Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đà Nẵng: Một vụ hóc xương cá vô cùng hy hữu

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều ngày 23/7, các bác sĩ ở khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện quân y 17 đã phẫu thuật lấy một đoạn xương cá đuối từ cổ anh Lê Văn Dương thành công sau hơn 7 ngày bị hóc.

Anh Lê Văn Dương (40 tuổi) hiện đang công tác tại đơn vị M 172, vùng C hải quân, cho biết: Chiều ngày 16/7, khi ăn cơm anh bị hóc một đoạn xương cá đuối nhưng không hề hay biết, vẫn ăn uống, đi làm bình thường.

Đoạn xương cá đuối được lấy từ cổ anh Dương. 
5 ngày sau, anh bắt đầu thấy đau nhẹ ở cổ họng khi nuốt nhưng không đáng kể. Sau đó anh đến Bệnh viện quân y 17 khám, các bác sĩ đã tiến hành soi hạ họng nhưng cũng không phát hiện được gì nên chỉ cho dùng kháng sinh và tiếp tục theo dõi. 
Đến ngày 23/7, anh Dương trở lại bệnh viên tái khám, các chỉ số như huyết áp, mạch bình thường, bệnh nhân không sốt… Tuy nhiên tại vùng cổ bên trái, cách bờ trên xương đòn trái khoảng 2cm về phía sau cơ ức đòn chũm, các bác sĩ phát hiện có vết trượt da đã đóng vảy. Khi bệnh nhân quay đầu thì có vật nhọn đội da gồ lên, vị trí trùng với đốt sống cổ thứ 7. 
Thấy điều bất thường, các bác sĩ đã tiến hành chụp phim cổ nghiêng thì phát hiện một dị vật chồng lên khí quản. Tuy nhiên tại vị trí này không thấy xuất hiện áp-xe (làm mủ). Sau đó các bác sĩ phẫu thuật, rạch da bóc tách gắp ra được một đoạn xương cá đuối dài khoảng 3cm, một đầu to một đầu nhỏ giống như một cây đinh, 2 bên có khía như răng cưa. 
Anh Dương với vết mổ ngay cổ để lấy xương cá. 
Bác sĩ Phùng Phú Tài, người trực tiếp tham gia phẫu thuật cho anh Dương nói, đây là một trường hợp hóc xương cá hi hữu nhất từ trước đến nay được phẫu thuật tại khoa tai mũi họng của bệnh viện này. 
Theo bác sĩ Tài, từ xưa đến nay khoa đã phẫu thuật nhiều trường hợp hóc xương cá nặng nhưng đây là trường hợp rất đặc biệt, khi bị hóc xương cá bệnh nhân vẫn không hề hay biết và vẫn ăn uống sinh hoạt bình thường. Từ khi hóc xương đến khi được phát hiện và phẫu thuật hơn một tuần nhưng không xảy ra bất cứ biến chứng nguy hiểm nào. Điều đặc biệt là đoạn xương cá đuối này khi bị hóc lại tự đẩy ra tới da cổ và không ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân. 
Công Bính (dantri)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)