Có nhiều học sinh thấy mình phù hợp với ngành nghề này, ngành nghề kia và muốn theo đuổi, nhưng nghe đồn học ngành nghề đó ra sẽ bị thất nghiệp vì nhu cầu xã hội không nhiều. Trước thông tin này, học sinh nên bình tĩnh và giữ vững lập trường, bởi có những ngành nghề tưởng vậy mà không phải vậy, tưởng không có cơ hội phát triển nhưng lại rất phổ biến và có ứng dụng rất lớn trong cuộc sống.
Một học sinh Trường THCS – THPT Diên Hồng nhờ ban tư vấn tháo gỡ vướng mắc trong việc chọn ngành nghề
Cuối tuần qua, chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 12 năm học 2019-2020 đã đồng loạt diễn ở nhiều trường trên địa bàn TP.HCM, gồm: THPT Thủ Đức (Q.Thủ Đức); THPT Phạm Văn Sáng, THPT Bà Điểm (huyện Hóc Môn); THPT Trường Chinh (Q.12); THPT Trần Hữu Trang (Q.5)… |
Đây là lời khuyên của các chuyên gia trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 12 năm học 2019-2020 vừa diễn ra tại Trường THCS – THPT Diên Hồng (Q.10). Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM.
Mở đầu chương trình, em Ngọc Luân (lớp 11/2) đã mạnh dạn bày tỏ nỗi lo đến ban tư vấn, em cho biết muốn học ngành tâm lý nhưng thấy ngành này ở Việt Nam chưa phát triển, nhu cầu tuyển dụng không nhiều, sợ học xong không có việc làm. Giải đáp câu hỏi này, chuyên gia tâm lý Vũ Thiện Toàn nhìn nhận không riêng gì Ngọc Luân mà nhiều học sinh khác cũng có suy nghĩ giống như vậy. Tuy nhiên, các em đâu biết rằng, hiện nay ngành tâm lý rất phổ biến và ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống, ở đâu có con người ở đó cần chuyên gia tâm lý; trong khi đó ngành này lại hiếm người theo học nên dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng. “Sau sự việc một cán bộ tại một trung tâm hỗ trợ xã hội dâm ô trẻ em, nhiều trường học ở 13 tỉnh/thành đã liên hệ nhờ chúng tôi giúp đỡ, giới thiệu chuyên gia tâm lý về trường tư vấn nhưng hiện tại chúng tôi chỉ giới thiệu được có một trường hợp vì không biết tìm đâu ra người có chuyên môn, năng lực. Vì vậy, nếu đam mê ngành này, các em nên theo đuổi, chắc chắn tương lai sẽ rộng mở”, ông Toàn cho biết.
Cân nhắc để tránh chọn sai ngành nghề Gửi băn khoăn đến các chuyên gia tư vấn trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 12 năm học 2019-2020 diễn ra ở Trường THPT Tân Bình (Q.Tân Phú) mới đây, em Gia Huy (học lớp 12A12) chia sẻ: “Để đánh giá được năng lực của mình thì cần nhìn nhận đủ theo các hướng chủ quan và khách quan, về những thông tin do mình tự tìm hiểu và người khác tư vấn như đam mê, sở thích, năng lực và tài chính. Đam mê và tài chính có thể xác định được, nhưng làm sao đánh giá được năng lực một cách chính xác để không chọn sai nghề?”. Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Công Kỳ (đại diện Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam, Bộ GD-ĐT) cho biết việc đánh giá sở trường, đam mê, định hướng nghề nghiệp là điều rất quan trọng và khó khăn, khó có thể đánh giá được một cách chính xác và toàn diện. Tuy nhiên, chính bản thân người học phải tự đánh giá, như: lực học đến đâu thông qua kết quả các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Bên cạnh đó là đánh giá các kỹ năng: nói, nghe, làm. Thái độ của các em khi làm công việc đó có thích thú hay không?, có đủ ý chí để vượt qua khó khăn hay không? Ngoài tự đánh giá, các em cũng có thể tự nhận định chính mình thông qua các lời đánh giá của thầy cô, bạn bè, người thân. Năng lực nào trội lên thì đó chính là sở trường của mình. Việc đánh giá chính xác bản thân giúp các em tránh được những sai sót khi chọn ngành học, nghề nghiệp.
