Sự kiện giáo dụcTin tức

Đà Nẵng: Học sinh kiểm tra học kì II bằng hình thức trực tuyến

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 12-5, ông Mai Tấn Linh – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng cho biết, ngành giáo dục thành phố vừa có văn bản hướng dẫn các đơn vị trường học về việc tổ chức kiểm tra học kì II (năm học 2020-2021) cho học sinh cấp THCS và THPT trên địa bàn thành phố. Theo đó, sẽ tổ chức kiểm tra trực tuyến, riêng đối với các HS vùng khó, vùng cách ly không đủ điều kiện kiểm tra trực tuyến sẽ hỗ trợ kiểm tra trực tiếp…


Học
 sinh THCS và THPT Đà Nẵng sẽ kiểm tra học kì II bằng hình thức trực tuyến

Cụ thể, sẽ tổ chức kiểm tra trực tuyến và trực tiếp từ ngày 17-5 đến ngày 25-5. Về kiểm tra trực tuyến, các đơn vị trường học bám sát các văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT để xây dựng ma trận, biên soạn đề kiểm tra, đáp án và hướng dẫn chấm phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh; coi trọng đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng tăng cường kiểm tra việc vận dụng kiến thức, kĩ năng vào thực tiễn; hạn chế yêu cầu học sinh chỉ ghi nhớ máy móc; Căn cứ tình hình thực tế của mỗi đơn vị, đặc trưng các bộ môn, thủ trưởng các đơn vị quyết định lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá theo quy định của Bộ và Sở GD-ĐT, bảo đảm việc kiểm tra, đánh giá chính xác, công bằng, khách quan, trung thực.

Tổ chức kiểm tra, đánh giá trên các phần mềm như Google form, Quizzi, Vnedu LMS, Microsoft Teams, Forms ,…: tổ/nhóm chuyên môn thống nhất xây dựng ma trận, biên soạn đề kiểm tra trắc nghiệm kết hợp tự luận hoặc tự luận theo mức độ cần đạt của các chương trình môn học, hoạt động giáo dục quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Tùy theo phần mềm được lựa chọn, các đơn vị xây dựng quy trình kiểm tra (lưu ý ghi hình được quá trình làm bài của học sinh), hướng dẫn học sinh làm quen với hình thức kiểm tra, đánh giá trực tuyến (cung cấp đường link, hướng dẫn đăng nhập, kiểm tra thử,…);

Thực hiện bài thực hành, dự án học tập: giáo viên phải có hướng dẫn và tiêu chí đánh giá trước khi giao cho học sinh thực hiện; học sinh ghi hình quá trình và kết quả thực hiện, viết báo cáo, trình bày báo cáo, trả lời câu hỏi trực tuyến…

“Đặc biệt, đảm bảo bài kiểm tra phải do học sinh thực hiện, đánh giá đúng năng lực, phẩm chất của học sinh. Xác nhận việc học sinh “đã nộp bài” từ phần mềm, từ giáo viên… để học sinh an tâm đã hoàn thành bài kiểm tra”, ông Mai Tấn Linh nhấn mạnh.

Văn bản nêu rõ, việc nghiên cứu phân công giáo viên chấm chéo bài giữa các lớp đảm bảo tính khách quan; phân công giáo viên hỗ trợ đồng nghiệp chấm bài đối với những giáo viên dạy nhiều lớp để kịp tiến độ kiểm tra. Giáo viên tiến hành đối chiếu kết quả kiểm tra thường xuyên và định kì (giữa kì, cuối kì) để đánh giá chính xác năng lực và phẩm chất của học sinh;

Riêng đối với các học sinh không thể tham gia kiểm tra, đánh giá bằng hình thức trực tuyến (không có thiết bị, trong khu vực phong tỏa, chưa hết thời gian cách ly, gặp sự cố đường truyền khi làm bài kiểm tra…), nhà trường rà soát, lập danh sách, xây dựng kế hoạch kiểm tra theo hình thức trực tiếp tại trường. Thông báo cụ thể danh sách và lịch kiểm tra để học sinh tham gia đầy đủ, đúng quy định. Trong quá trình kiểm tra theo hình thức trực tiếp, nhà trường nghiêm túc thực hiện các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch. Sau khi xây dựng kế hoạch kiểm tra, nhà trường thông báo cụ thể đến học sinh, phụ huynh được biết để cùng phối hợp, hỗ trợ thực hiện.

Căn cứ kế hoạch cụ thể và tiến độ kiểm tra của mỗi đơn vị, giáo viên hoàn thành công tác chấm bài, đánh giá, xếp loại học sinh trước ngày 29-5. Về Kì thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022, căn cứ tình hình diễn biến dịch Covid-19, nếu có điều chỉnh thời gian tổ chức, Sở GD-ĐT sẽ có thông báo bằng văn bản trước ngày 27-5.

Vĩnh Yên

 

 

 

 

Bình luận (0)