Sau 21 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng, Đà Nẵng bắt đầu thực hiện giải pháp nới lỏng bên trong, kiểm soát chặt bên ngoài để đưa thành phố trở lại nhịp sống bình thường mới.
Đà Nẵng siết chặt việc kiểm tra, kiểm soát tại các chốt kiểm dịch
Theo báo cáo của BCĐ Phòng chống dịch Covid-19 thành phố Đà Nẵng, tính đến ngày 9-6, thành phố đã trải qua 21 ngày không ghi nhận ca Covid-19 mới trong cộng đồng. Đây là dấu hiệu cho thấy tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát. Kể từ ngày 3-5 đến 9-6, toàn thành phố xét nghiệm 460.174 trường hợp. Có 158 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, hiện có 12 ca đã khỏi bệnh.
Ghi nhận của phóng viên, sau khi các hoạt động, dịch vụ được mở cửa trở lại, các chủ nhà hàng, quán ăn; người chế biến, phục vụ thức ăn, đồ uống đều đeo khẩu trang, găng tay trong suốt thời gian chế biến, tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, thực phẩm, phục vụ khách hàng; giữ khoảng cách tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Các cửa hành thực hiện đo thân nhiệt của khách hàng trước khi vào nhà hàng, quán ăn; yêu cầu khách đến phải khai báo y tế; sát khuẩn tay hoặc rửa tay tại khu vực đã bố trí sẵn; thực hiện giãn cách đầy đủ theo quy định.
Các cơ sở kinh doanh ký cam kết thực hiện quy định phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới
Đặc biệt, tại các bãi biển công cộng được phép mở trở lại, người dân đi tắm biển rất hào hứng. Tuy nhiên không xảy ra tình trạng tập trung không tập trung đông người trên bãi biển. Người đi biển đều đeo khẩu trang và chý ý giữ khoảng cách. Chị Lê Diệu Linh – một người dân ở quận Sơn Trà chia sẻ: “Rất lâu rồi tôi mới có cảm giác thư thái khi hít thở bầu không khí trên bãi biển. Vui nhất là ở đây ai đi biển cũng ý thức đeo khẩu trang và giữ khoảng cách để phòng dịch”.
Ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng – cho biết về cơ bản lãnh đạo thành phố đồng ý chủ trương cho phép mở cửa một số hoạt động. Tuy nhiên, mỗi loại hình dịch vụ, hoạt động mở cửa trở lại phải đi kèm với các yêu cầu, điều kiện để đảm bảo phòng chống dịch để dần đưa nhịp sống trở lại trạng thái bình thường mới. Cụ thể, các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được bán, phục vụ khách tại chỗ. Quy mô tối đa không quá 50% công suất của nhà hàng, quán ăn và phục vụ tại chỗ không quá 21 giờ 00 phút hàng ngày. Để đảm bảo an toàn, Đà Nẵng sẽ xét nghiệm SARS-CoV-2 cho chủ nhà hàng, quán ăn và người làm việc tại nhà hàng, quán ăn theo kế hoạch của UBND thành phố. Đồng thời các chủ cơ sở này phải ký Bản cam kết với chính quyền địa phương về thực hiện đúng các quy định, khuyến cáo về phòng, chống dịch Covid-19 của các cơ quan có thẩm quyền. Khuyến khích các nhà hàng, quán ăn ứng dụng khai báo y tế điện tử, sử dụng thiết bị để quét QRCode khai báo y tế…
Nới lỏng bên trong, Đà Nẵng đồng thời kiểm soát chặt từ bên ngoài. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết việc cho phép mở của một số hoạt động, dịch vụ là phù hợp. Tuy nhiên, do tình hình Covid-19 trên cả nước vẫn còn phức tạp, số ca nhiễm mới tiếp tục tăng nên nguy cơ vẫn còn thường trực. Việc nới lỏng một số hoạt động, dịch vụ phải đặt ra trong trạng thái phòng, chống dịch trên cơ sở kiểm soát chặt dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài, kiểm soát các khu vực có nguy cơ cao; đồng thời tiếp tục phát huy tốt vai trò của các Tổ Công tác Covid-19 cộng đồng trong việc tuyên truyền, kiểm soát dịch bệnh, kèm với đó là các hoạt động kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm. Các địa phương, sở, ban, ngành không chủ quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, bởi càng nới lỏng thì nguy cơ càng cao.
Các chủ nhà hàng, quán café thực hiện đeo khẩu trang bán hàng
Đà Nẵng cũng tiếp tục duy trì các chốt chặn kiểm soát tại các đường mòn, lối mở, các cửa ngõ ra vào thành phố để kịp thời rà soát, kiểm soát nguy cơ dịch. Riêng trong ngày 8-6, cơ quan chức năng Đà Nẵng đã dừng, yêu cầu kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế đối với tổng số 10.769phương tiện (2 tàu hỏa, 6.095 xe môtô, 4.111 xe ô tô) với tổng số 19.874 người ra vào thành phố. Phát hiện và đưa đi cách ly 18 người về từ vùng có dịch.
Về giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 thời gian tới, tại cuộc họp BCĐ Phòng chống dịch, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cũng yêu cầu Sở Y tế phối hợp Sở Tài chính bàn bạc, thống nhất và trình UBND thành phố thông qua chi phí xét nghiệm có thu. Sở Y tế chủ động kế hoạch xét nghiệm theo định kỳ để hỗ trợ tối đa người dân, doanh nghiệm khi có nhu cầu xét nghiệm sàng lọc nguy cơ nhiễm Covid-19.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)