Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đã làm thầy phải có tự trọng với nghề

Tạp Chí Giáo Dục

“Nhiều người nói Việt Nam chưa có triết lý giáo dục, nhưng theo tôi, giáo dục Việt Nam đã có triết lý từ rất xa xưa với “tiên học lễ – hậu học văn”. Lễ ở đây không phải là những lễ nghĩa trong thời Nho giáo, mà chính là bài học về đạo đức, về nhân cách, về đối nhân xử thế. Mục tiêu của giáo dục muôn đời vẫn là xây dựng giá trị con người chứ không phải là đào tạo con người trở thành ông này bà nọ, càng không phải mang tính áp đặt…”.

Thầy Nguyễn Văn Ngai hằng ngày vẫn xem tin tức trên báo

Thầy Nguyễn Văn Ngai (nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với Giáo dục TP.HCM về những sự vụ đáng tiếc, đau lòng xảy ra trong ngành giáo dục thời gian qua khiến bức tranh giáo dục trở nên u ám trong mắt xã hội. Thầy Nguyễn Văn Ngai cho rằng nguyên nhân không nằm đâu xa mà chính là sự thiếu tự trọng với nghề đã “nuôi dưỡng” và dung nạp cho những cái xấu, cái sai lộng hành.

Ung nhọt không trị, lâu dần sẽ thành… ung thư

PV: Là người có thời gian công tác lâu năm trong ngành giáo dục, thầy nhìn nhận như thế nào trước những “xấu xí” của ngành giáo dục thời gian qua?

– Thầy Nguyễn Văn Ngai: Thật ra không phải trong ngành không có những quy tắc về ứng xử, về đạo đức nhà giáo. Nhưng vi phạm thì vẫn cứ vi phạm. Vì vậy, vấn đề không phải là ngành thiếu sự can thiệp mà là do chính bản thân người giáo viên thiếu và yếu các kỹ năng về sư phạm, về ứng xử, về nắm bắt và thấu hiểu tâm lý học sinh qua từng giai đoạn. Trên hết là thiếu sự tôn trọng chính nghề nghiệp của mình.

Một thời gian dài và đến tận bây giờ, người ta vẫn đổ lỗi cho chế độ đãi ngộ không tương xứng với những gì người giáo viên bỏ ra, nên đặt thêm những áp lực về cơm áo gạo tiền, cộng với áp lực về công việc và họ mang theo vào lớp học, trút những thứ đó lên “đầu” học sinh. Thế nhưng, tôi lại nghĩ những điều đó chỉ là một phần. Sao vẫn có những thầy cô giáo không ngại gian khổ “cõng chữ” lên vùng xa vùng sâu, dùng chính đồng lương ít ỏi của mình chăm lo cho học trò. Bởi vậy, không thể đổ lỗi cho chế độ đãi ngộ, cho chính sách mà có tư tưởng “tiền nào của đấy” để thiếu đi trách nhiệm của người giáo viên, của nghề. Một khi đã chọn nghề giáo thì cần phải biết đặt mình vào “luân lý trách nhiệm” của nghề. Nếu thấy không làm được thì nên xin ra khỏi ngành.

Như thầy nói, có rất nhiều quy định của ngành mà một số ít giáo viên vẫn vượt qua những quy định đó để “nhắm mắt làm liều”. Phải chăng những quy định chưa có sự răn đe đúng mức?

– Tôi cũng nghĩ như vậy. Có lẽ chúng ta thiếu đi sự răn đe đúng mức, chưa có một giáo viên nào bạo hành học sinh mà bị cho ra khỏi ngành. Bắt học sinh trong lớp tát bạn 231 cái, đánh học sinh tím bầm mông hay bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng…, chưa thấy một ai bị cho ra khỏi ngành hoặc tự nguyện bước ra khỏi ngành. Đó là thiếu đi tự trọng, sự hổ thẹn của nghề. Mà đã thiếu tự trọng nghề thì cực kỳ tai hại. Những ung nhọt cũng từ đó mà vươn lên, lâu dần sẽ thành những khối u ác tính. Đến lúc đó thì không có thuốc nào đặc trị được. Nghĩa là, trước mỗi sự vụ cần phải có sự tìm hiểu kỹ lưỡng, truy cứu trách nhiệm liên đới, xử lý nghiêm minh để làm gương răn đe.

