Năm 2022, kinh tế – xã hội Đà Nẵng phục hồi khá tích cực với tăng trưởng GRDP đạt hơn 14%, xếp thứ 3 cả nước; tổng thu ngân sách đạt hơn 120% kế hoạch, cùng với đó là sự khởi sắc trên nhiều lĩnh vực, nhất là du lịch – ngành kinh tế mũi nhọn với tổng lượt khách đạt gần 3,7 triệu. Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 26%. Tính đến nay, TP có gần 37.000 doanh nghiệp với số vốn đạt hơn 240 ngàn tỷ đồng.
Chính quyền Đà Nẵng mong muốn các doanh nghiệp mạnh dạn ứng dụng công nghệ để tăng năng suất lao động
Ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng – khẳng định, có những kết quả này một phần không nhỏ là sự đóng góp của các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Chính quyền TP sẽ luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp…
Tháo gỡ khó khăn để khơi thông nguồn lực đất đai
Nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, theo ông Minh, năm 2023, Đà Nẵng dự kiến triển khai thực hiện nhiều giải pháp để phát triển xứng tầm với vai trò vị trí đã được Bộ Chính trị xác định tại Nghị quyết số 43 (về xây dựng và phát triển TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) và Nghị quyết số 26 (về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045). TP.Đà Nẵng lựa chọn chủ đề năm 2023 là “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”, với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Khơi thông các nguồn lực, giữ vững tăng trưởng kinh tế, sớm vượt qua các khó khăn thách thức, phấn đấu tổng sản phẩm xã hội tăng 6,5-7%; GRDP bình quân đầu người đạt 4.500 USD; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt và vượt tổng thu ngân sách thực hiện năm 2022. Bên cạnh đó, tập trung phối hợp với các bộ ngành khẩn trương tháo gỡ các khó khăn liên quan đến kết luận thanh tra; vướng mắc liên quan đến quy hoạch, thủ tục đầu tư (đặc biệt các vướng mắc dự án bất động sản, đô thị). Đồng thời triển khai “Kế hoạch tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để khơi thông nguồn lực đất đai đối với các dự án, khu đất không thuộc phạm vi xử lý của tổ công tác theo Quyết định 153/QĐ-TTg ngày 29/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ”.
Khẩn trương giao, phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế – xã hội, nhất là các công trình động lực, trọng điểm, liên kết vùng như cảng Liên Chiểu, mở rộng quốc lộ 14B, mở rộng đường tránh Nam Hải Vân (đoạn Hòa Liên – Túy Loan); đường kết nối khu công nghệ cao với đường cao tốc Bắc – Nam…
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả 15 chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn. Tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc, tiến tới khởi công một số dự án có quy mô đầu tư lớn đã được cấp phép…
Cần đầu tư nhiều về cơ sở hạ tầng
Đại diện một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn Đà Nẵng cho rằng, cơ sở hạ tầng của TP vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu kinh doanh, phát triển của các doanh nghiệp. Theo đó, họ mong muốn chính quyền TP quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng nhiều hơn…
Ông Nakaya Yoichi – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mabichi Motor Đà Nẵng – mong muốn Đà Nẵng nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng hơn nữa để tạo môi trường sống chất lượng cho người dân cũng như đảm bảo việc sản xuất cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần xem xét mở rộng các tổ chức giáo dục hoặc xây dựng nội dung đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp để giải bài toán thiếu nhân lực tay nghề cao.
Ông Nguyễn Đức Trị – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ – kiến nghị, cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm, đặc biệt là cảng Liên Chiểu, mở rộng Sân bay Đà Nẵng, đôn đốc các tuyến cao tốc, giao thông kết nối vùng… để thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ. Bên cạnh đó, có chính sách tốt trong việc khuyến khích tinh thần khởi nghiệp; thu hút và hình thành các tập đoàn, doanh nghiệp tầm cỡ để làm động lực, tăng quy mô nền kinh tế cũng như thu hút nhân lực chất lượng cao về sinh sống và làm việc tại TP.
Từ ý kiến của các doanh nghiệp, ông Minh cho biết, TP sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; sát cánh, kịp thời tháo gỡ khó khăn nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Quảng – Bí thư Thành ủy TP.Đà Nẵng – khẳng định, định hướng và mong muốn của Đà Nẵng trong thời gian tới là các doanh nghiệp mạnh dạn ứng dụng công nghệ để tăng năng suất lao động, nâng cao khả năng quản trị; chủ động tận dụng những chính sách riêng có của TP (như đề án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, sắp tới có thêm chính sách khuyến khích xã hội hóa) để phát triển hoạt động kinh doanh, đầu tư, hướng đến nền kinh tế xanh…
Phan Vĩnh
Bình luận (0)