SV Trường CĐ Nghề Đà Nẵng đang thực hành
|
Nhằm tạo điều kiện tối đa cho học sinh, sinh viên (HS-SV) sau khi ra trường có việc làm ổn định, phù hợp khả năng… nhiều năm trở lại đây, các trường, các sở ngành liên quan ở TP.Đà Nẵng đã nỗ lực dần chuyển dịch hướng đào tạo đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng.
Đào tạo theo phương thức cọ xát thực tế
Đó là chương trình học được các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP.Đà Nẵng lựa chọn áp dụng nhằm nâng cao chất lượng đầu ra cho SV của trường. PGS.TS Lê Kim Hùng (Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa) cho biết nhu cầu xã hội ngày càng đòi hỏi các SV sau khi tốt nghiệp không chỉ cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc mà các doanh nghiệp tuyển dụng lao động đều muốn tuyển một người xuất chúng. SV ra trường vì vậy phải được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng mềm và cứng mới có thể thích ứng với môi trường làm việc bên ngoài. Để làm được điều đó, cũng là chiến lược thu hút nhân tài của trường, nhiều năm trở lại đây nhà trường đã tạo điều kiện tối đa cho SV phát triển kỹ năng. Đơn cử như mời doanh nghiệp đến cemina cùng SV tại giảng đường… Bên cạnh đó, nhà trường chú trọng đặc biệt các cơ hội cho SV được giao lưu với các chuyên gia giỏi nước ngoài, các nền giáo dục tiên tiến để cho SV được học hỏi… Hai năm trở lại đây nhà trường đã kết hợp với Công ty Texas Instrument tổ chức các cuộc thi về chíp vi điều khiển cho SV.
Bà Lê Duy Loan, đại diện Công ty Texas Instrument cho biết: “Đây là sân chơi kích thích niềm đam mê, sự sáng tạo cho SV. Trải qua thời gian học lý thuyết trên giảng đường, các em có cơ hội tiếp cận thực tế. Chất lượng nhờ đó được nâng cao hơn và khi va chạm với thực tế công việc bên ngoài không còn bỡ ngỡ nữa. Đồng thời, nếu SV thực sự đam mê thì đây là cơ hội cho các em tiếp tục tiến lên phía trước, trở thành nhà khoa học thực thụ”.
Không chỉ riêng Trường ĐH Bách khoa, các trường khác ở TP.Đà Nẵng như CĐ Công nghệ, ĐH Kinh tế đều có các hoạt động tổ chức mời chuyên gia đến giảng dạy, trò chuyện, giao lưu với SV các khối ngành xây dựng, quản trị kinh doanh, tài chính… Theo ông Võ Như Tiến (Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ): “Các ngành trên, đặc biệt là khối ngành công nghệ có nhiều kiến thức theo xu hướng hiện đại; vật liệu, tổ chức thi công… mang tính thực tiễn cao, hoặc các công nghệ mới trong lĩnh vực giao thông vận tải, nhà trường đều chủ động mời các doanh nghiệp phối hợp giảng dạy. Như vậy, SV mới có dịp tiếp cận được kiến thức lý thuyết gần với thực tiễn”.
Ngoài việc tạo điều kiện mời các chuyên gia nước ngoài đến thỉnh giảng, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, các trường còn đầu tư trang thiết bị phục vụ dạy học hiện đại như công cụ sản xuất của doanh nghiệp. Đơn cử như ĐH Bách khoa đã đầu tư thiết bị hiện đại cho 2 chương trình đào tạo của Khoa Điện tử viễn thông và trung tâm xuất sắc. Ngoài thiết bị do các doanh nghiệp đầu tư hiện đang sử dụng trong chương trình hợp tác với trường như phần mềm thiết kế chíp, thiết bị vi điều khiển, còn có các thiết bị mà nhiều doanh nghiệp vẫn chưa trang bị như vi điều khiển, lập trình SBGA, DSP, các thiết bị hệ thống viễn thông thế hệ 3 có thể nâng cấp lên thế hệ 4. Chính nhờ sự đầu tư cơ sở vật chất này mà trường đã thu hút nhiều kỹ sư từ các doanh nghiệp về cùng làm việc với SV. Đây là một hướng mới trong thỏa thuận giữa doanh nghiệp và nhà trường trong hướng dẫn làm luận văn tốt nghiệp.
Một cách làm đáng ghi nhận khác ở Trường Trung cấp Nghề Việt – Úc, đó là mời các đầu bếp giỏi của những nhà hàng, khách sạn, các chuyên gia có kinh nghiệm giảng dạy. Nhờ đó SV ra trường có thể nhanh chóng thích nghi với yêu cầu của công việc, được các nhà hàng, khách sạn lớn tuyển dụng.
Ưu tiên đào tạo nghề
Không chỉ riêng các trường ĐH, CĐ, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu xã hội được TP.Đà Nẵng hết sức quan tâm. Từ năm 2010 đến 2012, Đà Nẵng đã đào tạo nghề cho hơn 3.300 lao động nông thôn thuộc 15 ngành nghề (4 nghề nông nghiệp và 11 nghề phi nông nghiệp), gồm: Kỹ thuật trồng nấm, trồng hoa cây cảnh, nuôi cá diêu hồng, điêu khắc đá mỹ nghệ, công nghiệp và dịch vụ… Riêng trong năm 2012, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các cơ sở dạy nghề tổ chức dạy nghề cho gần 1.000 học viên, miễn phí cho lao động thuộc diện di dời giải tỏa, hộ nghèo, lao động thuộc diện gia đình chính sách, dân tộc thiểu số… Song song với việc đào tạo, Sở LĐ-TB&XH đã ký kết hợp đồng với các cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho học viên. Cụ thể, đã có 74 doanh nghiệp ký kết, hơn 1.100 lao động nông thôn được các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng sau khi đào tạo.
Năm 2013, với nguồn ngân sách hơn 5,5 tỷ đồng, dự kiến sẽ đào tạo nghề cho khoảng gần 1.000 lao động nông thôn, tăng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề lên 47%. Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH còn tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm Triển lãm thành phố hàng tháng để giúp nông dân tìm kiếm cơ hội việc làm sau khi đào tạo nghề…
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng – ông Nguyễn Xuân Anh – đã lưu ý cần đào tạo những ngành nghề phù hợp đi đôi với việc hỗ trợ giải quyết việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp là vấn đề được ưu tiên hàng đầu. |
Bình luận (0)