Ở đây, với những sai phạm, tôi muốn đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể, của người đứng đầu trong chính mỗi đơn vị trường học. Tất cả đã thực sự phát huy tác dụng để kịp thời can thiệp, ngăn ngừa với những sai phạm của người giáo viên hay chỉ là sự bao che, nhắm mắt làm ngơ, là tư tưởng “ai làm người đó chịu”. Trong vụ thầy hiệu trưởng tại trường nội trú có hành vi dâm ô học sinh nam trong suốt thời gian dài. Phải nhấn mạnh là thời gian dài và với rất nhiều học sinh, có những học sinh bị rất nhiều lần. Đừng nói là giáo viên trong trường không biết, đừng nói là giám thị không biết. Mà bởi vì sự vô trách nhiệm, sợ bị liên lụy đã tạo môi trường tiếp tay cho cái xấu, cái ác. Phải có sự truy cứu trách nhiệm liên đới để “thanh lọc” môi trường giáo dục. Cái xấu, cái ác trong môi trường nào cũng đều phải nghiêm minh. Mà trong giáo dục lại càng phải nghiêm minh.

Còn với những hành vi “thái quá” của phụ huynh với giáo viên, tôi nghĩ nó nằm ở phương pháp giáo dục con một cách sai lầm, yêu thương con một cách mù quáng. Nhìn đi nhìn lại, phụ huynh và nhà trường chưa có sự chung tay, đồng hành mà chỉ là một chiều. Phụ huynh đã đặt quá nhiều trách nhiệm lên vai nhà trường để rồi khi có vấn đề xảy ra là đổ lỗi trách nhiệm lên vai giáo viên, nhà trường.

Phải tạo ra môi trường dân chủ “đến nơi đến chốn”

Theo thầy Nguyễn Văn Ngai, hạnh phúc đôi khi chỉ xuất phát từ tiếng cười. Trong ảnh: Giáo viên và học sinh cùng nhảy theo nhạc trong 1 tiết học, qua đó học sinh thấy hứng thú hơn với bài học trên lớp

Với những sự vụ trong ngành giáo dục vừa qua, chúng ta nhìn thấy một điều rằng học sinh biết sai nhưng vẫn làm, biết sai nhưng không dám phản kháng… Phải chăng giáo dục của chúng ta đang dạy học sinh sự “phục tùng”, sự chấp nhận và im lặng, thưa thầy?

– Giáo dục trong thời gian qua đã có rất nhiều những đổi mới đáng ghi nhận. Nhưng có một điều mà giáo dục vẫn chưa thay đổi được đó là tư duy áp đặt vẫn len lỏi và âm thầm trong môi trường giáo dục, trong những người thầy, người cô. Mà không chỉ giáo dục, ngay trong gia đình, trong xã hội vẫn còn tư duy này. Chính từ tư duy này đã ươm mầm cho học sinh tư tưởng phục tùng, chấp nhận thậm chí là im lặng. Để thay đổi, cần phải có sự đổi mới từ chính gốc rễ trong chính gia đình, nhà trường. Học sinh phải được hình thành tư duy phản biện, kỹ năng phản biện, biết lên tiếng trước cái sai, bảo vệ cái tốt. Mà muốn được như vậy thì quan trọng nhất là tạo ra được môi trường dân chủ thật sự trong trường học, trong gia đình.

