Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đà Nẵng: Báo động tình trạng học sinh bỏ học

Tạp Chí Giáo Dục

Theo thống kê mới nhất của Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, hiện nay toàn thành phố có 486 HS (HS) bỏ học, trong đó có 330 HS phổ thông và 156 học viên bổ túc văn hóa. Hiện trên địa bàn TP vẫn còn 762 HS đã tốt nghiệp THCS năm học 2008 – 2009 nhưng chưa đi học bậc tiếp theo.
Học kém, lưu ban nhiều năm rồi… bỏ học
Trước tình trạng HS liên tiếp bỏ học và con số này ngày càng gia tăng, Ban Thường vụ Thành ủy TP Đà Nẵng đã ra Chỉ thị 24-CT/TU thực hiện mục tiêu “Không có HS bỏ học”, đó là quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền TP và ngành giáo dục địa phương. Hiện nay có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc HS bỏ học như học lực kém, lưu ban nhiều năm, thiếu sự quan tâm của các bậc phụ huynh dẫn đến hư hỏng, ham chơi, gia đình khó khăn…
Theo thống kê, chỉ riêng địa bàn quận Liên Chiểu đã có 45 HS bỏ học và trong tương lai có đến 700 HS học lực yếu có nguy cơ bỏ học. Đây là một con số rất lớn, vì vậy việc hạn chế tỷ lệ HS bỏ học đã trở thành một trong những nội dung quan trọng cần được triển khai thực hiện gắt gao. Ông Nguyễn Thanh Chương, Phó chủ tịch UBND quận cho biết: “Sau khi tiến hành đợt khảo sát đối thoại với 45 gia đình có con em bỏ học thì không có trường hợp nào vì gia đình nghèo không đủ điều kiện cho con em đến trường. Nguyên nhân chủ yếu là do học lực yếu, ở lại lớp nhiều năm gây tâm lý chán nản. Bên cạnh đó có một số HS do ham chơi, lêu lổng dù có điều kiện nhưng vẫn không muốn đến trường”. Trong quá trình tiếp xúc, một số phụ huynh yêu cầu nhà trường cho con họ được lên lớp để các em chịu đi học lại. Đối với những trường hợp này cán bộ địa phương đang tuyên truyền vận động và giải thích để phụ huynh hiểu rõ hơn về chính sách của ngành giáo dục. Một số phụ huynh khác có con em bỏ học muốn con em họ được đi học nghề chứ không tiếp tục học chữ tại trường. Trong số HS bỏ học của toàn quận, có 15 em xin được học nghề, 3 em chuyển sang học lớp phổ cập giáo dục và 6 em hứa sẽ đi học vào năm học sau (2010 -2011). Quận và phường đã quyết định hỗ trợ kinh phí cho các em có học nghề. Đối với những em chưa tốt nghiệp THCS thì sẽ được học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề của tư nhân.
Quận Sơn Trà là địa bàn có số lượng HS bỏ học nhiều nhất với 124 HS. Được biết vào đầu năm học mới 2009 – 2010 toàn quận có 135 HS không đến lớp, đa số ở bậc THCS. Sau gần một tháng được sự động viên và khích lệ của cán bộ quận thì đã có 26 em đồng ý đến trường. Trước thực trạng HS bậc THCS bỏ học ngày càng đông, ông Vũ Bá Bảo – Trưởng phòng GD-ĐT quận Sơn Trà cho biết: “Mặc dù nhà trường và chính quyền địa phương đến từng nhà vận động các em trở lại trường nhưng đến nay vẫn chưa có hiệu quả cao. Số HS bỏ học đa phần rơi vào những em có học lực kém và bị lưu ban nhiều năm khiến các em có tâm lý chán nản”.
Gian nan vận động HS trở lại trường
