Hôm nay (9/9), Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) đã phối hợp với Hội Ngôn ngữ học Việt Nam tổ chức hội nghị khoa học “Đào tạo ngoại ngữ căn bản và chuyên ngành ở các trường đại học và cao đẳng”.
Đến dự và trình bày báo cáo, tham luận có GS.TS Lê Quang Thiêm, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam; PGS.TS Phan Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng; TS. Trần Đình Khôi, Phó Trưởng ban đào tạo (ĐH Đà Nẵng); TS. Dương Kỳ Đức, Viện Nghiên cứu và Phát triển Ngôn ngữ văn hóa cùng hơn 200 giảng viên các trường, khoa của các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc và đông đảo sinh viên đang học tập trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
PGS.TS Phan Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) phát biểu khai mạc Hội nghị khoa học. |
Phát biểu khai mạc Hội nghị khoa học, PGS.TS Phan Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng nhấn mạnh: “Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, khi hệ thống giáo dục trở thành chỗ dựa để phát triển nguồn nhân lực và khi đề án quốc gia về ngoại ngữ như một định hướng chiến lược phát triển ngoại ngữ, thì việc đào tạo ngoại ngữ căn bản và chuyên ngành ở các trường đại học, cao đẳng cần phải được nhìn lại một cách xác thực để có hướng đi đúng và bền vững”. Ở góc độ của một nhà ngôn ngữ học, NGND, GS.TS Lê Quang Thiêm, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cũng khẳng định ý nghĩa của Hội nghị khoa học: “Tìm giải pháp và đào sâu nghiên cứu, giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng và khả năng sử dụng các ngôn ngữ chuyên ngành trong trường ĐH, CĐ là rất cần thiết và mang tính thời sự. Vì vậy, việc tổ chức Hội nghị khoa học “Đào tạo ngoại ngữ căn bản và chuyên ngành ở các trường đại học và cao đẳng” là một chuyển hướng tích cực trong tính định hướng của ngôn ngữ học thời hậu hiện đại. Bởi vì, trong quá trình phát triển nền kinh tế tri thức, nhu cầu của sự hội nhập, nhu cầu ngày càng cao của quá trình CNH-HĐH đất nước, nên chúng ta cần phải có trình độ nghề nghiệp của những người được đào tạo chuyên ngành ngày càng cao, càng sâu để đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp phát triển đất nước”.
GS.TS Lê Quang Thiêm, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam trình bày tham luận tại Hội nghị khoa học. |
Hội nghị khoa học cũng đã thu nhận được nhiều ý kiến phát biểu, đóng góp từ các nhà quản lý, giảng viên trực tiếp giảng dạy, cán bộ nghiên cứu chuyên ngành nêu lên thực trạng và đánh giá mang tính giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ trong giai đoạn hiện tại và tương lai; trong đó, tập trung ở một số vấn đề như: Dạy và học tiếng Anh cho mục đích cụ thể (ESP) ở Việt Nam giai đoạn 2011-2010 từ hướng nhìn chiến lược của đề án ngoại ngữ quốc gia của PGS.TS Phan Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng; Tiếp cận triệt để phân tầng ngành và lưỡng phân trong định hướng đào tạo chuyên ngành tiếng Anh của GS.TS Lê Quang Thiêm, Chủ tịch Hội ngôn ngữ học Việt Nam; Nhìn lại đường hướng đào tạo tiếng Anh chuyên biệt cho chuyên ngành tiếng Anh của TS Thái Duy Bảo, Đại học Quốc gia Australia; Ngoại ngữ chuyên ngành từ góc nhìn của ngôn ngữ học xã hội của TS Dương Kỳ Đức, Viện nghiên cứu và phát triển Ngôn ngữ Văn hóa thuộc Hội ngôn ngữ học Việt Nam; Tổ chức quản lý dạy-học ngoại ngữ không chuyên ở các trường thành viên ĐH Đà Nẵng của TS Trần Đình Khôi Quốc-ĐH Đà Nẵng; Một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở các khối không chuyên ở Đại học Đà Lạt của TS Phan Thế Hưng; Tăng cường sử dụng tiếng Anh như một công cụ học tập: Quan điểm và thực tiễn trong giáo dục đại học của Th.S Nguyễn Thị Tịnh Thao, Phó Trưởng khoa Ngoại ngữ-ĐH Quảng Nam; Dạy và học ngoại ngữ chuyên ngành: Mâu thuẫn giữa kỳ vọng và thực tế của TS Trần Quang Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng; Ngoại ngữ Chuyên ngành: Môn học hay ngành học- TS Nguyễn Thị Kim Thanh-ĐH Bách khoa Hà Nội…
GS.TS Lê Quang Thiêm, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam trình bày tham luận tại Hội nghị khoa học. |
TS. Thái Duy Bảo (Đại học Quốc gia Australia) đã chia sẻ những kinh nghiệm và giải pháp trong đường hướng triển khai đào tạo tiếng Anh chuyên biệt cho chuyên ngành tiếng Anh ở ĐH Quốc gia Australia: “Để nâng cao chất lượng đạo tạo ngôn ngữ chuyên ngành thì cần triển khai thực hiện từng nhóm giải pháp cụ thể. Trong đó, đặc biệt chú trọng từ công tác đánh giá, khảo sát kiến thức sinh viên đến việc chọn giáo trình đào tạo và nâng cao vai trò của sinh viên trong quá trình đào tạo. Đẩy mạnh hoạt động hợp tác với các chuyên gia chuyên ngành và cùng liên kết với nhiều tổ chức để tạo thành một cộng đồng chia sẻ những kiến thức chuyên ngành, kỹ năng, kinh nghiệm đào tạo…”
Sau chương trình Hội nghị khoa học toàn thể, Hội nghị tiếp tục phân thành các tiểu ban: Tiểu ban Quản lý dạy và học, Tiểu ban Ngoại ngữ căn bản và Tiểu ban Ngoại ngữ chuyên ngành.
Theo Phan Đại Thắng
(GD&TĐ)
Bình luận (0)