Nhiều cánh rừng ở KBTTN Sơn Trà và RĐD Nam Hải Vân đang bị dây leo xâm chiếm làm rừng ngày càng cạn kiệt.
Trước đây rừng đặc dụng (RĐD) Nam Hải Vân do Ban quản lý RĐD Nam Hải Vân quản lý. Từ tháng 2/2009, BQL giải thể và sát nhập vào hạt kiểm lâm quận Liên Chiểu (Đà Nẵng). Còn BQL Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Sơn Trà cũng giải thể và thành lập hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn cũng vào tháng 2/2009.
Ở RĐD Nam Hải Vân, ngoài diện tích rừng bị thu hẹp hàng ngày do lâm tặc tàn phá thì nạn xâm chiếm của dây leo rừng cũng đang làm diện tích rừng ở đây ngày càng ít dần. Ông Phạm Văn Rộng, Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm Liên Chiểu cho biết: Từ năm 2005, BQL RĐD Nam Hải Vân (bây giờ là hạt kiểm lâm quận Liên Chiểu) có “thiết kế” một chương trình để “hủy diệt” loại dây leo này với diện tích ban đầu 18ha tổng kinh phí trên 19 triệu đồng. Tuy nhiên diện tích được phá quá ít so với mức độ lây lan của loại dây này nên không hiệu quả.
Cũng từ năm 2005, trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh và Viện Lâm nghiệp có đến nghiên cứu để xử lý nhưng cũng không triệt để và loại dây leo này ngày càng phát triển dữ dội.
Ngoài ra, cán bộ ở BQL RĐD Nam Hải Vân cũng thí nghiệm nhiều cách diệt loại dây này như mổ ruột bỏ hóa chất và muối vào nhưng cũng không hiệu quả vì diện tích rừng quá rộng mà lực lượng xử lý thì mỏng.
Và từ đó đến nay vì không có kinh phí nên chưa có đợt triệt phá nào nữa đối với loại dây leo này nhằm bảo vệ rừng, do đó diện tích rừng bị nhiễm vẫn không ngừng tăng lên đe dọa đến hệ sinh thái của rừng RĐD Nam Hải Vân.
Ông Phạm Văn Rộng cho biết, hiện tại tổng diện tích RĐD Nam Hải Vân bị nhiễm loại dây leo này khoảng 250ha, nếu không có biện pháp triệt phá sẽ ảnh hưởng rất lớn đến diện tích rừng đang phục hồi và cả những cánh rừng nguyên sinh, rừng thông Caribê đặc trưng hàng chục năm tuổi đang phát triển ở vùng này.
Theo ông Rộng, loại dây leo này sinh trưởng phát triển rất nhanh, chúng ra hoa rồi rơi hạt xuống đất hoặc theo gió phát tán với tốc độ chóng mặt. Thân của chúng bò đến đâu rễ mọc đến đấy dù có đào gốc thì chúng cũng sinh trưởng trở lại bình thường. Muốn triệt phá loại dây leo này chỉ có cách làm thủ công bằng cách chặt rồi đào tiêu hủy tận gốc và băm nát thân dây từng đoạn ngắn để khô, đồng thời gỡ dây đu bám trên các cánh rừng thông làm cho cây chết không tái sinh lại được.
Nhiều cánh rừng, cả thảm dây leo đang đu bám, nếu không xử lý thì không thể trồng và phát triển rừng. Trước mắt, nếu có kinh phí hạt kiểm lâm quận Liên Chiểu sẽ tổ chức xử lý cục bộ ở các cánh rừng thông nhằm bảo vệ loại cây quý này.
Còn ở KBTTN Sơn Trà, ông Lê Văn Nhì, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn cho biết hiện tại tổng diện tích rừng ở đây bị nhiễm dây leo khoảng 500ha. Hiện Hạt đã thiết kế lập dự toán và đang chờ Chi cục kiểm lâm và Sở NN&PTNT phê duyệt với tổng kinh phí để triệt phá trong năm 2009 là 100 triệu đồng trên 70ha diện tích bị nhiễm (kinh phí để phá cần khoảng 1,4 triệu/ha).
Năm 2008, BQL Khu BTTN Sơn Trà cũng đã tổ chức chặt phá khoảng 40ha nhưng với tốc độ lây lan nhanh chóng của loại dây leo này thì cần phải có một biện pháp xử lý triệt để.
Theo ông Lê Văn Nhì, ngành kiểm lâm rất khó xử lý nếu không có kinh phí vì chúng phát triển quá nhanh, phủ nhiều diện tích rừng tự nhiên và làm nhiều diện tích rừng phục hồi khác chết dần, gây tác hại rất lớn đối với môi trường sinh thái và tính đa dạng sinh học của rừng.
Loại dây leo này thường được gọi là dây lang rừng, Thảo Bạc Tơ hay Bìm Bìm thuộc loài thực vật thân leo, mọc tự nhiên, ưa sáng, phát triển ở những nơi không có cây rồi bò vào xâm chiếm rừng tự nhiên. Phân loại thực vật thuộc bộ Bìm Bìm (Pocemoniales), họ Bìm Bìm (Convolvulaceae). Trên thế giới họ Bìm Bìm có khoảng 50 chi và 150 loài. Ở Việt Loại dây leo ở RĐD Nam Hải Vân và KBTTN Sơn Trà là loài Bìm Bìm Bois, có tên khoa học là Merrenaia boisiana. Đây là loại bản địa ưa sáng, mọc nhanh, có dây leo rất to, đường kính thân 5-8cm, cành không lông, lá có phiến rộng hình tim 13x12cm, gân phụ 7-8 cặp, hoa chùm tụ tán ở nách lá, nhánh dài 4-5cm có màu vàng. Đây là loại có khả năng tái sinh chồi rất nhanh và mạnh, mọc lấn áp cây rừng và cây trồng khác, chiếm lĩnh tầng tán, che khuất ánh sáng làm cho cây trồng sinh trưởng chậm và có nguy cơ chết dần. (Theo tài liệu của Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn) |
Công Bính (Dan tri)
Bình luận (0)