Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đà Nẵng: Ra Tết, sinh viên rậm rịch tìm chỗ trọ mới

Tạp Chí Giáo Dục

Có nhiều lý do để sinh viên vừa ra Tết lại lo đi kiếm chỗ trọ mới, nhưng phần nhiều những câu trả lời khi chúng tôi hỏi thăm đều là “ngán ngẩm điệp khúc ra hè, ra Tết là chủ trọ lại thông báo tăng giá tiền phòng, tiền điện”.

“Thời điểm này có nhiều người trả phòng từ trước Tết còn trống, lại thêm nhiều nhà trọ mới khai trương nên bọn em đi tìm xem có chỗ nào khá hơn chỗ đang ở mà giá tiền không đổi. Hồi đầu năm học mới lo nhập học, chọn vội chọn vàng một chỗ giờ mới biết phòng bị ẩm mốc, vậy mà chủ nhà còn  đòi tăng giá”- Nguyễn Hoàng Ngân, SV năm nhất, ĐH Duy Tân, Đà Nẵng cho biết. Vừa ăn Tết ở quê xong, Ngân đã vội ra lại Đà Nẵng sớm để tìm chỗ trọ mới.  

Đi tìm chỗ trọ mới, SV phải căng thẳng cân đo đong đếm bài toán kinh tế với các chủ phòng trọ. (Ảnh: Khánh Hiền)

Dung, cô bạn đang đi tìm phòng cùng với Ngân lắc đầu ngao ngán: “Vừa ăn Tết ra, mới chào nhau năm mới, bà chủ nhà trọ đã thông báo đầu tháng tới tăng giá phòng từ 600.000 đồng lên 800.000 đồng, tiền điện mỗi số tăng từ 1.500 đồng lên 2.000 đồng cho bằng những chỗ trọ khác. Thêm tiền nước nữa thì theo giá mới, hai đứa bọn em phải trả khoảng gần cả triệu đồng mỗi tháng, phân nửa tiền “lương” ba mẹ phát cho mỗi tháng rồi. Mà trong khi phòng trọ vẫn nguyên si tình trạng cũ kỹ, ẩm mốc. Từ giờ đến cuối tháng chỉ còn chưa quá 10 ngày, phải ráng tìm một chỗ mới rẻ hơn ”.
Nhiều SV “ngã ngửa” khi chủ trọ đột ngột tăng tiền phòng với lý do “thêm người thì phải thêm tiền” dù diện tích ở không tăng. Khi không ở chỗ cũ vì giá phòng tăng, rậm rịch đi tìm chỗ mới, SV gặp đủ kiểu khó khăn và phải căng thẳng cân đo đong đếm bài toán kinh tế với các chủ phòng trọ.
Hiện nay, có nhiều khu nhà trọ treo biển cho thuê phòng nhưng không dễ kiếm được phòng vừa ý. Có chỗ trọ treo biển cho thuê phòng từ trước Tết gần cả tháng trời không ai hỏi thăm nhưng bắt đầu từ khoảng mồng 8, mồng 9 Tết đã liên tục có người đến thuê phòng như khu trọ của bà Tranh trên tuyến hẻm Hàm Nghi. Khi có nhiều khách hỏi thăm, chủ trọ lại bắt đầu “làm eo” buộc SV phải cọc tiền giữ chỗ lên đến cả nửa tháng tiền phòng trước khi dọn đến ở.
Nhóm cùng phòng trọ ở lớp đại học kinh tế của Thư trước đây trọ tận bên quận Ngũ Hành Sơn. Ra Tết, các SV cùng phòng Thư bắt đầu vào kỳ thực tập, có bạn thực tập tại quận Trung tâm thành phố, có bạn lại đăng ký thực tập tại công ty tận trên khu công nghiệp Hoà Khánh, một người nữa xin về quê thực tập. Vậy là rẽ ba.
“Một mình tìm phòng trọ đã khó lại thêm vụ chủ nhà trọ yêu cầu đặt tiền cọc cao càng thêm đắn đo. Như hôm mồng 6 mình đã ra tìm được một phòng tạm được giá 600.000 đồng/tháng. Chủ trọ yêu cầu đóng trước 300.000 đồng tiền cọc. Mình muốn rảo thêm một vài điểm nữa, tiếc tiền cọc nếu tìm được chỗ khá hơn, nên chưa đặt vội. Vậy mà đi hết một buổi chiều, quay lại chỗ cũ, đã có người đặt cọc trước rồi. Thế là mất chỗ. Suốt 2- 3 ngày nay, mình cứ lang thang tìm phòng”, Thư than thở.
Khánh Hiền/ Dan tri

 

Bình luận (0)