Sau thời hạn 20 ngày đăng ký hồ sơ dự thi THPT quốc gia và xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2019, các trường THPT tại Đà Nẵng đang tiến hành kiểm dò, tổng hợp số liệu để cập nhật lên phần mềm hệ thống thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT.
Hiện nay công tác thu hồ sơ dự thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2019 tại Đà Nẵng đã cơ bản hoàn tất, đang kiểm dò và thống kê
Theo thống kê ban đầu tại một số trường vùng ven thành phố, số lượng học sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia thiên nhiều về tổ hợp khoa học xã hội (KHXH). Đơn cử như Trường THPT Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn) có tổng cộng 451 học sinh lớp 12 thì có gần 2/3 đăng ký bài thi KHXH. Cụ thể, 219 học sinh đăng ký tổ hợp KHXH, chỉ 132 em đăng ký tổ hợp khoa học tự nhiên (KHTN). Tương tự, ở Trường THPT Tôn Thất Tùng (quận Sơn Trà) có 438 học sinh lớp 12, trong đó chỉ 96 em đăng ký tổ hợp KHTN, còn 340 em đăng ký tổ hợp KHXH. Trong khi đó, tại Trường THPT Phạm Phú Thứ (huyện Hòa Vang), thầy Phạm Bá Hảo (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết trong tổng số 401 học sinh lớp 12 thì chỉ có 56 em đăng ký tổ hợp KHTN, còn lại 345 em đăng ký tổ hợp KHXH. Theo nhận xét của thầy Hảo, mặt bằng đầu vào của một số trường vùng ven tương đối thấp, nên khi định hướng chọn ngành nghề cũng như đăng ký dự thi THPT quốc gia, nhiều học sinh chọn tổ hợp KHXH để xét tốt nghiệp. Trong khi các môn thi trong tổ hợp KHTN đòi hỏi năng lực cao cùng các kỹ năng tính toán thì với tổ hợp KHXH, nếu học sinh chăm chỉ, siêng năng là có thể bù đắp được một lượng kiến thức cần thiết.
Một điểm đáng chú ý là năm nay số lượng học sinh đăng ký cả hai bài thi tổ hợp ít hơn so với các năm trước. Đơn cử như Trường THPT Tôn Thất Tùng và Trường THPT Ngũ Hành Sơn, mỗi trường chỉ có 2 học sinh đăng ký dự thi cả hai bài thi tổ hợp. Cô Trần Thị Kim Vân (Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Thất Tùng) cho biết học sinh khi lên THPT đã được nhà trường và phụ huynh hỗ trợ trong việc định hướng nghề nghiệp, bản thân các em xác định rõ được môn thi, khối thi theo năng lực của mình và có sự đầu tư chiều sâu nhất định. Vì vậy các em nắm rất vững kiến thức. Khi đăng ký dự thi, các em rất tự tin vào các môn mình đăng ký chứ không còn “ôm đồm” cầu may như nhiều năm trước.
Cần Thơ: Phần lớn học sinh đăng ký tổ hợp KHXH Theo số liệu của Sở GD-ĐT Cần Thơ, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Cần Thơ có 10.493 học sinh đăng ký dự thi; trong đó giáo dục phổ thông là 8.923 em, GDTX có 427 em; thí sinh tự do có 1.143 em. Nhìn chung, việc đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển vào ĐH, CĐ ở Cần Thơ diễn ra thuận lợi. Số học sinh chọn bài thi KHTN là 3.930 em; 5.827 em đăng ký bài thi KHXH. Có 82 trường hợp đăng ký thi cả hai bài thi KHTN và KHXH. Đơn cử như Trường THPT Bình Thủy (quận Bình Thủy) có 372 học sinh, phần lớn đăng ký thi tổ hợp KHXH; 8 em đăng ký thi 2 tổ hợp. Các em này cho biết: Thi 2 tổ hợp để tăng cơ hội trúng tuyển vào ĐH. Do còn một lần điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ nên phần lớn học sinh đang tiếp tục cân nhắc chọn lựa các nguyện vọng; nhưng nhìn chung các em đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Cần Thơ, khối ngành kinh tế và CNTT được nhiều em lựa chọn. Theo thống kê, Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng và Trường THPT Châu Văn Liêm dẫn đầu về số học sinh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Y Dược Cần Thơ. Năm nay, số học sinh đăng ký vào các trường CĐ tăng so với các năm trước. Hiện các trường THPT đang phối hợp cùng phụ huynh tăng tốc ôn tập cho học sinh lớp 12, kết hợp tiếp tục tư vấn hướng nghiệp giúp các em cân nhắc sức học, năng lực bản thân; điều kiện kinh tế gia đình, nhu cầu của xã hội để chọn được ngành nghề phù hợp. Đan Phượng |
Về chọn ngành xét tuyển vào ĐH, CĐ, phần lớn học sinh chọn các ngành phù hợp với năng lực bản thân, có nhu cầu cao về việc làm tại địa phương như quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, quản trị khách sạn, CNTT… “Đây là xu thế tất yếu khi Đà Nẵng đang đặt ra mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó tập trung phát triển 3 trụ cột chính: Du lịch, công nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển và chú trọng phát triển 5 lĩnh vực mũi nhọn (du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp CNTT, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp”, cô Huỳnh Minh Nguyệt (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngũ Hành Sơn) nói.
Hàn Giang
Bình luận (0)