Học yếu dẫn đến tâm lý chán nản, sợ bạn bè chê cười nên không muốn tiếp tục đến trường khiến nhiều HS quyết định bỏ học là tình trạng chung tại TP Đà Nẵng. Trên đây chỉ là những con số được thống kê ở các địa bàn trung tâm TP, nếu mở rộng địa bàn có lẽ con số này sẽ còn cao hơn. Không để “giặc” dốt hoành hành, Chỉ thị 24-CT/TU về việc: “Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, HS bỏ học và thiếu niên hư, vi phạm pháp luật” đã được thực hiện ráo riết và quyết liệt trên địa bàn TP. Trong dịp hè vừa qua, tất cả các trường đều tổ chức lớp phụ đạo để bồi dưỡng kiến thức cho những HS yếu, thế nhưng số em tham gia các lớp học này vẫn chưa đạt kết quả cao. Nhiều HS vẫn không đến lớp, không tham gia thi lại và tiếp tục nghỉ học. Đa số những HS bỏ học này đều rơi vào các phường như Mân Thái, Nại Hiên Đông (Q. Sơn Trà). Đây là địa bàn có số lượng dân lao động nghề biển cao nên việc giáo dục con trẻ vẫn chưa được coi trọng đúng mức. Một số trường hợp khi chính quyền đến vận động các em trở lại lớp thì chính các vị phụ huynh lại quay sang xin cho con thôi học, với lý do không học được thì nghỉ. Với tinh thần của những bậc cha mẹ như vậy, nên tâm lý sẵn sàng bỏ học của HS không có gì khó hiểu. Ông Nguyễn Văn Cửu, Chánh văn phòng Quận ủy Sơn Trà cho biết: “Trong năm học mới này, quận đã chỉ đạo thực hiện các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng HS bỏ học. Không để HS phải bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bất cứ trường hợp nào nếu phát hiện vì nghèo khó mà bỏ học thì chính quyền địa phương cùng các hội, đoàn thể sẽ chung tay, tiếp sức cho các em đến trường”.
Trong tất cả các nguyên nhân khiến HS bỏ học thì nguyên nhân gia đình không quan tâm đến việc học của con cái là trường hợp khó vận động nhất. Thiếu tá Hồ Bách Chiến – cán bộ trợ lý vận động quần chúng, bộ đội biên phòng (BĐBP) thành phố tâm sự: “Nhiều cán bộ cơ sở khi đến các gia đình vận động gặp phải thái độ không hợp tác, lạnh nhạt, tránh mặt và từ chối, không tiếp đón. Đa số những gia đình như thế thì cha mẹ thường sa vào các tệ nạn như rượu chè, cờ bạc; nhiều gia đình vợ chồng ly dị nhau. Vì vậy, dù tích cực nhưng số lượng HS bỏ học được vận động đi học lại còn rất ít”. Việc ngăn ngừa, phát hiện những HS có nguy cơ bỏ học là nhiệm vụ không kém phần quan trọng. Xét từng hoàn cảnh gia đình, cán bộ địa phương đã có sự giúp đỡ kịp thời về vật chất nhằm ổn định tinh thần để các em yên tâm học tập. Trường hợp em Huỳnh Tấn Công, HS Trường THCS Phạm Ngọc Thạch do gia đình không có tiền để em đi học, BĐBP thành phố đã làm việc với Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp quận Sơn Trà nhận em vào học và miễn 100% học phí. Ngoài ra, đơn vị hỗ trợ 500 nghìn đồng và toàn bộ sách vở, bút viết cho em. Trường hợp em Trương Thị Sen, HS Trường THCS Phạm Ngọc Thạch, sau khi động viên em trở lại trường, đơn vị đã hỗ trợ cho em 500 nghìn đồng và toàn bộ sách vở, đồ dùng học tập… Được biết trong dịp hè năm học 2008-2009, các trường học trên địa bàn TP đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động được 227 HS phổ thông và 193 học viên bổ túc văn hóa bỏ học đến lớp trong năm học 2009-2010.
Đinh Hương

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)