Các nhà khoa học đã tạo ra nhãn cầu mắt điện tử sinh học bằng công nghệ in 3D đầu tiên trên thế giới. Những con mắt điện tử sinh học này có thể giúp những người khiếm thị có cơ hội nhìn thấy lại.
Các nhà khoa học của Đại học Minnesota (Mỹ) vừa có một bước tiến rất quan trọng trong lĩnh vực này, theo Daily Mail.
Nhãn cầu mắt điện tử sinh học này có thể nhận ra được những thay đổi trong các mức độ ánh sáng khác nhau. Nó cũng bắt chước được chức năng của võng mạc để khôi phục lại thị lực.
Sau khi được cấy vào mắt, nhãn cầu này có thể biến đổi được các hình ảnh mà nó nhìn thấy thành những xung lực điện cho các tế bào võng mạc để truyền tín hiệu hình ảnh trở lại não.
Bằng cách sử dụng in 3D, các nhà khoa học có thể sản xuất ra vật mẫu nhãn cầu nhanh hơn so với trước. Vì vậy nhãn cầu này có thể sớm được thương mại hóa.
Tuy nhiên, mẫu mà các nhà khoa học đang nghiên cứu vẫn chưa phải là mẫu cuối cùng để cho các bệnh nhân sử dụng. Họ đang tìm một cách có thể sử dụng công nghệ in 3D này trên một vật liệu mềm hơn mà có thể dễ dàng cấy vào trong hốc mắt ở người.
"Con mắt sinh học điện tử thường được nghĩ chỉ có trong các bộ phim khoa học viễn tưởng nhưng bây giờ chúng đã được nghiên cứu ra và sẽ có thật bằng công nghệ in 3D", tiến sĩ Michael McAlpine đồng tác giả nghiên cứu nói với Daily Mail.
Đỗ Nhi/TNO
Bình luận (0)