60 giáo viên (GV) công tác tại Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) đang rất hoang mang vì số tiền đóng bảo hiểm (BH) thấp hơn bậc lương. Điều đó có nghĩa, khi về hưu những GV này sẽ nhận lương hưu thấp hơn so với đóng góp của họ. Điều đáng nói, tình trạng này diễn ra trong một thời gian dài – qua 3, 4 đời hiệu trưởng nhưng gần đây mới được phát hiện.
Trường THPT Trần Phú, TP.Đà Nẵng. Ảnh: I.T |
Trước đó, Trường THPT Trần Phú phát hiện có 154 cán bộ, GV, nhân viên bị đóng thiếu BH nhiều năm liền. Ngay sau đó nhà trường đã điều chỉnh cho 94 trường hợp, số còn lại là 60 trường hợp vẫn chưa được giải quyết. Đơn cử như trường hợp ông Tr.M (xin giấu tên) được nâng lương lên bậc 8 từ năm 2012. Và cũng từ đó đến năm 2015, mức đóng BH của ông M. vẫn chỉ dừng lại ở mức lương bậc 7. Điều đáng nói, trong khoảng thời gian đó ông M. vẫn bị trừ tiền BH theo mức lương bậc 8. Một trường hợp khác là bà T. (xin giấu tên), được nâng lương lên bậc 3 từ năm 2012, và 3 năm sau đó (năm 2014) bà được nâng lên bậc 4, nhưng trong khoảng thời gian từ 2012 đến 2015, BH của bà T. chỉ được đóng ở bậc 2.
Để xử lý tình trạng này, trong hội nghị cán bộ, viên chức nhà trường vào cuối tháng 9 vừa qua, Ban Giám hiệu đã thông báo với cán bộ, GV, nhân viên đang công tác và tìm cách xử lý bằng việc trích quỹ phúc lợi, tiền tiết kiệm chi của nhà trường để đóng bù. Sự việc đặng chẳng đừng này mặc dù đã được thông qua tại hội nghị và được sự đồng tình khá cao nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc làm này không mấy hợp lý. Mặt khác, cũng không dễ tiến hành bởi theo Luật BHXH mới có hiệu lực từ năm 2016, thì số tiền lãi có thể đã tăng gấp đôi so với các năm trước đó. Cụ thể, BHXH và BH thất nghiệp có lãi suất 12,78%/năm, BHYT là 13%/năm.
Ông Phan Hùng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Việc sử dụng quỹ phúc lợi, tiền tiết kiệm chi tiêu của nhà trường đóng bù cho các cán bộ, GV là giải pháp tạm thời trước mắt nhưng cũng phải tính toán xem số tiền còn nợ BH là bao nhiêu, nếu ít hơn hoặc bằng số tiền hiện có thì có thể giải quyết được, còn cao hơn thì phải giải quyết dần sang các năm sau để đảm bảo quyền lợi cho các cán bộ, GV”.
Dư luận băn khoăn tại sao sự việc diễn ra từ rất lâu mà đến nay mới được phát hiện. Trách nhiệm đó thuộc về ai. Và số tiền bị đóng thiếu trong khi ngân sách vẫn trích chi đã đi đâu?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, cho biết: Sau khi biết sự việc, Sở GD-ĐT Đà Nẵng đã yêu cầu Ban Giám hiệu Trường THPT Trần Phú làm rõ vấn đề và sớm có báo cáo về sở. “Trước mắt phải tập trung giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho GV, nhân viên nhà trường. Sau đó, sẽ xem xét trách nhiệm, có hình thức xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan đã để xảy ra sai phạm…”, ông Vĩnh nhấn mạnh.
Hàn Giang
Bình luận (0)