Chỉ còn 2 tháng nữa, học sinh lớp 12 trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 – kỳ thi quan trọng quyết định đến tương lai của các em. Hiện nay, cùng với việc tất bật hoàn thành hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ, các trường THPT tại Đà Nẵng đang tăng tốc tổ chức ôn tập cho học sinh, kỳ vọng một mùa thi đạt được kết quả cao.
Giáo viên Trường THPT Tôn Thất Tùng hướng dẫn học sinh lớp 12 ôn tập với kỳ vọng đạt hiệu quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia 2019
Những ngày này, cùng với việc tập trung ôn tập để hoàn thành kỳ thi học kỳ II, các em học sinh lớp 12 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang tăng tốc ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Thầy Đinh Thái Quý (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ, huyện Hòa Vang) cho biết: “Ngay từ đầu tháng 1-2019, nhà trường bắt đầu cho học sinh tiến hành đăng ký tổ hợp môn thi để có kế hoạch giảng dạy chi tiết, tăng tiết tự chọn nhằm bổ sung tối đa kiến thức cho các em. Nhà trường dựa trên các tổ hợp môn, khối thi học sinh đăng ký để định hướng cho các em có sự lựa chọn đúng. Cùng với đó nhà trường tổ chức buổi học thứ 2, ôn tập sát với cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT, nội dung SGK chương trình chuẩn. Dự kiến sau kỳ thi học kỳ II (diễn ra từ ngày 19 đến 23-4), nhà trường sẽ tiếp tục ôn tập, bổ sung kiến thức cho các em đến trước ngày thi THPT quốc gia 1 tuần. Việc ôn tập sau kỳ thi học kỳ II cũng đã được duy trì suốt 3 năm nay nhằm hỗ trợ cho học sinh nghèo, ít có điều kiện học thêm được ôn tập”. Năm nay, Trường THPT Phạm Phú Thứ có 401 học sinh lớp 12, trong đó có 28 học sinh dân tộc thiểu số. Mục tiêu của nhà trường là giúp học sinh trường mình đỗ tốt nghiệp cao nhất và có càng nhiều học sinh được vào ĐH, CĐ với các ngành nghề có đầu ra việc làm ổn định. Để hướng đến mục tiêu ấy, các giáo viên trong trường ngoài những buổi ôn tập, phụ đạo trên lớp còn phụ đạo ban đêm cho học sinh dân tộc thiểu số trên tinh thần tự nguyện, mặc dù từ tháng 1-2019, không còn chế độ cho giáo viên bồi dưỡng học sinh dân tộc thiểu số.
Trong khi đó, Trường THPT Tôn Thất Tùng (quận Sơn Trà) lại thực hiện một kế hoạch dài hơi hơn nhằm giúp học sinh vừa nắm chắc kiến thức để đạt kết quả cao trong kỳ thi vừa nhằm mục đích định hướng nghề nghiệp. Ngay từ năm lớp 10, nhà trường đã bắt đầu cho học sinh chọn các tổ hợp để có hướng bồi dưỡng kiến thức cho các em. Sự lựa chọn ấy tiếp tục được học sinh lựa chọn và có thể thay đổi tùy theo năng lực của các em qua các năm học. Cô Trần Thị Kim Vân (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết việc ôn tập được thực hiện ngay từ đầu năm học. Bước qua học kỳ II, nhà trường tổ chức dạy tăng tiết vào ngày thứ 5.
Ngược lại, ở Trường THPT Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn) lại cho học sinh lựa chọn giáo viên ôn tập. Cô Huỳnh Minh Nguyệt (Phó Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ, việc cho học sinh tự chọn giáo viên nhằm tạo cho các em một tâm lý thoải mái nhất trong ôn tập để mang lại hiệu quả cao nhất có thể.
Vài năm trở lại đây, câu chuyện “con theo học ngành nghề ba mẹ thích” đã không còn phổ biến. Các em học sinh dưới sự định hướng của nhà trường (và cả phụ huynh) đã biết chọn lựa ngành nghề phù hợp với năng lực và nhu cầu xã hội. Đồng hành cùng học sinh những năm gần đây, Ban Giám hiệu các trường đều chú trọng cập nhật thông tin hỗ trợ học sinh, tư vấn, định hướng nghề nghiệp. Cô Trần Thị Kim Vân cho rằng học sinh bây giờ đã có nhiều kênh thông tin để chọn lựa, các trường ĐH-CĐ hay TC nghề có nhiều chương trình tư vấn giới thiệu tận nơi cũng là sự hỗ trợ để các em cân nhắc, chọn ngành nghề đúng với năng lực và sở thích. Cô Kim Vân cho biết thêm, thống kê sơ bộ, xu hướng chọn ngành nghề của học sinh trong trường thiên về các ngành nghề có việc làm cao như quản trị du lịch – khách sạn, CNTT… Năm nay các em chủ yếu chọn từ 2 đến 3 nguyện vọng, có em chọn nhiều nhất là hơn 5 nguyện vọng nhưng đó là con số khá ít chứ không còn đăng ký nhiều như các năm trước; trường hợp học sinh chọn hai tổ hợp để thi cũng rất ít. Điều đó chứng tỏ các em rất tự tin và kỳ vọng vào sự chọn lựa của mình.
Hơn 11 ngàn học sinh dự thi THPT quốc gia 2019 Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Đà Nẵng có hơn 11 ngàn học sinh dự thi. Tính đến thời điểm hiện tại, công tác thu hồ sơ đăng ký dự thi từ học sinh đã cơ bản hoàn tất. Các trường huy động tối đa lực lượng giáo viên, nhân viên công nghệ thông tin hỗ trợ học sinh kiểm tra, rà soát sai sót để cập nhật lên phần mềm hệ thống đăng ký dự thi của Bộ GD-ĐT. Theo lãnh đạo các trường THPT, năm nay việc sai sót trong quá trình làm hồ sơ của học sinh ít gặp, chủ yếu ghi nhầm mã ngành và được cán bộ thu nhận hồ sơ hỗ trợ chỉnh sửa kịp thời. |
Tương tự, thầy Đinh Thái Quý cho biết: “Cùng với dạy học, Ban Giám hiệu nhà trường luôn có những định hướng và tư vấn cho học sinh chọn lựa các ngành nghề phù hợp năng lực, sở thích, điều kiện kinh tế gia đình và nhu cầu việc làm của xã hội. Không phải bất cứ trường hợp nào cũng nhất thiết phải vào ĐH. Với học sinh yếu hay điều kiện kinh tế khó khăn, nhà trường luôn khuyến khích các em chọn học nghề để có việc làm. Mỗi năm bình quân toàn trường có khoảng 20% học sinh không đăng ký xét tuyển ĐH, mà các em chỉ đăng ký thi tốt nghiệp THPT rồi sau đó đi học nghề”.
Hàn Giang
Bình luận (0)