Đó là nhấn mạnh của PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc ĐH Đà Nẵng tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học mới 2024-2025, do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 19-8.
Theo đó, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, Chính phủ đã rất nhạy bén, với tầm nhìn chiến lược, có những chỉ đạo hết sức đúng đắn, kịp thời nhằm tận dụng cơ hội lớn để tham gia vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu, trong đó có mục tiêu đào tạo 50-100 nghìn kỹ sư bán dẫn theo Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng năm 2045”.
TP.Đà Nẵng là nơi được kỳ vọng trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực công nghệ bán dẫn, lãnh đạo thành phố hết sức quan tâm, nỗ lực triển khai “Chương trình Đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn” với sự đồng hành của các trường ĐH và doanh nghiệp. Đây là quyết tâm rất lớn của lãnh đạo TP để Đà Nẵng trở thành trung tâm đào nguồn nhân lực chip bán dẫn của đất nước.
“Tôi cho rằng Đà Nẵng hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, nhất là sau Hà Nội và TP.HCM thì Đà Nẵng có lợi thế mà không phải địa phương nào trong khu vực cũng có. Đà Nẵng có hệ thống các trường ĐH lớn trên địa bàn, có truyền thống và chất lượng đào tạo tốt, mà nòng cốt là ĐH Đà Nẵng; với lực lượng sinh viên trên 100.000 sinh viên (trong đó ĐH Đà Nẵng: 60.000 sinh viên), bình quân khoảng 800 sinh viên/1 vạn dân (gấp 4 lần cả nước); đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao với trên 1.000 TS, PGS, GS (chủ yếu từ các trường ĐH).
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực xây dựng trình Chính phủ, nhất là ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện đề án, đồng thời có cơ chế đặc thù về đầu tư mua sắm theo tinh thần “đột phát của đột phá” để triển khai thành công đề án.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cần có cơ chế đặc thù trong đào tạo nguồn nhân lực chip bán dẫn, nhất là cách tính chỉ tiêu, đội ngũ cơ hữu ngành gần so với quy định hiện nay, vì đây là ngành nghề mới. Tuy nhiên, cần phải có giải pháp kiểm soát chất lượng đào tạo, tránh tình trạng trăm hoa đua nở, đào tạo theo phong trào dẫn đến chất lượng đào tạo không đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động quốc tế. Vì vậy, trước mắt ưu tiên đặt hàng giao nhiệm vụ cho các trường ĐH lớn có truyền thống về đào tạo các ngành công nghệ – kỹ thuật, có tiềm lực về đội ngũ giảng viên và chất lượng sinh viên đầu vào tốt.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ cũng cho rằng, Bộ GD-ĐT cần có cơ chế thúc đẩy, tạo điều kiện, khuyến khích việc gắn kết chặt chẽ giữa trường ĐH với chính quyền địa phương, các trường THPT để nâng cao chất lượng giáo dục STEM và ngoại ngữ cho học sinh phổ thông, đây là tiền đề rất quan trọng trong đào tạo ngành công nghiệp mũi nhọn này.
Các bộ, ngành cần phối hợp giúp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc hiện nay trong hợp tác quốc tế để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các trường ĐH trong việc tiếp nhận các nguồn tài trợ/ hỗ trợ từ các đối tác quốc tế, thu hút các nhà khoa học, chuyên gia giỏi về nước tham gia giảng dạy và nghiên cứu để tạo thêm nguồn lực cho các trường ĐH phát triển và hội nhập quốc tế. Bộ GD- ĐT nghiên cứu có thể xem xét ủy quyền cho các ĐH lớn như các ĐH vùng chủ động tổ chức hội thảo quốc tế mà không phải xin phép bộ.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)