Trước thực trạng nhiều chủ cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) tập kết cát, sỏi trái phép trên các bãi đất trống, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông, nhiều địa phương trên địa bàn Đà Nẵng đã rà soát, nhắc nhở, xử phạt, thậm chí tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên, về lâu dài, chính quyền địa phương cần quy hoạch bài bản để giải quyết tận gốc vấn đề này.
Một bãi tập kết vật liệu xây dựng trái phép ở huyện Hòa Vang, Đà Nẵng
Người dân phập phồng lo lắng
Trong suốt một thời gian dài, tình trạng tập kết VLXD trái phép ở Hòa Vang diễn ra rất phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân. Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, hư hỏng đất nông nghiệp mà tình trạng xe tải chở cát, vật liệu tải trọng lớn chạy với cường độ cao luôn là nỗi ám ảnh của người đi đường. UBND huyện Hòa Vang đã có nhiều văn bản chỉ đạo, xử lý nhưng tình trạng trên vẫn tái diễn và có chiều hướng gia tăng.
Cụ thể, ngay dưới chân Cầu Đỏ (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) đang tồn tại một bãi tập kết VLXD trái phép hoạt động từ lâu nay. Hai năm trở lại đây người dân rất bức xúc do tình trạng xe tải trọng lớn chạy thường xuyên khiến bụi bay mù mịt. Lo ngại về an toàn giao thông, người dân đã phản ánh với chính quyền địa phương. Theo đó UBND xã Hòa Châu đã buộc chủ bãi cát cam kết dừng hoạt động trước ngày 10-4. Tuy nhiên đến nay bãi tập kết này vẫn hoạt động.
Không riêng xã Hòa Châu, các xã khác như Hòa Nhơn, Hòa Phước, chính quyền địa phương cũng đã đồng loạt đi kiểm tra và có nhiều động thái yêu cầu chủ bãi tập kết VLXD cần tuân thủ đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, vẫn chưa chấm dứt được tình trạng này.
Để giải quyết bức xúc của người dân, từ đầu năm 2022 đến nay, đặc biệt vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua, chính quyền huyện Hòa Vang đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để xử lý. Theo báo cáo của Phòng TN-MT huyện Hòa Vang, qua kiểm tra, rà soát số liệu báo cáo của UBND 11 xã, hiện nay trên địa bàn huyện có tổng cộng 29 trường hợp kinh doanh tập kết bến bãi VLXD. Trong đó có 18 vị trí tập kết trên đất ở nông thôn, 11 vị trí đang tập kết trên đất do UBND xã quản lý. Sau khi được nhắc nhở, yêu cầu, đến thời điểm hiện nay đã có 4 vị trí đã di dời xong, 12 vị trí đang tiến hành di dời (khối lượng cát tại các vị trí còn lại các chủ hộ đang tiếp tục di dời), còn lại 6 vị trí chưa tiến hành việc di dời, trong đó xã Hòa Sơn 3 vị trí, xã Hòa Ninh 2 vị trí, xã Hòa Khương 1 vị trí; có 4 vị trí không có giấy phép kinh doanh; 25 vị trí có giấy phép kinh doanh được UBND huyện Hòa Vang cấp.
Ông Lê Đức Hùng – Chủ tịch xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang – cho biết, địa phương đã mời các hộ kinh doanh lên làm việc và yêu cầu khắc phục về môi trường, đề nghị hạn chế nhập thêm cát về và chỉ cho phép di chuyển hết cát đi để bàn giao mặt bằng cho địa phương. Về phía địa phương cũng đã cử cán bộ kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Chủ bến bãi nào không chấp hành thì sẽ tiến hành xử phạt và cưỡng chế theo quy định. Cái khó hiện nay là vẫn chưa có quy hoạch bến bãi tập kết VLXD cho các cơ sở kinh doanh.
Chỉ tại thiếu quy hoạch bài bản
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Khoa – Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang – cho biết, cách đây 10 năm chính quyền không cho người dân tập kết cát ven sông để tránh tình trạng người dân lợi dụng lén khai thác trộm. Sau đó người dân thuê các bãi đất trống của các hộ dân để tập kết cát. Việc mua bán đều có hóa đơn.
Ông Khoa cũng cho rằng, với người dân có nhu cầu sửa chữa nhỏ lẻ mà phải đến tận tỉnh Quảng Nam để mua vài xe cát thì vừa vất vả cho bà con, vừa bất hợp lý. Theo đó, một số cá nhân đã liên hệ với chính quyền địa phương để lập bãi tập kết VLXD, còn một số tự phát dọn dẹp các bãi đất trống rồi đưa vào sử dụng.
“Hiện nay địa phương đang rà soát và báo cáo cụ thể Thường trực UBND TP, đề xuất TP quy hoạch các bãi tập kết cát để cung cấp cho thị trường xây dựng trên địa bàn. Phòng TN-MT huyện cũng tham mưu và đề xuất tạm thời cho sử dụng mặt bằng hiện tại trong khi chờ chủ trương mới. Nếu bây giờ ngăn cấm hết thì thị trường sẽ đứt gãy chuỗi cung ứng, đơn giá VLXD sẽ tăng lên, người dân có nhu cầu xây dựng sẽ gặp khó khăn. Các hộ kinh doanh VLXD hiện nay đều có giấy phép kinh doanh, hóa đơn mua bán đúng quy định nhưng họ sử dụng mặt bằng chưa đúng. Do vậy, chúng tôi kiến nghị trước mắt cho các hộ sử dụng tạm mặt bằng này, giao cho xã quản lý để giám sát đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường và an toàn giao thông”, ông Khoa nói.
Những động thái mà chính quyền huyện Hòa Vang tiến hành nhằm thắt chặt công tác quản lý các bến bãi tập kết VLXD trên địa bàn thời gian qua được xem là khá tích cực. Tuy nhiên, về lâu dài, để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh cũng như người dân có nhu cầu, thiết nghĩ Hòa Vang cần đưa ra quy hoạch cụ thể, chi tiết và phù hợp với tổng thể phát triển chung của địa phương cũng như TP để đảm bảo việc kinh doanh đúng quy định, hạn chế ô nhiễm môi trường và ngăn chặn nguy cơ tai nạn giao thông từ các phương tiện vận chuyển cát, sỏi đối với người dân đi đường.
Hàn Giang
Bình luận (0)