Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đà Lạt chưa giãn cách

Tạp Chí Giáo Dục

Những ngày qua, Nhân dân Đà Lạt thấp thỏm: Liệu có bị giãn cách? Vì từ 5 ca F0 phát hiện tại xã Trạm Hành (TP.Đà Lạt) làm số ca nhiễm gia tăng đột biến (có ngày 23 ca) và lây sang xã Xuân Trường kế cận. Tính đến ngày 128, tại 2 xã này có 95 ca nhiễm Covid-19. Đáng nói, tại một phường của Đà Lạt, truy vết nhiều điểm có các ca nghi vấn. Chiều 128, Lâm Đồng họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19, kết luận: Chưa thực hiện giãn cách toàn TP.Đà Lạt, Nhân dân thở phào…


Ông Trần Văn Hiệp – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu kết luận Chưa giãn cách TP. Đà Lạt

Đầu tháng 7-2021, xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại huyện Đạ Tẻh, đó là bà V.T.T (SN 1975, thường trú TDP15, TT.Ea Đrăng, H.Ea H’Leo – Đắk Lắk; tạm trú xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh), được Bộ Y tế gắn mã số BN17951. Bà này buôn bán trái cây ở chợ đầu mối Hóc Môn, TP.HCM. Sau khi về huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng, được ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện mắc Covid-19. Từ đó, bùng phát dịch Covid-19 trên địa bàn huyện. Sau đó, liên tiếp phát hiện nhiều ca nhiễm Covid-19 tại các địa bàn: Huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Huoai, Di Linh, TP.Bảo Lộc…

Đầu tháng 8-2021, tiếp tục bùng phát chùm nhiễm Covid-19 tại 2 xã Trạm Hành và Xuân Trường, tập trung tại Nhà máy Sợi (xã Trạm Hành) – nơi có 9 doanh nghiệp hoạt động. Số ca nhiễm (F0, F1, F2) liên tục gia tăng; riêng ngày 12/8, số ca dương tính có giảm, phát hiện 2 ca nhiễm mới (mỗi xã 01 ca).

Qua xem xét nguồn lây các ca F0 đã được khoanh vùng, khống chế kịp thời; cân nhắc nguy cơ, các yếu tố liên quan đến tình hình người dân chấp hành các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, tại cuộc họp với Thành ủy Đà Lạt và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố chiều 12-8, Thường trực Tỉnh uỷ Lâm Đồng đã thống nhất chưa áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với TP.Đà Lạt và một số địa phương khác trong tỉnh.


Lực lượng cán bộ y tế truy vết toàn bộ số ca nghi nhiễm dịch Covid-19 tại xã Trạm Hành và Xuân Trường – Đà Lạt

Hiện nay, trên địa bàn TP.Đà Lạt đã kích hoạt 11 địa điểm cách ly tập trung với điều kiện, công tác phòng dịch được đánh giá cơ bản đáp ứng nhu cầu phát sinh. Thành phố có 645 tổ Covid-19 cộng đồng với trên 2.220 thành viên. Đây là lực lượng quan trọng, phát hiện, truy vết dịch tễ cơ sở hiệu quả cũng như làm cầu nối giữa người dân và chính quyền trong công tác tuyên truyền, phòng chống dịch. Hàng chục chốt phòng chống dịch được thiết lập, hoạt động trách nhiệm, hiệu quả. Đồng thời, trong vận tải hàng hoá ra vào thành phố, đội ngũ tài xế, phụ xe được kiểm soát chặt chẽ. Tại các chợ truyền thống, siêu thị… người dân chấp hành khai báo y tế, giữ khoảng cách…

Chủ tịch UBND TP.Đà Lạt cho biết: “Về phương án cho tình huống dịch bệnh diễn biến xấu trên địa bàn, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch ứng phó. Trong đó, có phương án đảm bảo đời sống, cung ứng đủ hàng hoá cho người dân, hỗ trợ người lao động, các công ty, cơ sở kinh doanh nếu địa phương có các ca nhiễm cộng đồng, phải áp dụng giãn cách xã hội”.

Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng – Nguyễn Đức Thuận thông tin liên quan chùm ca bệnh tại Công ty Sợi Đà Lạt, tính đến 8 giờ sáng 12-8, đã ghi nhận 95 ca Covid-19. Các đơn vị đã truy vết 545 F1, 806 F2. Toàn bộ F1 và F2 đều đã được lấy mẫu xét nghiệm; xét nghiệm sàng lọc cộng đồng tại Xuân Trường và Trạm Hành. Ngành y tế cũng mở rộng lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc trọng điểm tại các chợ trên địa bàn các phường của TP.Đà Lạt và  thị trấn Dran (huyện Đơn Dương). Liên quan đến 5 ca Covid-19 trên địa bàn TP.Đà Lạt thuộc 2 chuỗi lây nhiễm khác nhau, có tổng cộng 95 F1, 191 F2 và 24 trường hợp có liên quan khác đã được lấy mẫu xét nghiệm, cách ly theo quy định. Tính đến nay, Lâm Đồng phát hiện tổng cộng 163 ca nhiễm Covid-19. Ngành y tế đang nỗ lực thực hiện tốt các biện pháp chữa trị, đã có 20 ca chữa khỏi.

Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo TP.Đà Lạt, Sở Y tế, Công an tỉnh, Sở Công thương, ông Trần Đình Văn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng nhận định, mặc dù diễn tiến các ca bệnh Covid-19 tại TP.Đà Lạt có dấu hiệu khả quan hơn, thành phố chưa phải áp dụng Chỉ thị 16, nhưng cấp cấp uỷ, chính quyền TP.Đà Lạt cần tiếp tục chống dịch với tinh thần cao nhất, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trước tình hình dịch bệnh. Cần phải bám sát các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kỹ lưỡng các quy định, vận dụng linh hoạt, đồng bộ các biện pháp, giải pháp phù hợp với diễn biến tình hình để công tác phòng chống dịch mang lại hiệu quả.


Nếu Đà Lạt bị áp dụng giãn cách xã hội sẽ mất nguồn hỗ trợ nông sản cho Nhân dân các vùng dịch phía Nam

Kết luận tại cuộc họp, ông Trần Văn Hiệp – Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao nỗ lực TP.Đà Lạt, ngành y tế, đặc biệt là sự hợp tác người dân hai xã Xuân Trường và Trạm Hành trong 3 ngày đã phối hợp kiểm tra dịch tễ, lấy mẫu cho kết quả âm trên 11.500 trường hợp. Việc chấp hành, tuân thủ Chỉ thị 16 đối với 2 xã trên cũng được đánh giá rất tốt. Tất cả các ca dương tính, ca nghi nhiễm đã được cách ly và tiếp tục truy vết, không để lây lan ra cộng đồng. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nói: Nếu thực hiện Chỉ thị 16 giúp chính quyền dễ siết chặt công tác phòng dịch; nhưng sẽ gây khó khăn lớn cho đờ sống, sinh hoạt của người dân. Do đó, Chỉ thị 16 chỉ áp dụng khi chúng ta không kiểm soát được tình hình, có các ca nhiễm không rõ nguồn gốc trong cộng đồng; đồng thời, ý thức chấp hành của người dân không tốt dễ để dịch lây lan…

Nếu Đà Lạt áp dụng giãn cách xã hội không những gây khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt của người dân Đà Lạt mà còn gây khó khăn, ảnh hưởng lớn cho “hậu phương” vững chắc đã và đang cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm (rau, củ, quả, vật tư y tế…) cho các tỉnh, thành phía Nam trong “cuộc chiến” phòng, chống đại dịch Covid-19 hiện nay…

Thanh Dương Hồng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)