Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đà Nẵng: HSSV làm lơ với bảo hiểm y tế

Tạp Chí Giáo Dục

Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP.Đà Nẵng, năm học 2012-2013, HSSV trên địa bàn tham gia bảo hiểm đạt hơn 92%. Thế nhưng theo đánh giá của cơ quan này, hiện công tác bảo hiểm dành cho HSSV còn nhiều bất cập dẫn đến việc mua bảo hiểm ở một số trường giảm hơn so với cùng kì năm trước.
Bất cập
Theo bà Trần Thị Hoa Lý, Phó giám đốc BHXH Đà Nẵng, năm 2012, công tác triển khai thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) HSSV tác động tích cực đến ý thức trách nhiệm của nhà trường, phụ huynh, bản thân HSSV. Năm học 2012-2013, toàn TP.Đà Nẵng có 250.649 HSSV tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 98,6%. Trong đó, khối các trường ĐH, CĐ thành viên ĐH Đà Nẵng có 41.264/44.787 HSSV tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 92,1%, tăng 33,8% so với năm học trước. Khối ĐH, CĐ thuộc các bộ, ngành có 66.339 HSSV/75.010 HSSV tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 88,4% (tăng 13,4% so với năm học 2011-2012). Tuy nhiên, ở một số trường có số lượng HSSV tham gia BHYT giảm như: Trường CĐ Bách khoa (giảm 1.433 em), Trường ĐH Kiến trúc (giảm 742 em).
Nguyên nhân dẫn đến việc nhiều HSSV lơ là với BHYT theo bà Trần Thị Hoa Lý là do một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHYT ban hành chưa đồng bộ, dẫn đến việc triển khai còn lúng túng, bị động, ảnh hưởng đến công tác triển khai. Nhiều trường học chưa quan tâm đúng mức cho nên số HSSV tham gia BHYT chưa đạt tỷ lệ quy định. Nhiều phụ huynh, HSSV và giáo viên vẫn xem BHYT HSSV là hình thức tự nguyện. Đồng thời hiện chưa có một hướng dẫn thống nhất thời hạn phát hành thẻ nên gây khó khăn trong công tác quản lý cấp và sử dụng thẻ BHYT.
Còn theo TS. Huỳnh Minh Sơn, Trưởng ban công tác HSSV thuộc ĐH Đà Nẵng, nguyên nhân do quy mô đào tạo và số lượng HSSV ngày càng tăng nhanh, trong khi biên chế cán bộ y tế ở các trường thành viên và một số đơn vị trực thuộc còn mỏng, nên chưa đáp ứng nhu cầu đổi mới công tác thu, cấp phát thẻ và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV tham gia BHYT. Bên cạnh đó, đời sống và điều kiện của một bộ phận HSSV có hoàn cảnh khó khăn, nhất là các em đến từ các vùng sâu, vùng xa, đối tượng chính sách nên đã ảnh hưởng đến công tác thực hiện BHYT HSSV.
Nâng cao tỷ lệ HSSV tham gia
Tại Hội nghị tổng kết công tác BHYT trong HSSV toàn ĐH Đà Nẵng vừa diễn ra, cán bộ quản lý, nhân viên các phòng ban chức năng các trường ĐH, CĐ đã có nhiều ý kiến kiến nghị để giải quyết những khó khăn, vướng mắc và bất cập trong công tác cấp phát thẻ BHYT, chăm sóc sức khỏe ban đầu và thực hiện khám chữa bệnh. Cụ thể như Sở Y tế và BHXH cần tổ chức các khóa tập huấn về công tác BHYT, nghiệp vụ kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản cho toàn thể cán bộ, viên chức có liên quan và HSSV nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức và chuyên môn nghiệp vụ trong công tác này. Cần có chế độ chính sách hỗ trợ, miễn giảm cho các HSSV thuộc đối tượng khó khăn; có quy định rõ các đối tượng SV bắt buộc tham gia BHYT (vì trường có nhiều đối tượng HSSV: Chính quy, liên thông, hệ vừa học vừa làm, SV Việt Nam học các chương trình quốc tế, SV nước ngoài được hưởng ngân sách hay thuộc diện tự túc…) Hằng năm, việc triển khai BHYT thường vào tháng 9, 10 trong khi các xác nhận có BHYT thuộc diện trên chỉ được cấp thẻ sớm nhất vào tháng 1 năm sau, như thế sẽ gây lãng phí và ảnh hưởng đến quyền lợi HSSV. Cần đầu tư thêm hệ thống cơ sở khám chữa bệnh ban đầu để đáp ứng nhu cầu HSSV.
Phan Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)