Ngay sau khi Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng có văn bản hướng dẫn đảm bảo việc học trong trạng thái “dừng đến trường, không dừng học” cho các học sinh từ bậc mầm non đến THPT nghỉ học từ ngày 4-5 để phòng chống dịch Covid-19.
Các trường học ở Đà Nẵng bắt đầu triển khai kích hoạt dạy học gián tiếp
Theo đó, ngành GD-ĐT Đà Nẵng yêu cầu, đối với bậc mầm non, nhà trường và giáo viên phải thường xuyên liên lạc nắm tình hình sức khỏe của giáo viên, nhân viên, người lao động và trẻ. Nghiêm túc thực hiện công tác khai báo y tế kịp thời theo quy định khi trẻ trở lại trường, nhóm, lớp sau thời gian nghỉ phòng dịch. Hướng dẫn đến cha, mẹ trẻ các nội dung kĩ năng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho trẻ và thực hiện chế độ các bữa ăn ở gia đình để bổ sung dinh dưỡng phù hợp, giúp trẻ khỏe mạnh và có sức đề kháng, an toàn trong mùa dịch.
Đồng thời, tăng cường triển khai các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ trong thời gian trẻ nghỉ học để phòng, chống dịch; Chỉ đạo các cơ sở GDMN chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục đảm bảo hoàn thành chương trình năm học theo quy định với các nội dung ôn tập cho trẻ bằng các hình thức “học thông qua chơi”. Cán bộ quản lí và giáo viên linh hoạt lựa chọn các nội dung giáo dục theo chương trình GDMN của Bộ GD-ĐT để thiết kế xây dựng các hoạt động trọng tâm và phù hợp với đặc điểm tâm lí trẻ ở từng độ tuổi nhóm, lớp nhằm hướng dẫn cha, mẹ trẻ hỗ trợ ôn luyện, chơi với trẻ tại nhà. Các nội dung hướng dẫn được tổ chuyên môn, lãnh đạo nhà trường thống nhất kiểm duyệt trước khi gửi đến cha, mẹ trẻ; Tích cực tư vấn cho cha mẹ trẻ lựa chọn các đồ dùng, đồ chơi và nguyên vật liệu có sẵn tại gia đình để giáo dục trẻ, lựa chọn các tài liệu, video do Bộ GD-ĐT và các chuyên gia về GDMN chủ trì biên soạn để hỗ trợ, hướng dẫn cha mẹ trẻ nuôi dưỡng, chăm sóc và vui chơi với trẻ tại nhà.
Đối với bậc tiểu học, nhà trường chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch dạy học, tổ chức dạy học qua Internet các nội dung ôn tập, chuẩn bị kiểm tra định kì cuối năm học và hoàn thành chương trình lớp học cho học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) hiện hành, Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1; chú trọng đối với học sinh chưa hoàn thành các nội dung học tập theo môn học, rèn luyện thêm kĩ năng học tập cho học sinh. Đối với các môn tự chọn Tiếng Anh, Tin học, các trường chủ động triển khai thực hiện cho phù hợp với hướng dẫn chung của Bộ GD-ĐT và tình hình thực tế địa phương.
Sau khi học sinh đi học lại, các trường chủ động rà soát, đánh giá kết quả học tập qua Internet của học sinh và tiếp tục có giải pháp tổ chức ôn tập bổ sung, củng cố kiến thức đã học qua Internet để đảm bảo điều kiện tổ chức kiểm tra cuối năm học theo quy định của Bộ GD-ĐT về đánh giá học sinh tiểu học; không kiểm tra các nội dung đã được giảm tải. Tổ chức xét hoàn thành chương trình lớp học, xét hoàn thành chương trình tiểu học, bàn giao chất lượng học sinh; báo cáo, tổng kết năm học theo quy định.
Với bậc Trung học cần rà soát, chủ động xây dựng kế hoạch dạy học qua Internet để hoàn thành khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 theo Quyết định số 3485/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng về việc ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; Triển khai thực hiện kế hoạch dạy học ôn tập đến đối tượng học sinh cuối cấp; tập trung hướng dẫn học sinh giải bài tập, các đề thi tham khảo, đề thi tốt nghiệp THPT, thi THPT quốc gia, đề thi tuyển sinh các năm trước để củng cố kiến thức, rèn luyện kĩ năng làm bài; phát huy tinh thần tự học, tự rèn luyện của học sinh tại nhà trong thời gian phòng, chống dịch.
Đối với những học sinh còn thiếu các bài kiểm tra thường xuyên, giữa kì II, các đơn vị, trường học có kế hoạch tổ chức kiểm tra bổ sung; Đối với kiểm tra cuối kì II: các đơn vị, trường học xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra bắt đầu từ ngày 10-5. Căn cứ diễn biến dịch Covid-19 và tình hình thực tế về cơ sở vật chất, đội ngũ, các đơn vị, trường học nghiên cứu đầy đủ các văn bản hướng dẫn của Bộ và Sở để chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra cuối kì II cho các khối lớp. Theo đó, cần đảm bảo các yêu cầu: Thực hiện đúng các quy định chuyên môn: bố trí lịch kiểm tra phù hợp, không gây áp lực về thời gian, căng thẳng cho học sinh; nội dung đề kiểm tra phải khác nhau đối với các lớp có lịch kiểm tra khác nhau;…; Thực hiện đúng các quy định về phòng, chống dịch: bố trí tối thiểu 01 cán bộ coi kiểm tra/phòng, tối đa 20 học sinh/phòng;…
Sở GD-ĐT Đà Nẵng cũng yêu cầu 100% cán bộ, giáo viên, giảng viên, nhân viên, trẻ mầm non, học sinh, học viên, sinh viên hoàn thành khai báo y tế trước 15 giờ 00 ngày 6-5. Tuy nhiên, do trẻ mầm non, học học sinh, học viên, sinh viên nghỉ học để phòng chống dịch nên Sở GD&ĐT yêu cầu chuyển hình thức khai báo y tế bằng giấy sang khai báo trực tuyến. Phòng GD-ĐT tổng hợp tình hình khai báo của các trường thuộc thẩm quyền quản lí; các trường, trung tâm thuộc Sở tổng hợp tình hình khai báo của đơn vị, báo cáo về Sở 17h00 ngày 8-5.
Phan Lệ
Bình luận (0)