Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Đà Nẵng: Dịch thủy đậu bùng phát đột biến

Tạp Chí Giáo Dục

Giữa mùa dịch, phụ huynh đổ xô đưa con đi tiêm phòng dịch
Hiện nay, dịch thủy đậu đang bùng phát đột biến tại Đà Nẵng. Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hàng chục lượt ca thủy đậu đến khám và nội trú. Lo sợ dịch lây lan, nhiều phụ huynh cũng gấp rút đưa con em đi tiêm phòng ngay giữa mùa dịch khiến tình trạng vaccine phòng bệnh cạn kiệt…
Dịch bệnh gia tăng
Do thời tiết ở Đà Nẵng và các vùng lân cận tương đối ẩm ướt, hanh lạnh nên các loại dịch bệnh thông thường thi nhau tiến triển, bùng phát và lây lan. Ngoài các loại bệnh cảm cúm, sốt rubella, sốt siêu vi thì dịch bệnh thủy đậu bùng phát nhanh, số lượng người mắc tăng đột biến, phần lớn là trẻ em. Ngay từ sáng sớm, đã có nhiều phụ huynh đưa con đến khám ở Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng (thuộc quận Thanh Khê). Với vẻ mặt mệt mỏi sau chuyến đi dài, chị Võ Thị Minh (quê Đông Sơn, Quảng Nam) cho biết: “Cháu bị bệnh suốt mấy hôm nay, vừa mắc thủy đậu vừa mắc các bệnh về da nên vợ chồng lặn lội đưa con ra Đà Nẵng để điều trị cho yên tâm. Do mới hơn 1 tuổi nên sức khỏe cháu tương đối yếu, bệnh lại khá nặng nên BS khuyên điều trị nội trú. Ở đây, mỗi ngày cũng có nhiều trẻ được ba mẹ đưa đến khám vì bệnh thủy đậu như con mình. Có một số cháu ở lại, số khác ở thể nhẹ hơn thì họ điều trị ngoại trú”, chị Minh nói thêm. Cùng mắc thủy đậu nhưng thai phụ tên P. ở quận Liên Chiểu lại tỏ ra lo lắng hơn. Do trong quá trình mang thai nên chị sợ ảnh hưởng đến thai nhi. Bởi vậy phát hiện các triệu chứng của bệnh, chị lập tức nhờ người nhà đưa vào điều trị ngay.
Theo các y tá, điều dưỡng tại Khoa Da liễu (Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng) thì số lượng các ca bệnh mắc thủy đậu vào khám và điều trị tương đối nhiều so với các loại bệnh dịch theo mùa khác.
Theo BS. Nguyễn Toại, Trưởng khoa Da liễu (Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng), bệnh thủy đậu xảy ra quanh năm nhưng phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa giữa đông sang xuân và những ngày đầu xuân do tiết trời nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho virus thủy đậu phát triển, lây lan nhanh, mạnh. Bệnh này chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp với các nốt phỏng, quần áo của người bệnh. Bởi vậy, nguy cơ bệnh lây lan rất dễ xảy ra. Đây là một loại bệnh thông thường nhưng không nên chủ quan khi mắc phải. Đối với bệnh nhân có thể trạng yếu, có thể xảy ra những biến chứng nặng như suy hô hấp, viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng huyết; phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sẩy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi như đầu nhỏ, chân tay khoèo, bại não, sẹo bẩm sinh… Bởi vậy, để tránh được những hậu quả không mong muốn, khi mắc thủy đậu, cần khẩn trương đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để khám, kê đơn, điều trị. “Người mắc thủy đậu nên tắm rửa, giữ vệ sinh sạch sẽ để tránh nhiễm trùng. Đồng thời nên hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người bệnh để tránh lây lan”, BS. Toại nói thêm.
Vaccine phòng bệnh cạn kiệt
Bệnh nhân thủy đậu chiếm khoảng 30-40%
Thống kê của Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng, cho biết: 2 tháng đầu năm 2014, số bệnh nhân mắc thủy đậu đến khám tại bệnh viện tăng đột biến so với cùng kì năm ngoái. Cụ thể, tính đến cuối tháng 2-2014, có gần 500 lượt bệnh nhân đến khám tại phòng khám. Trong đó, tháng 1 có 198 lượt (cùng kì năm 2013 có 74 lượt); tháng 2 có 300 lượt (cùng kì năm ngoái có 56 lượt). Số bệnh nhân điều trị nội trú là 125 lượt, còn lại ngoại trú. Hiện tại, 80 giường bệnh tại Khoa Da liễu đều đông kín với hơn 100 bệnh nhân điều trị nội trú, trong đó bệnh nhân thủy đậu chiếm khoảng từ 30-40%.
Biết là phòng bệnh hơn chữa bệnh, nhưng vẫn còn có nhiều người chủ quan cho đến khi nghe tin dịch bùng phát mới hốt hoảng tìm tới cơ sở y tế thực hiện việc tiêm phòng, dẫn đến thực trạng “quá tải”, thiếu hụt vaccine. Về vấn đề này, BS. Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện một số vaccine phòng bệnh, trong đó có vaccine phòng thủy đậu đã hết. Trung tâm đã liên hệ với một số nơi lân cận đề nghị hỗ trợ nhưng số lượng cũng có hạn. Phải hơn 1 tháng nữa, vào khoảng giữa tháng 4, trung tâm mới có nguồn thuốc để tiếp tục phục vụ nhu cầu người dân trên địa bàn. Theo BS. Thạnh, nguyên nhân dẫn đến thiếu vaccine là do vào mùa dịch, phụ huynh lo lắng sợ con em mình lây bệnh khi dịch bùng phát. Mặt khác, ở một số trường mầm non đang vào mùa tuyển trẻ nên họ yêu cầu trẻ phải được chủng phòng thủy đậu trước khi vào trường để đảm bảo an toàn cho các em khác đang theo học tại trường. “Tuy nhiên, về vấn đề phòng bệnh, các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng, chỉ cần đảm bảo vệ sinh cho con em, tránh cho các em tiếp xúc mầm bệnh thì sẽ hạn chế được nguy cơ lây dịch”, BS. Thạnh nói.
Trao đổi về vấn đề này, BS. Nguyễn Toại khuyến cáo người dân nên tiêm phòng vaccine phòng bệnh cho trẻ lúc 12 tháng tuổi và tiêm mũi nhắc lại lúc trẻ lên từ 4 đến 6 tuổi. Tránh tâm lý hoang mang cũng như phòng bệnh tốt, người dân nên tìm hiểu các biện pháp phòng bệnh như vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát nơi ở; giữ vệ sinh thân thể, nhất là đường hô hấp; không nên tập trung nơi đông người nếu không có việc gì cần thiết và đặc biệt là hạn chế tối đa có thể việc tiếp xúc với người đã lây bệnh.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
 