Một điều nữa cần phải nhìn lại là khâu giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, trong đó bao gồm cả giáo dục giới tính, kỹ năng phản biện… Có lẽ đã đến lúc phải đưa giáo dục kỹ năng sống thành một bộ môn, với từng lứa tuổi, thay vì dạy theo kiểu phong trào, làm cho có, đến hẹn lại lên như hiện nay. Nhưng để giáo dục kỹ năng sống tạo thành nếp, thành thói quen, thành phản xạ cho học sinh thì từ phía gia đình cũng phải có sự đồng hành. Mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường, trong bối cảnh hiện nay hơn lúc nào hết cần phải có sự gắn kết, trao đổi một cách khăng khít, kịp thời, lắng nghe hơn là áp đặt, đòi hỏi.

Chỉ cần học sinh hạnh phúc, đó là thành công!

Thưa thầy, thời gian gần đây, chúng ta thường nghe nhiều đến khái niệm “trường học hạnh phúc”. Thậm chí, nhiều phụ huynh ngược xuôi đi tìm trường học hạnh phúc cho con mình. Điều này có nghĩa là trường học hiện nay chưa đem lại hạnh phúc cho học sinh?

– Tất cả các trường học hiện nay đều có khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Đó chính là nguồn gốc của một trường học hạnh phúc. Đơn giản là trẻ cảm thấy vui khi đến trường và chính người giáo viên cũng cảm thấy thế. Nghĩa là bất cứ ngôi trường nào, chính bản thân đã là một trường học hạnh phúc. Chỉ là chính người lớn đã vô tình tước đi niềm hạnh phúc đơn giản đó của các em khi cả gia đình, cả nhà trường đều đặt những trách nhiệm về thành tích, về sự hoàn thiện lên vai học trò. “Giáo dục toàn diện” đang bị từng môi trường, từng đơn vị hiểu một cách máy móc, rập khuôn, méo mó. Thực chất giáo dục toàn diện chỉ là dạy học sinh cả về kiến thức, kỹ năng sao cho phù hợp với thời đại mà không phải đòi hỏi học sinh sự “toàn diện” đến hoàn mỹ.

“Không thể đổ lỗi cho chế độ đãi ngộ, cho chính sách mà có tư tưởng “tiền nào của đấy” để thiếu đi trách nhiệm của người giáo viên, của nghề”, thầy Nguyễn Văn Ngai nói.

Con số hơn 90% học sinh mong muốn thầy cô cười nhiều hơn được công bố trong một hội thảo gần đây cũng khiến những người làm giáo dục phải suy nghĩ. Hạnh phúc đôi khi chỉ xuất phát từ tiếng cười. Có nghĩa là các em đang mưu cầu niềm hạnh phúc trong trường học, không đâu xa từ phía thầy cô mình.

Để hạn chế những tiêu cực, về lâu về dài cần phải quy hoạch lại các trường sư phạm, trường đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục làm sao có sự cân đối giữa cung và cầu, tạo được điều kiện thúc đẩy người học trong quá trình đào tạo. Bên cạnh đó, phải rà soát và siết chặt quy chế tuyển sinh sư phạm hiện nay, đảm bảo những người có tài, có đức mới vào sư phạm. Nội dung đào tạo cũng phải chú trọng đến yếu tố đạo đức nhà giáo, kỹ năng sư phạm, tâm lý học sinh. Song song với đó cần phải có chế độ chính sách, đãi ngộ tương xứng để giáo viên toàn tâm toàn ý với nghề.

Sư là thầy, phạm là khuôn khổ. Sư phạm nghĩa là người thầy trong khuôn khổ. Do đó, đã dấn thân vào nghề thì phải chấp nhận đặt mình vào khuôn khổ, phải luôn soi lại bản thân mình trong cách hành xử với học trò, đồng nghiệp, phụ huynh. Tự mình có tự trọng với nghề, ắt mọi việc sẽ tốt, đó là chìa khóa để giáo dục luôn mang ý nghĩa tốt đẹp nhất.

Xin cảm ơn thầy!

Yến Hoa (thực hiện)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)