Nghị quyết 136 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng với những cơ chế mở được xem là cơ hội để TP bên dòng sông Hàn mở rộng thu hút đầu tư, phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực logistics, đưa ngành này tham gia sâu hơn vào chuỗi logistics toàn cầu.
Lợi thế từ cảng biển
Nằm trên trục hành lang kinh tế Đông – Tây, TP.Đà Nẵng có vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng của một TP trung tâm đáp ứng nhu cầu phát triển, nhất là trong lĩnh vực logistics. Đà Nẵng có lợi thế từ cảng Tiên Sa cùng lúc có thể đón tàu sức chở lớn tại 7 cầu cảng và khai thác quanh năm, hoạt động với công suất bình quân trên 10 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Doanh thu và nguồn thuế đóng góp từ các đơn vị vận tải, logistics, nhà xuất nhập khẩu có hàng hóa rất lớn, tạo việc làm cho hàng ngàn người lao động.
Giai đoạn 2019-2023, sản lượng hàng hóa thông qua cảng Tiên Sa tăng 41%, trong đó sản lượng container tăng 83%. Tỷ trọng của hàng hóa chiếm 95% sản lượng khai thác cầu bến của cảng.
Tháng 6-2024, dự án bãi container sau cầu 4,5 có diện tích 3,5ha với 4 cần cẩu bãi chuyên dụng (ERTG) được đưa vào khai thác. Tháng 9-2024, tiếp tục đưa cần cẩu giàn container chuyên dụng vào khai thác trên cầu tàu Tiên Sa 4, nâng tổng số cần cẩu trên cầu tàu này lên 3 cẩu có thể vào bốc xếp container cùng một lúc. Theo đó làm cho năng suất khai thác tàu cao hơn đáng kể, đáp ứng xu hướng của thế giới hiện nay là các hãng tàu đang đưa vào sử dụng những đội tàu có trọng tải lớn hơn để giảm thiểu và tiết kiệm chi phí.
Dự án đầu tư Trung tâm cảng cạn logistics Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) với diện tích 20ha đang từng bước triển khai. Bên cạnh đó, bến cảng Liên Chiểu đưa vào khai thác sẽ nâng tầm TP.Đà Nẵng về cung ứng dịch vụ cảng biển.
Theo bà Đào Thanh Hương – Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, đối với logistics, hạ tầng kết nối đóng vai trò quan trọng để kết nối sản xuất, thương mại. Các vị trí thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng dự kiến là nhiều khu và liên kết lại với nhau, vì vậy cần đầu tư hệ thống giao thông khớp nối.
TS. Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – cho rằng, để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng trở thành động lực tăng trưởng bền vững và hiệu quả thì việc đầu tư vào hạ tầng logistics hiện đại là yếu tố then chốt. Điều này không chỉ bao gồm cảng biển và sân bay mà còn là hệ thống giao thông kết nối, kho bãi và các trung tâm phân phối tiên tiến. Hạ tầng đồng bộ và hiện đại sẽ giúp giảm chi phí lưu kho, rút ngắn thời gian vận chuyển và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu thương mại tự do.
Kinh nghiệm từ Singapore với hệ thống cảng biển và sân bay hiện đại, quản lý bằng công nghệ số hóa đã đưa quốc gia này thành trung tâm logistics hàng đầu khu vực. Đối với Đà Nẵng, các cảng Tiên Sa và Liên Chiểu cần được nâng cấp đồng bộ để mở rộng năng lực tiếp nhận hàng hóa và đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng. Song song đó, phát triển các trung tâm logistics nội địa sẽ góp phần kết nối khu thương mại tự do với các khu vực lân cận và mở rộng thị trường quốc tế.
Tập trung phát triển nhân lực
Năm 2023, Đà Nẵng phê duyệt đề án “Phát triển dịch vụ logistics TP.Đà Nẵng kết nối hiệu quả với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hành lang kinh tế Đông – Tây giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Theo đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, phát triển TP.Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics có tính hấp dẫn cao, thu hút mạnh các nhà đầu tư thích hợp nhằm hoàn thiện kết cấu cơ sở hạ tầng logistics, bảo đảm nguồn nhân lực và kỹ năng chuyên sâu bảo đảm vận hành tốt một hệ thống logistics năng động, làm trung tâm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Ông Trần Chí Cường – Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng – cho biết, xác định dịch vụ logistics là một ngành quan trọng, tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế – xã hội; Đà Nẵng quyết tâm đẩy nhanh tiến trình triển khai thi công để sớm hoàn thành các dự án trọng điểm, động lực như khu bến Liên Chiểu, trung tâm logistics tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và các trung tâm logistics, cảng cạn.
TP cũng đang nỗ lực nghiên cứu xây dựng, áp dụng có hiệu quả các chính sách, quy định về phát triển dịch vụ logistics; thực hiện có hiệu quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính, rà soát loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết để tạo điều kiện cho dịch vụ logistics phát triển. |
Đi trước, đón đầu, nhiều năm qua, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) đã tập trung đào tạo ngành học liên quan đến quản trị chuỗi cung ứng và logistics. Qua đó nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực để giao thương, kết nối, hội nhập với thị trường khu vực và quốc tế.
ThS. Ngô Thị Sa Ly – Trường ĐH Đông Á – nhìn nhận, với hệ thống cảng Tiên Sa và Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại và vận tải quốc tế. Ngoài ra, TP còn là trung tâm thương mại, dịch vụ, giáo dục và viễn thông của miền Trung, sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao, với tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 60%. Dù chưa thể sánh ngang Hà Nội và TP.HCM, Đà Nẵng vẫn nổi bật nhờ chất lượng sống cao, chi phí sinh hoạt thấp và tiềm năng phát triển bền vững.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng để Khu thương mại tự do Đà Nẵng có thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Sự hợp tác giữa chính quyền, doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục là yếu tố then chốt trong việc xây dựng lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung. Vì vậy cần tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục để phát triển nhân lực.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)