TP.HCM: Hết vaccine ngừa thủy đậu
Tại TP.HCM, tình trạng nhiều trẻ em được đưa đi chích ngừa thủy đậu, nhưng các cơ sở tiêm chủng thông báo không có vaccine khiến đông đảo phụ huynh như ngồi “trên đống lửa”. Tại Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1, từ ngày 16-2 đến 3-3, có đến 24 bệnh nhi mắc bệnh thủy đậu phải điều trị nội trú tại Khoa Nhiễm. Cùng thời điểm trên, Bệnh viện Nhi đồng 2 có 12 bệnh nhi bị thủy đậu điều trị nội trú tại Khoa Nhiễm, nâng tổng số ca thủy đậu từ đầu năm đến nay lên 50. So với cùng kì năm ngoái, Bệnh viện Nhi đồng 2 chỉ tiếp nhận điều trị 18 ca thủy đậu. BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1, nhận định bệnh nhi mắc thủy đậu sẽ còn tăng cho đến tháng 6. Từ tháng 7-2013, nhiều bệnh viện ở TP.HCM hết vaccine thủy đậu. Tình trạng này kéo dài đến nay khiến người dân muốn tiêm vaccine nhưng không nơi nào đáp ứng. Vừa qua, Sở Y tế TP.HCM có giới thiệu một số công ty bán vaccine thủy đậu cho Bệnh viện Nhi đồng 1. Bên cạnh đó, một công ty khác cũng đến bệnh viện này chào bán vaccine thủy đậu do Hàn Quốc sản xuất. Tuy nhiên, do vaccine mới vào thị trường, chưa kiểm định những tác dụng phụ nên Bệnh viện Nhi đồng 1 không dám mạo hiểm mua. Được biết, khoảng tháng 4 tới, vaccine thủy đậu Varilrix sẽ được nhập trở lại Việt Nam.
M.H
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)