Dịch vụ trung tâm lưu trú đua nhau nở rộ, nguyên nhân bắt đầu từ sự yếu kém trong quản lý sĩ số tại các trường
|
Vì sao các trường tiểu học ở quận Hải Châu – trung tâm TP.Đà Nẵng lâm vào cảnh “thừa trò, thiếu phòng học”? Kéo theo đó, các trung tâm núp bóng hai từ “lưu trú” được mở ra để dạy thêm cho HS tiểu học đua nhau nở rộ…
Núp bóng trung tâm lưu trú để dạy thêm
Đầu năm học 2012-2013, Sở GD-ĐT Đà Nẵng đã có nhiều văn bản hướng dẫn các phòng GD-ĐT quận, huyện, các trường học về việc quản lý dạy thêm, học thêm (DTHT), trong đó tuyệt đối cấm DT cho HS tiểu học. Thế nhưng, sau khi các trường tiểu học như: Phù Đổng, Phan Thanh, Hoàng Văn Thụ (thuộc quận Hải Châu) công bố vỡ chỉ tiêu bán trú, nhiều khối lớp chỉ được học 1 buổi/ngày, bất chấp quy định, các điểm DT nắm được nhu cầu bắt đầu mọc lên “như nấm sau mưa” dưới hình thức trung tâm lưu trú. Cứ sau giờ học chính khóa, ngay trước cổng trường đã có các chiếc ô tô đợi sẵn đón HS về trung tâm lưu trú. Tại đây, sau khi HS ăn và nghỉ trưa xong các em bắt đầu vào học văn hóa. GV đứng lớp lại chính là GV các trường nơi các em theo học chính khóa. Mỗi tháng, phụ huynh có nhu cầu gửi con tại các trung tâm này phải đóng thêm từ 1 đến 1,3 triệu đồng/em. Nhiều phụ huynh là lao động phổ thông nên đóng thêm một khoản phí như vậy sẽ vô cùng khó khăn nhưng là việc chẳng đặng đừng vì nếu không cho con theo học thì ở nhà không có người trông các em vào buổi chiều; nếu không cho con theo học, phụ huynh sợ các em không theo kịp chương trình, bị tụt lại ở trên lớp học chính.
Vào tháng 11-2012, UBND TP.Đà Nẵng đã lập đoàn kiểm tra đột xuất một số trung tâm bán trú trên địa bàn quận Hải Châu, qua đó phát hiện tại các trung tâm First Friends (số 77 Nguyễn Tất Thành), Trung tâm Bán trú Tài Năng Việt (số 103 Ông Ích Khiêm), Công ty Giáo dục Thành Tài (số 47 Lê Lợi), ngoài việc nuôi trẻ bán trú còn tổ chức DTHT cho HS các trường TH Phù Đổng, TH Hoàng Văn Thụ. Sau đó, UBND TP đã có văn bản yêu cầu UBND quận Hải Châu nghiêm túc kiểm điểm, phê bình và có hình thức kỷ luật đối với Phòng Giáo dục quận này vì cấp phép tràn lan cho các trung tâm lưu trú nhưng không thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc tổ chức DTHT cho HS tiểu học.
Ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD-ĐT thừa nhận, thực tế hiện nay trên địa bàn TP vẫn còn việc giáo viên giảng dạy không hết trách nhiệm tại lớp, “giữ miếng” để yêu cầu HS về học tại nhà mình. Mặc dù sở đã thực hiện nhiều biện pháp chấn chỉnh, xử lý, nhưng vẫn chưa thể quản lý hết được.
Chẩn bệnh, kê toa cho giáo dục
Ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chỉ rõ nguyên nhân, việc tạo cơ hội để các trung tâm lưu trú đua nhau nở rộ một phần do chính quyền quận Hải Châu và lãnh đạo ngành giáo dục, ban giám hiệu nhà trường vị nể chỗ quen biết nên dù biết hạn chế về sĩ số HS mà vẫn tiếp tục nhận. Bên cạnh đó, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát chỉ tính sĩ số HS trong mỗi lớp học nhưng lại không khống chế số lớp của mỗi trường dẫn đến việc các trường lách luật bằng cách tăng số lớp. Tuy nhiên theo ông Thanh, việc chấm dứt hoạt động của các trung tâm lưu trú là điều không cần thiết. Bởi như thế vô tình đẩy các phụ huynh vào thế khó, một khi ngành giáo dục không thể kham nổi việc bán trú thì họ không biết gửi con ở đâu để yên tâm công tác. Cái chính theo ông Thanh là Sở GD-ĐT cần có trách nhiệm, tăng cường công tác thanh, kiểm tra để các em HS được học ngày 2 buổi đúng nghĩa chứ không bị bắt ép học dưới dạng HT.
Ông Thanh yêu cầu nghiêm cấm GV tiểu học dạy trước chương trình. Theo Bí thư Thành ủy, đây là một trong những điều nguy hiểm nhất cho tương lai các em. Bởi khi được học trước chương trình, các em chỉ việc đến lớp học lại cái đã cũ, làm lại bài kiểm tra cũ. Và như thế, điểm lúc nào cũng cao chót vót. Về nhà các em khoe thành tích, gia đình yên tâm rằng con mình đã học quá giỏi. Nhưng họ không hề biết rằng, chính cách học thụ động đó, khi đối mặt với kỳ thi quan trọng như ĐH, các em tỏ ra lúng túng, ngơ ngác và số điểm cũng như số lượng sĩ tử rớt ĐH mấy năm gần đây đã chứng minh hậu quả của cách học thụ động theo lối mòn, thiếu tư duy sáng tạo.
Đối với HS các cấp học khác, ông Thanh yêu cầu nghiêm cấm, kiểm tra xử lý giáo viên DT cho HS mà mình dạy chính khóa ở trường. Việc làm này tránh được các giáo viên không nhiệt tình trên lớp mà để dành bí quyết về nhà DT, ai không đến HT thì không biết. Như vậy, dù không nói ra thì GV cũng đã ép HS đi HT.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Nghị quyết kỳ họp thứ 5 HĐND TP.Đà Nẵng khóa VIII yêu cầu: Tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động DTHT, các trung tâm quản lý HS tiểu học buổi thứ 2 trên địa bàn TP. UBND TP ban hành quy định về DTHT. Trong đó quy định không được DT ngoài nhà trường đối với HS đang dạy chính khóa. Ngoài ra, HĐND TP.Đà Nẵng cũng đưa thực trạng DTHT vào chương trình giám sát trong năm 2013. |
Bình luận (0)