Từ đầu tháng 3, các trường bán trú trên địa bàn thành phố Đà Nẵng phải chi trả tiền điện, nước gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi trước đây. Kéo theo đó là sự tăng giá của thực phẩm, từ rau, củ, quả cho đến thịt, cá… đều đua nhau “nhảy cóc”. Nhưng với mức thu vẫn giữ nguyên như đã thỏa thuận giữa nhà trường với phụ huynh từ đầu năm, nhiều trường bán trú hiện đang cố cân đối thực đơn để “co kéo” với bão giá…
Thực tế cho thấy, chất lượng bữa ăn của trẻ bán trú đang có xu hướng chạy theo lượng và các trường rất ái ngại trong việc tăng thu từ phụ huynh. Từ đầu tháng 3-2011 đến nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có ít nhất hai lần tăng giá thực phẩm.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Phấn, Hiệu trưởng Trường Mầm non 20 Tháng 10 (Q. Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết, do từ khi thực phẩm tăng giá đến lúc nghỉ hè khoảng thời gian chỉ còn một tháng rưỡi nên nhà trường quyết định chưa thu tăng tiền ăn và phụ phí của phụ huynh các cháu trong giai đoạn này. Theo thỏa thuận với phụ huynh ngay từ đầu năm học, mức tiền ăn của các bé tại Trường Mầm non 20 Tháng 10 là 18.000 đồng/cháu/ngày cho 4 bữa ăn (2 bữa chính và 2 bữa phụ).
Với mức thu giữ nguyên như trước khi tăng giá, trong khi đó bắt đầu từ tháng 3, nhà trường phải chi trả tiền điện, nước tăng gấp đôi, kéo theo đó, giá cung ứng thực phẩm, từ rau củ quả, thịt, phụ gia… đều tăng, thấp nhất từ 2.000 đồng đến khoảng 4.000 đồng/đơn vị tính.
“Trước tình hình giá cả tăng như vậy, nhà trường chúng tôi phải cân đối lại thực đơn cho các bé. Trước đây, ngày nào cũng có thịt, thì nay, khẩu phần thịt trong bữa ăn của các bé giảm lại. Để đảm bảo đủ hàm lượng dinh dưỡng cho bé, nhà bếp mua thêm cua đồng chế biến thêm và bổ sung những thực phẩm khác tương đối phù hợp với đồng tiền. Bên cạnh đó nhà trường xây dựng kế hoạch tiết kiệm đến mức tối đa những gì không cần thiết: Những phòng nào có thể sử dụng ánh sáng tự nhiên thì hạn chế bật đèn; chỉ sử dụng đèn điện khi cô trò tổ chức hoạt động dạy – học; kiểm tra điện, nước và tắt trước khi ra khỏi phòng học. Trong khâu lau chùi vệ sinh, chỗ nào không cần thiết dùng đến hóa chất thì có thể lau chùi bằng nước trong. Văn phòng phẩm cũng được tiết kiệm tối đa…”, cô Phấn cho biết.
Trong khi đó, Trường Mầm non 1 Tháng 6 (Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng) giải quyết bài toán cân đối thu – chi bằng cách kêu gọi giáo viên không nhận tiền thêm cho các cô cấp dưỡng phụ dọn bữa trưa, lo giấc ngủ cho các cháu để đảm bảo bữa ăn cho các cháu. “Nhà trường cũng đã dự định thu tăng thêm tiền ăn nhưng khi chúng tôi đưa vấn đề này ra bàn bạc với phụ huynh thì một số phụ huynh đón con về nhà ăn trưa, đầu giờ chiều lại đưa cháu đến học. Làm như thế sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc và các hoạt động của trẻ, nên chúng tôi quyết định tạm thời không thu tăng thêm tiền ăn của phụ huynh cho đến hết năm học này”, cô Nguyễn Thị Lệ, Hiệu trưởng Trường Mầm non 1 Tháng 6 khẳng định.
Từ cuối tháng 2-2011 đến nay, công ty cung cấp thực phẩm cho Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (Q. Hải Châu) đã ba lần tăng giá các mặt hàng cung ứng. Đối phó với tình hình này, hơn một tháng nay thay vì mua bình nước lọc như trước đây, nhà trường tự đun nước sôi cho học sinh dùng. Bữa ăn phụ buổi chiều, thông thường mỗi em học sinh được uống khoảng 2 đến 3 hộp sữa mỗi tuần nay giảm xuống chỉ còn một lần. Nhà trường cũng tổ chức cho nhà bếp tự làm lấy một số món ăn cho bữa phụ thay vì phải nhận từ các nhà cung cấp như nấu cháo, xúp… Thầy Huỳnh Nhứt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Ơn ưu tư: “Nhà trường cố gắng đảm bảo khẩu phần ăn của học sinh, lượng bữa ăn vẫn được duy trì để học sinh ăn no. Nhưng chắc chắn lượng dinh dưỡng không thể đảm bảo như trước đây”.
Ông Nguyễn Đăng Ngưng, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hải Châu cho biết, đến thời điểm này, rất ít trường học có bán trú trên địa bàn quận Hải Châu thu tăng thêm tiền ăn. Tâm lý chung của các trường là sẽ cố gắng duy trì mức thu cho đến hết năm học vì thời gian không còn nhiều.
Việc không thu thêm phí tiền ăn, mặc dù xoay xở nhiều cách để co kéo với bão giá… nhưng theo ghi nhận, lãnh đạo tại các trường mầm non và tiểu học bán trú trên địa bàn TP. Đà Nẵng thừa nhận là không thể không có ảnh hưởng đến bữa ăn của các cháu.
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)