Ban tư vấn đang giải đáp băn khoăn của học sinh “làm sao để tự đánh giá chính mình, chọn nghề phù hợp?”. Ảnh: H.T Trao đổi thêm, chuyên gia tâm lý Chế Dạ Thảo cho hay, bên cạnh năng lực, hiện nay nhiều học sinh vẫn còn mông lung về sự đam mê. Theo đó, nhiều học sinh chưa xác định được mình thích ngành nghề gì, ngược lại, nhiều học sinh khác lại thích… nhiều ngành nghề. Để xác định được mình đam mê ngành nghề gì cũng như hạn chế những sai lầm khi chọn ngành nghề, học sinh cần tìm hiểu kỹ thị trường ngành nghề hiện nay trong xã hội, bản thân quan tâm những lĩnh vực nào, ví dụ: Nghệ thuật, chăm sóc sức khỏe, môi trường…; trong mỗi lĩnh vực đó, mình thích những ngành nghề nào. Dấu hiệu của đam mê là dành rất nhiều thời gian suy nghĩ về nó, tìm hiểu, khám phá… Bên cạnh đó, năng lực là những thứ mình làm được và kiên trì để rèn luyện. “Cuộc sống phụ thuộc vào điều mỗi người có mong muốn và chủ động tiếp cận hay không. Bản thân người học phải gõ cửa thì mới hy vọng cánh cửa đó được mở. Muốn có nhiều thông tin, các em có thể chủ động liên hệ các trường ĐH, CĐ, TC có đào tạo ngành nghề mà mình quan tâm để tìm hiểu thêm, hoặc tham chiếu ở những người thân quen đang làm công việc đó. Chọn nghề là quyết định quan trọng của tương lai và các em chọn nghề cho mình, do vậy không nên chọn theo “nghe nói, nghe đồn” mà cần có đủ sự bình tĩnh, nghiêm túc tìm hiểu kỹ thông tin, tham chiếu tất cả các yếu tố để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất cho chính mình”, bà Thảo chia sẻ. Hoài Thương |
Tương tự, em Lê Như (lớp 12/1) băn khoăn: “Ngành quản trị marketing có giống với quản trị kinh doanh không?”. ThS. Nguyễn Ngọc Thạch (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho biết: Marketing là một ngành nhỏ của quản trị kinh doanh. Cả hai ngành này đều cần những người nhạy bén, năng động, nắm bắt được tâm lý của người tiêu dùng; đặc biệt là phải có tính sáng tạo để đáp ứng nhu cầu khách hàng. “Nếu muốn học ngành này, các em có thể học tại Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Ngoại thương, cơ sở TP.HCM…”, ThS. Thạch hướng dẫn. Dù khá mới mẻ nhưng những năm gần đây ngành tổ chức sự kiện đã phát triển với tốc độ nhanh, nắm bắt được xu thế đó, em Nguyễn Tấn Thành (lớp 12/8) bày tỏ mong muốn được theo đuổi ngành này nhưng không biết cần tố chất gì? Để các em học sinh trong trường hiểu rõ, bà Nguyễn Thị Hoàng Ánh (Trưởng phòng Thông tin thị trường lao động, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM) khẳng định đây là ngành học có cơ hội việc làm cao trong thời buổi hiện nay. Tuy nhiên, để có thể hoàn thành tốt công việc, người học phải nhạy bén, có khả năng giao tiếp tốt, biết lắng nghe và hiểu được tâm lý của đối tác. “Ngành này có thể học tại Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM, Học viện Báo chí – Tuyên truyền, Trường CĐ Phát thanh – Truyền hình 2…”, bà Ánh chia sẻ.
Du học Canada khá dễ dàng Vừa qua, trong chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 12 năm học 2019-2020 tổ chức tại Trường THPT Trần Phú (Q.Tân Phú), một học sinh đã hỏi về các điều kiện khi du học Canada. Bà Mai Thùy Ngọc Bích (Trưởng phòng Tuyển sinh, Công ty TNHH Giáo dục trẻ Canada) cho biết hiện nay có rất nhiều trường ĐH, CĐ ở Canada đặt văn phòng tuyển sinh tại Việt Nam nên việc đi du học cũng khá dễ dàng, không chỉ dành cho học sinh ở những gia đình có điều kiện mà các em có hoàn cảnh khó khăn cũng có thể đi du học. Để thu hút sinh viên quốc tế, các trường ĐH, CĐ ở Canada có nhiều chế độ ưu ái cho sinh viên Việt Nam, chẳng hạn như hỗ trợ việc ăn ở, đi lại, làm thêm… Đặc biệt là dành học bổng từ 2.000-10.000 đô la Canada cho sinh viên có thành tích học tập tốt. “Đây là học bổng khuyến học, nếu muốn được miễn học phí ngay từ năm đầu tiên thì thành tích học tập tại Việt Nam của các em phải từ 8.0 trở lên, IELTS 6.0 trở lên. Ngoài học bổng, sinh viên còn có khoảng trợ cấp tài chính sau khi tốt nghiệp ĐH, và sau khi trở thành thường trú nhân có thể đưa gia đình sang định cư tại đất nước này”, bà Bích thông tin. H.Trinh (ghi) |
Trả lời câu hỏi của em Nguyễn Hữu Anh Tài (lớp 12/2) về hướng phát triển của ngành công nghệ thông tin, ThS. Nguyễn Xuân Luyện (Trưởng ban Tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) khẳng định: “Đây là ngành quan trọng trong thời đại công nghiệp 4.0, vì cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nào cũng sử dụng công nghệ. Ngành này có nhiều chuyên ngành như: kỹ thuật lập trình, kỹ thuật mạng, an toàn thông tin… Trong quá trình học, ở năm 1, năm 2, sinh viên được học những kiến thức căn bản; đến năm 3, năm 4 mới học kiến thức chuyên ngành. Để công việc được thuận lợi, có cơ hội thăng tiến, các em cần trang bị vốn ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh để viết ngôn ngữ lập trình, thiết kế web…”.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)