuất những dòng sản phẩm có giá trị cao, không thể chỉ tiếp tục sản xuất những dòng sản phẩm cơ bản như hiện tại. Hiện nay, một số nước như Campuchia, Myanmar, Bangladesh là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam nhờ sản xuất được những dòng giày dép cơ bản và có khả năng được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi từ EU, Mỹ.

Chủ động, tận dụng tốt FTA
Phó Chủ tịch Lefaso Diệp Thành Kiệt cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, để ngành da giày tăng trưởng, trước hết, thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các FTA với các nước mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là với EU nhằm tăng thị phần xuất khẩu của Việt Nam. Và để tận dụng những ưu đãi từ các FTA mang lại, DN phải chủ động được nguồn nguyên liệu, có đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng được các vấn đề về môi trường, lao động, nâng cao tự động hóa trong sản xuất và có những sản phẩm đặc trưng chỉ riêng Việt Nam có.
“Để tránh sự bị động, sản xuất theo chỉ định của đối tác khi tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động trong chuỗi liên kết nội địa, giúp DN phát triển thị trường trong nước”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Minh Hải, Đại học Quốc gia TPHCM đề xuất giải pháp.
Theo ông Hải, các DN da giày phải tăng cường liên kết cả chiều dọc và chiều ngang. Trong đó, đối với chuỗi liên kết dọc phải tạo liên kết giữa DN sản xuất giày dép với DN sản xuất nguyên phụ liệu và DN logistics. Đối với chuỗi liên kết ngang phải có sự gắn kết giữa các nhà máy sản xuất cùng một loại sản phẩm với nhau. Việc tăng cường liên kết không chỉ giúp ngành da giày khẳng định vị thế tại thị trường nội địa, mà còn nâng cao sức cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu. Mặt khác, các DN cũng cần thêm những ưu đãi về nguồn vốn, mặt bằng để đủ sức cạnh tranh. Do đó, những ưu đãi cần đến đúng và hiệu quả tới những DN đang cần để phát triển. Còn với các DN FDI, thu hút là hợp lý nhưng cần sự cân nhắc, tính toán để tạo cơ hội cho sản xuất trong nước được phát triển bền vững.
Nhằm hóa giải những khó khăn nêu trên, Lefaso cũng đã kiến nghị cần sớm có một KCN tập trung và thực hiện nghiêm túc Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp da giày đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được Bộ Công thương phê duyệt; thiết lập KCN chuyên ngành vào một nơi để đồng bộ hệ thống xử lý nước thải chuyên ngành nhằm giảm chi phí sản xuất cho DN. Khuyến khích các DN liên kết và chuyển giao công nghệ, hình thành các mạng lưới liên kết cung ứng sản phẩm theo chuỗi cung ứng thích ứng. Trong khi các hiệp định như EVFTA, TPP vẫn đang chờ thực thi thì Việt Nam cần hoàn thiện hành lang pháp lý, cụ thể hóa các chính sách hơn nữa để thu hút các DN trong và ngoài nước.

LẠC PHONG (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)