Y tế - Văn hóa

Đà Nẵng: Tăng cường phòng, chống dịch bạch hầu

Tạp Chí Giáo Dục

Trước tình hình dịch bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp, các trường Mầm non tại TP.Đà Nẵng trong thời gian qua đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp phòng chống dịch bệnh đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền thông tin đến phụ huynh cùng chung tay để bảo vệ sức khỏe của trẻ.

Trường học chủ động phòng bệnh

Nhằm chủ động phòng chống dịch bạch hầu, những ngày qua, các trường Mầm non trên địa bàn TP.Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường vệ sinh phòng học, vật dụng, thiết bị đồ chơi, sát khuẩn tay cho học sinh và giáo viên trước khi vào lớp học, bổ sung thêm dinh dưỡng…

Trường Mầm non Ngọc Lan (Đà Nẵng) tập huấn phòng chống dịch bạch hầu

Trường Mầm non Ngọc Lan (quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) đã tổ chức tập huấn cho toàn bộ giáo viên, nhân viên, đặc biệt là nhân viên y tế của nhà trường về phòng chống bệnh bạch hầu. Buổi tập huấn có sự tham gia của nhân viên y tế phường Nam Dương – nơi nhà trường đóng chân để tăng cường kết nối trong công tác phòng chống dịch bệnh. Buổi tập huấn ngoài việc phổ biến thông tin về dịch bệnh, các giáo viên, nhân viên được chia nhóm và thực hiện thông tin theo chủ đề để mỗi giáo viên, nhân viên nắm sâu hơn, kỹ hơn các kiến thức về bệnh bạch hầu, dấu hiệu nhận biết và cách xử lý trong tình huống cụ thể.

Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm- Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngọc Lan cho biết, nhà trường phát động tổng vệ sinh trong trường học, vệ sinh đồ dùng, đồ chơi nhằm tạo môi trường thông thoáng ít bụi bặm. Bên cạnh đó, cấp dưỡng thay đổi thực đơn bữa ăn cho trẻ, trong đó chú trọng tăng cường các gia vị có tính kháng khuẩn như gừng, nghệ, nén để giúp trẻ tăng đề kháng, tránh các bệnh đường hô hấp.

Trường Mầm non Ngọc Lan hướng dẫn trẻ vệ sinh cá nhân và vệ sinh phòng học chủ động phòng bệnh

Ngoài ra, Ban giám hiệu cũng tăng cường kiểm tra, nhắc nhở giáo viên khuyến khích trẻ rửa tay sau giờ chơi, trước giờ ăn và sau khi đi vệ sinh. Thực hiện cho học sinh đánh răng sau khi ăn, súc nước muối sau giờ ăn tùy theo độ tuổi trẻ. Tăng cường kiểm tra đón trẻ buổi sáng trước cổng trường, phát hiện trẻ có biểu hiện sốt ho sẽ nhanh chóng báo phụ huynh đưa đi khám.

“Nhà trường cũng thực hiện nghiêm túc và tích cực công tác truyền thông đến cha mẹ trẻ, giáo viên cách phòng tránh bệnh bạch hầu. Đảm bảo vệ sinh môi trường chăm sóc trẻ sạch sẽ, vệ sinh các nhân trẻ thường xuyên…., theo dõi kỹ sức khỏe trước khi đón trẻ, trong ngày, cuối giờ trả trẻ. Nhân viên y tế tăng cường kiểm tra trẻ, thực hiện báo cáo hàng ngày để có sự xử lý kịp thời và nhanh nhất khi xảy ra trường hợp có trẻ mắc bệnh”, cô Thư Trâm nói.

Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu) cũng đã gửi các thông báo đến phụ huynh học sinh về tình hình dịch bạch hầu, lưu ý thêm về dấu hiệu nhận biết và biện pháp phòng, chống. Cô Lương Thị Thúy Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh cho biết, nhà trường đã chủ động truyền thông về dịch bệnh trong giáo viên, nhân viên toàn trường. Nhân viên y tế nhà trường đã thực hiện hướng dẫn giáo viên nắm được triệu chứng bệnh, các nguyên nhân lây nhiễm.

