Ngay từ đầu tháng 12-2013, mặt hàng thực phẩm tại các chợ trên địa bàn Đà Nẵng đã rục rịch tăng giá |
Vừa bước qua những ngày đầu tháng 1 dương lịch, các loại thực phẩm đã đồng loạt tăng giá. Theo nhiều người dân, so với những năm trước, năm nay giá tăng quá sớm khiến đời sống khó khăn hơn, nhất là bộ phận SV xa quê đang theo học tại TP…
Những ngày này, hầu hết các mặt hàng bán lẻ ở các chợ trên địa bàn TP.Đà Nẵng đều tăng giá. Theo nhiều người dân đi chợ và cả những tiểu thương cho biết, so với năm trước, năm nay giá cả các mặt hàng thực phẩm tăng sớm hơn rất nhiều. Bà Nguyễn Thị Hoa (60 tuổi) – một người dân ở quận Ngũ Hành Sơn đi chợ Bắc Mỹ An than thở: “Xách làn ra chợ từ sáng giờ mà chỉ mua được mớ rau và vài thứ lặt vặt. Cái gì cũng tăng giá, ngay cả một quả cà chua nho nhỏ cũng có giá hơn 2.000 đồng. Như thế này đến cận Tết không biết giá cả tăng tới đâu”. Đứng ngay cạnh bà Hoa, chị Nguyệt (35 tuổi), cũng nói: “Lương công chức vẫn ba cọc ba đồng, trong khi cận Tết thứ gì cũng tăng thế này thì bữa ăn cứ teo dần. Đã ra chợ chẳng lẽ quay về không, mua cái gì cũng phải chi li, thêm bớt từng tí một”.
Theo người mua, giá các mặt hàng thực phẩm ở chợ không phải tăng từ mấy hôm nay mà đầu tháng 12 năm ngoái đã bắt đầu tăng. Trong đó, các mặt hàng nhu yếu phẩm như gạo, thịt heo tăng từ 5-15%; rau củ như cà rốt, súp lơ xanh tăng từ 2.000-3.500 đồng/kg; nấm rơm tăng 5.000 đồng/kg; các mặt hàng trái cây như quýt đường, bưởi cũng tăng từ 15.000-35.000 đồng/kg. Loại hàng hải sản khô tăng bình quân khoảng 7-10% so với thời gian đầu tháng 12-2013. Riêng các loại thực phẩm phục vụ Tết như mứt, hạt dưa… cũng đã được tiểu thương bày bán với giá tăng từ 5.000-40.000 đồng/kg so với thời điểm này năm ngoái.
Nguyên nhân theo các tiểu thương là do đầu mối bán thực phẩm tăng giá nên người buôn lại buộc phải tăng theo. Mặt khác, do năm 2013, miền Trung hứng chịu nhiều bão lũ nên các loại mặt hàng này cũng bị khan hiếm, phải nhập từ nhiều nơi khác. Nhiều người chạy theo giá gas và xăng nên giá mọi thứ tăng theo. Tuy nhiên bên cạnh những nguyên nhân trên, có một nguyên nhân khác nữa là các tiểu thương nhỏ lẻ ở chợ thường đòi giá cao ngất trên trời, người mua không rành trả “hớ” nên ngậm ngùi chịu đắt.
Giá cả tăng cao, không chỉ người dân lao động mà một bộ phận không nhỏ SV đang theo học tại các trường CĐ, ĐH trên địa bàn TP là đối tượng hứng chịu nhiều khó khăn nhất. Nguyễn Khang Nguyên (quê ở Thanh Hóa), SV Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng cho biết: “Mỗi tháng ba mẹ giửi cho em 1,2 triệu đồng. Trừ tiền nhà 500.000 đồng, số còn lại dùng để chi tiêu ăn uống. Bây giờ ra chợ cái gì cũng tăng nên em và tụi bạn chủ yếu mua rau và mì tôm để chống đói, chờ qua Tết”.
Trước đó, vào cuối tháng 12-2013, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Phùng Tấn Viết đã yêu cầu Chi cục Quản lý thị trường chỉ đạo các đội quản lý thị trường phối hợp các ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, giá cả niêm yết, vệ sinh an toàn thực phẩm… nhất là lương thực và các mặt hàng thiết yếu trước, trong và sau Tết Nguyên đán tại các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ trên địa bàn TP.
Để bình ổn giá cả, UBND TP.Đà Nẵng cũng đã thống nhất chủ trương cho phép Công ty TNHH Đắc Vinh tổ chức 13 điểm cố định và 2 xe lưu động bán thịt heo bình ổn giá để phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán từ 10-15%. Để phục vụ đồng bào miền núi và công nhân các KCN trong dịp Tết. Hỗ trợ kinh phí cho siêu thị Co.opmart Đà Nẵng tổ chức bán hàng lưu động với các mặt hàng tiêu dùng đón Tết cổ truyền như bánh, mứt, kẹo, nước giải khát, đường kính, bột ngọt, mì ăn liền, đồ hộp các loại, quần áo may sẵn… từ ngày 21-1 đến hết ngày 22-1-2014 tại xã Hòa Phú và từ ngày 24-1 đến hết 25-1-2014 tại xã Hòa Bắc với giá bán lẻ hàng hóa phục vụ đồng bào bằng giá bán lẻ của doanh nghiệp xuất hàng tại TP hoặc thấp hơn 5%. Tại các KCN, các đợt bán hàng lưu động sẽ diễn ra từ ngày 8-1 đến hết ngày 10-1-2014 tại KCN Dịch vụ thủy sản Thọ Quang (Q.Sơn Trà) và từ ngày 13-1 đến hết ngày 15-1-2014 tại KCN Hòa Khánh (Q.Liên Chiểu).
Bài, ảnh: Vĩnh Yên
Bình luận (0)