Đó là những thông tin chính được ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở TN–MT Đà Nẵng cho biết tại buổi họp báo 6 tháng đầu năm của UBND TP.Đà Nẵng tổ chức ngày 6-8.
Nguyên nhân cao tốc Hòa Liên – Túy Loan chậm tiến độ
Tuyến cao tốc Hòa Liên – Túy Loan đi qua địa bàn TP.Đà Nẵng có tổng chiều dài gần 11,5km, có 1.216 hồ sơ và 3.275 ngôi mộ cần ‘giải tỏa. Ông Võ Nguyên Chương cho biết, việc chậm tiến độ giải phóng mặt bằng là do yêu cầu khá khắt khe của Trung ương đối với thành phố.
Việc giải phóng mặt bằng cho dự án cao tốc này hiện gặp 7 vướng mắc. Trong đó, văn bản pháp lý đủ cơ sở triển khai thực hiện làm chậm, bắt đầu từ tháng 1-2024 mới bắt đầu tiếp quản hồ sơ dự án. Sức ép về tiến độ rất lớn, ban đầu Chính phủ cho hạn giải phóng mặt bằng là ngày 30-9-2024 nhưng sau đó quyết rút thời gian xuống ngày 30-6-2024. Mặt khác, khối lượng hồ sơ cần giải tỏa cho dự án rất lớn và cùng lúc cho cả tuyến chính cao tốc và đường gom 2 bên cao tốc.
Đất tái định cư cũng đang là vấn đề cấp bách. Trên tuyến hiện nay có 272 hồ sơ đất ở với nhu cầu gần 792 lô đất tái định cư. Tuy nhiên, các dự án triển khai để giải quyết đất tái định cư còn chậm. Đây là điểm nghẽn rất lớn để hội đồng giải phóng huyện Hòa Vang vận động người dân bàn giao đất.
Vướng mắc thứ 5 là xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) không có đất tái định cư. Người dân xã này đa phần là người công giáo muốn tái định cư tại chỗ để sinh hoạt tín ngưỡng, đây cũng là trở ngại lớn trong quá trình vận động người dân.
Trước đây có nhiều dự án dọc tuyến cao tốc đã thu hồi đất nên cần nhiều thời gian để truy xuất các hồ sơ cũ nhằm đảm bảo khách quan, công bằng, tránh đền bù chồng đối với phần diện tích đã thu hồi. Một trong những vướng mắc nữa đó là số lượng mộ cần di dời rất lớn. Việc này cần có sự đồng thuận của người dân vì mộ thì không thể cưỡng chế được.
Ông Chương thông tin thêm, đến hết ngày 30-6 vừa qua, đã bàn giao 10,05 km/11,47 km, đảm bảo mặt bằng đơn vị thi công thi công đến hết năm 2024.
Phối hợp giải quyết các tồn đọng
Ông Võ Nguyên Chương cho biết, hiện nay Đà Nẵng đang tập trung xử lý 4 kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ từ năm 2012, từ kết luận 2852, kết luận Sơn Trà và các kết luận về nhà đất công sản. Bên cạnh đó, tập trung xử lý 3 bản án hình sự phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật trên địa bàn thành phố. Sau khi có các kết luận và bản án nói trên, thành phố đã có kế hoạch để triển khai thực hiện, tuy nhiên trong quá trình triển khai đã gặp phải những vướng mắc nhất định. Vướng mắc cơ bản là đối diện thực tế và xung đột pháp luật để giải quyết các vấn đề tồn tại do lịch sử để lại.
Trước những khó khăn trên, UBND TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo cho ngành TN-MT chủ trì, phối hợp với các ngành có báo cáo cho Trung ương. Trên cơ sở báo cáo đó, mới đây Bộ Chính trị đã có Kết luận số 77-KL/TW ngày 2-5-2024 về tháo gỡ cơ bản thể chế, trong đó có định hướng xác định đối tượng, nguyên tắc cơ bản, tập trung xử lý các vướng mắc, khó khăn trong các kết luận thanh tra.
Hiện nay, thực hiện kết luận của Bộ Chính Trị, Ban các sự Đảng Chính phủ chỉ đạo Chính phủ tập trung xây dựng đề án phương án tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn. Về phương án này, TP.Đà Nẵng đã và đang tập trung thường xuyên có mặt để tham gia ngay từ đầu.
Về phương án tháo gỡ sẽ có 10 nội dung cơ bản đã được phân công cụ thể cho từng các cơ quan liên quan. Trong đó, nhiệm vụ của Quốc hội có 4 nội dung tập trung tháo gỡ, nhiệm vụ của Chính phủ và Ban cán sự Đảng Chính phủ có 1 nội dung và TP. Đà Nẵng có 5 nội dung.
Riêng 5 nội dung của Đà Nẵng tập trung ngay khi đề án của Chính phủ phê duyệt trên cơ sở kết luận số 77 của Bộ Chính trị, gồm: Truy thu nghĩa vụ tài chính về ngân sách nhà nước đối với các khoản thất thu được nêu trong kết luận thanh tra trước đây; xử lý các trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng trong quá trình gia hạn sử dụng đất; xác định giá thu tiền sử dụng đất đối với 15 cơ sở nhà đất, chủ yếu là các cơ sở nhà đất công sản; phối hợp với Bộ Công an điều tra xử lý theo quy định đối với các sai phạm tại dự án Ghềnh Bàn – Bãi Đa của CTCP Xây dựng 79 trước đây và lô đất L09 của Khu biệt thự suối đá; thực hiện quy trình thu hồi dự án 181ha trên đường Nguyễn Tất Thành (ở quận Hải Châu và Thanh Khê) – Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước.
sau khi nghiên cứu nội dung Kết luận số 77-KL/TW và trên cơ sở ý kiến tham gia của các sở, ban, ngành có liên quan đến việc xây dựng dự thảo Kế hoạch của UBND thành phố thực hiện Đề án “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố.
Hiện nay, UBND thành phố đã hoàn thiện việc xây dựng dự thảo Kế hoạch và đang trình báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy xin ý kiến về dự thảo Kế hoạch nêu trên trước khi UBND thành phố ký ban hành. Trong lúc chờ đợi cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án thì Sở TN&MT đề xuất những giải pháp công việc cần thực hiện song song khi Đề án được phê duyệt thì Sở TN-MT bắt đầu thực hiện ngay để rút ngắn thời gian giải quyết, để các dự án sớm được triển khai và đưa đất vào sử dụng, khơi thông nguồn lực đất đai, phát triển kinh tế – xã hội.
Được biết, TP.Đà Nẵng đang phải thực hiện 4 kết luận của Thanh tra Chính phủ về đất đai, tài nguyên, rừng, các khu du lịch. Cùng với đó là 3 bản án của tòa án các cấp đã tuyên. Trong đó, có những vụ việc xảy ra cách đây gần 20 năm được thanh tra kết luận năm 2013 và hiện Đà Nẵng vẫn đang thực hiện.
Thời gian qua, chính quyền thành phố đã tích cực tháo gỡ các vướng mắc về đất đai, các dự án liên quan đến các bản án, kết luận thanh tra, kiểm tra như Dự án sân vận động Chi Lăng, Khu đô thị quốc tế Đa Phước, các dự án trên bán đảo Sơn Trà…
Vĩnh Yên
Bình luận (0)