Trường Mầm non Bình Minh cũng lưu ý nhân viên cấp dưỡng cân đối rau xanh và đạm để các bữa ăn ở trường đầy đủ chất dinh dưỡng, cho trẻ uống nước đủ ấm. Ngoài tăng sức đề kháng của trẻ thông qua điều chỉnh thực đơn các bữa ăn, giáo viên chủ động tăng cường trò chơi vận động phù hợp với không gian lớp học để cải thiện thể chất cho trẻ. “Nhà trường cũng đang tiến hành thu thập thông tin về các mũi tiêm vắc xin của trẻ để có cơ sở truyền thông, vận động phù hợp đến phụ huynh về dự phòng bệnh bằng vắc – xin”, cô Thúy Quỳnh cho biết.

Ngành y tế sẵn sàng phương án phòng, chống dịch bệnh

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, có nguy cơ tiềm ẩn về sự lây lan ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, Sở Y tế TP.Đà Nẵng đã có công văn chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm soát, phòng, chống, sẵn sàng thu dung điều trị hiệu quả bệnh bạch hầu, ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc xin trên địa bàn thành phố.

Theo đó, yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế các quận, huyện tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn về mặt chuyên môn đối với y tế cơ sở, các cơ quan, đơn vị, lực lượng liên quan trong công tác phòng, chống dịch bạch hầu, ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc xin, nhất là các cơ sở giáo dục, mầm non, mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình, cơ sở trông giữ trẻ trên địa bàn, nhà trọ, khu công nghiệp; thực hiện quyết liệt các biện pháp điều tra, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm (nhất là các trường hợp trở về từ những khu vực ghi nhận ca bệnh), xử lý ca bệnh, ổ dịch, phòng, chống dịch bệnh bạch hầu, ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc xin theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Hướng dẫn người tiếp xúc gần, người trong ổ dịch (nếu có) sử dụng kháng sinh dự phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh.

Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế các quận, huyện tham mưu UBND các quận, huyện, phối hợp với UBND các xã, phường tăng cường chỉ đạo, triển khai mạnh mẽ các hoạt động truyền thông, giám sát, điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, phòng, chống dịch tại cộng đồng, trường học; đề nghị Cộng tác viên phối hợp thực hiện thông tin, báo cáo, hỗ trợ giám sát, hướng dẫn phòng, chống bệnh bạch hầu, ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc xin.

Ngoài ra, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn khẩn trương tập huấn nhắc lại hướng dẫn sáng lọc, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu, ho gà, các bệnh truyền nhiễm khác theo hướng dẫn, phác đồ điều trị của Bộ Y tế cho toàn bộ nhân viên y tế tham gia công tác khám, chữa bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly, điều trị sớm, bao gồm cả các cơ sở y tế bộ, ngành, tư nhân trên địa bàn; tăng cường công tác phối hợp giữa cơ sở điều trị và hệ thống y tế dự phòng trong kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm…

Sở Y tế TP.Đà Nẵng cũng lưu ý, đối với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải được cho đeo khẩu trang và cách ly ngay tại cơ sở y tế. Tiến hành điều trị đặc hiệu ngay kể cả khi chưa có kết quả xét nghiệm. Ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh có thể mắc bệnh cần phải cách ly riêng biệt với ca bệnh xác định. Nếu dịch xảy ra trong trường học thì tất cả học sinh có biểu hiện sốt, đau họng hoặc có các triệu chứng khác nghi ngờ mắc bệnh đều cần phải được nghỉ học và đưa tới cơ sở y tế để quản lý, điều trị và lấy mẫu xét nghiệm.

Vĩnh Yên

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)