- 1 Đà Nẵng hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm khoa học công nghệ
Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia; thời gian qua, TP.Đà Nẵng đang từng bước triển khai mạnh mẽ các điều kiện với khát vọng trở thành trung tâm KHCN lớn của khu vực và cả nước.

Đầu tư hạ tầng viễn thông, đào tạo nhân lực
Xác định cơ sở hạ tầng là yếu tố quan trọng, là nền tảng để thúc đẩy hệ sinh thái KHCN phát triển mạnh mẽ, chính quyền TP.Đà Nẵng đã chú trọng đầu tư ngay từ đầu, khai thác tiềm năng, thế mạnh có sẵn cũng như mạnh dạn phát triển cái mới.
Tháng 2-2025, Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về tốc độ mạng băng rộng di động với trung bình 95,81 Mbps và giữ vững vị trí này suốt 8 tháng liên tiếp. Đà Nẵng có trạm cáp quang biển tại phường Hòa Hải với 2 tuyến cáp SMW và APG, chiếm 14,37% dung lượng cáp quang biển của Việt Nam, có khả năng mở rộng tới 40% dung lượng kết nối quốc tế. Hệ thống wifi công cộng cũng được đầu tư mạnh mẽ với hơn 1.300 thiết bị.
Tập đoàn Viettel dự kiến khởi công tuyến cáp quang biển quốc tế với băng thông 90Tbps trong năm 2025, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm CĐS của ASEAN. Cổng dịch vụ công Đà Nẵng đã kết nối 1.381 dịch vụ lên Cổng dịch vụ công quốc gia và triển khai 94% dịch vụ công trực tuyến mức 3 toàn trình. Ngoài ra, TP đang phát triển nhiều dự án công nghệ trọng điểm như Công viên phần mềm số 2 với tòa nhà ICT1 đã đưa vào sử dụng và chuẩn bị hình thành 3 khu CNTT mới tại các quận Cẩm Lệ, Hải Châu và Liên Chiểu.
Đà Nẵng cũng ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển Khu Công nghệ cao (CNC) đã được phê duyệt đề án Tổng thể phát triển Khu CNC Đà Nẵng đến năm 2030 và Quyết định số 129/QĐ-UBND về phê duyệt đề án Chương trình liên kết Khu CNC Đà Nẵng với các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế khu vực miền Trung giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn năm 2030.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc ĐH Đà Nẵng – cho biết, các trường thành viên đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm quy mô và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực KHCN. Các trường tiếp tục mở mới các ngành, chuyên ngành đào tạo phù hợp với định hướng phát triển như: Thiết kế vi mạch, trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối, công nghệ tự động hóa… Chú trọng phát triển nguồn nhân lực liên môn STEM để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo nhìn nhận của PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Nghị quyết số 57-NQ/TW là chìa khóa vàng để đưa đất nước phát triển, là thời cơ và vận hội lớn cho giáo dục. ĐH Đà Nẵng liên tục cập nhật, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, chủ động mở các ngành đào tạo mới đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong bối cảnh kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế, nhất là các ngành liên quan đến CNTT, trí tuệ nhân tạo (AI), chip bán dẫn, công nghệ tài chính (Fintech)…

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ĐMST, giúp sinh viên phát triển năng lực nghiên cứu khoa học; xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, giao lưu học thuật trong và ngoài nước nhằm tăng cường công bố quốc tế; phát triển nghiên cứu ứng dụng, sẵn sàng tham gia xử lý những vấn đề kỹ thuật, công nghệ đặt ra trong sản xuất và đời sống; Thực hiện tốt các định hướng gắn kết để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp, đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng.
Mở nút thắt từ chính sách, giải pháp mới
TP.Đà Nẵng đã triển khai nhiều chính sách và giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển KHCN và ĐMST. Cụ thể, đã ban hành 4 chính sách đặc thù về KHCN và ĐMST để triển khai Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội. Các chính sách này bao gồm quy định về lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí, điều kiện và trình tự thủ tục cho hoạt động khởi nghiệp ĐMST được miễn thuế; Hỗ trợ 70% kinh phí thuê tài sản kết cấu hạ tầng KHCN cho các tổ chức, mức hỗ trợ tối đa 200 triệu đồng/tổ chức/năm; Từ năm 2021 đến nay, Đà Nẵng đã triển khai thực hiện trên 100 nhiệm vụ KHCN các cấp với tổng kinh phí đầu tư 140 tỷ đồng.
Thành ủy Đà Nẵng cũng đã yêu cầu Đảng ủy UBND TP chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, rà soát, ban hành hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế chính sách của TP trên lĩnh vực KHCN, ĐMST và CĐS. Tiếp tục đề xuất với Quốc hội, Chính phủ các cơ chế, chính sách, giải pháp để tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng các nguồn lực trong nước và có cơ chế ưu đãi thu hút các nguồn lực từ nước ngoài như đầu tư, chuyển giao tri thức, ưu đãi giấy phép lao động, thị thực, visa cho chuyên gia nước ngoài đến Đà Nẵng làm việc. Ưu tiên bố trí kinh phí, triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện hành về KHCN, ĐMST và CĐS; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp của Đà Nẵng tiếp cận các thị trường trong và ngoài nước…
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết với những nội dung cụ thể, sát với thực tiễn. Thành lập Tổ chuyên gia tư vấn cho Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, bao gồm các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực KHCN và CĐS cũng như khởi nghiệp ĐMST. Nghị quyết số 57-NQ/TW ra đời đã tạo ra cơ sở chính trị mạnh mẽ và trở thành động lực to lớn để TP.Đà Nẵng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, Nghị quyết số 136/2024/QH15 đã đề ra.
Hàn Giang
Bình luận (0)