Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Đà Nẵng: Tăng tốc ôn thi tốt nghiệp THPT

Tạp Chí Giáo Dục

Ngay sau khi kết thúc học kỳ 2, nhiều trường THPT ở Đà Nẵng bắt đầu tăng tốc ôn thi cho học sinh (HS) khối 12, qua đó giúp các em củng cố kiến thức căn bản, tập làm quen với các dạng đề dựa theo bộ đề thi minh họa Bộ GD-ĐT vừa công bố.

HS Trường THPT Phạm Phú Thứ đang ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2017

Đồng hành cùng HS dân tộc thiểu số

Trường THPT Phạm Phú Thứ (huyện Hòa Vang) nằm trên địa bàn khó khăn, có nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số theo học. Năm nay trường có 379 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia 2017, trong đó HS của trường là 361 em (19 em người dân tộc Cơ Tu) và 15 thí sinh tự do đăng ký thi tại trường. Trong số này, có 299 thí sinh đăng ký thi tổ hợp KHTN; 338 thí sinh đăng ký thi tổ hợp KHXH; 270 thí sinh đăng ký dự thi cả 2 tổ hợp. Thầy Nguyễn Bá Hảo (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết do trường nằm ở địa bàn khó khăn, chất lượng đầu vào thấp nên ngay từ đầu năm, nhà trường đã quán triệt đến các tổ bộ môn chú trọng phân bổ kiến thức cũng như tổ chức các buổi phụ đạo giúp HS nắm vững kiến thức căn bản. “Sau khi kết thúc học kỳ 2 và trải qua kỳ thi thử do Sở GD-ĐT tổ chức, nhà trường bắt đầu tăng các buổi phụ đạo ôn tập cho các em”, thầy Hảo cho hay. Theo đó, việc ôn tập được các tổ bộ môn phân theo nhóm HS. Cụ thể, các nhóm HS thi theo tổ hợp nào được khuyến khích ngồi gần nhau để tạo ra môi trường trao đổi, thảo luận nâng cao kiến thức. Mặt khác, một số HS có học lực trung bình yếu thì nhà trường tập trung thành một nhóm để giáo viên có hướng củng cố và bồi dưỡng kiến thức căn bản để các em nắm vững. Riêng với HS dân tộc thiểu số ở nội trú, các giáo viên ngoài giờ dạy trên lớp ban ngày, ban đêm còn phân chia thời gian hợp lý để phụ đạo thêm cho các em. Bên cạnh đó, ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố bộ đề thi minh họa cuối cùng, nhà trường đã chủ động tải đề về, gửi đến từng tổ bộ môn, yêu cầu các tổ khẩn trương phân tích đề, hội ý để đưa ra định hướng ôn tập bám sát đề. “Với HS dân tộc thiểu số, lo nhất là phải thi môn ngoại ngữ, vì thế nhà trường đã nhắc nhở giáo viên cũng như HS nỗ lực hết mình để đạt điểm số cao nhất có thể, tránh điểm liệt. Nhà trường chủ động ôn tập cho các em đến sát ngày thi”, thầy Hảo cho biết. 

Trao đổi với chúng tôi, cô Lương Thị Yến (Tổ trưởng bộ môn văn – GDCD, Trường THPT Phạm Phú Thứ) cho biết hiện tổ bộ môn văn – GDCD đang tiến hành phân tích đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT, trước đó tổ đã chủ động lên kế hoạch ôn tập cho HS theo từng chuyên đề để các em nắm vững từng phần. Cô Yến có thâm niên 10 năm làm công tác chủ nhiệm lớp có HS dân tộc thiểu số, đồng thời cũng ngần ấy năm dạy phụ đạo đêm nên biết rõ sức học của các em. Cô cho biết: “Giáo viên phải luôn chủ động đưa ra định hướng và khuyến khích HS học tập. Với các em dân tộc thiểu số có học lực yếu, ngoài dạy trên lớp, giáo viên phải chủ động gần gũi như người bạn, người mẹ để chia sẻ tâm tư với các em, và từ đó khuyến khích các em học tập, nắm kiến thức”. Những ngày này, ngoài dạy tuần 2 buổi tối, cô Yến còn đến bồi dưỡng thêm cho các em ở khu nội trú. Cô nói: “Học văn đòi hỏi sự sáng tạo, nhưng đối với một số HS có học lực yếu, mình cũng cần phải định hướng, chỉ cho các em cách hoàn thành một bài văn như thế nào để các em có cơ sở thực hành làm bài tốt hơn”.

Khẩn trương phân tích đề mẫu

Thầy Nguyễn Huy Bính (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, quận Hải Châu) cho biết việc ôn tập được nhà trường chủ động từ đầu năm học, cho HS đăng ký môn thi thông qua sự thống nhất của phụ huynh để tổ chức phân chia lớp ôn tập phù hợp. Đến thời điểm hiện tại, các giáo viên bộ môn đang củng cố lại toàn bộ kiến thức cho HS. Đồng thời nhà trường cũng tìm hiểu rõ quy chế thi để nhắc nhở các em công tác chuẩn bị và những điều nên tránh khi bước vào kỳ thi. Bên cạnh đó, các tổ bộ môn cũng tiến hành nghiên cứu, phân tích đề thi minh họa để kịp thời có những sự điều chỉnh (nếu có) giúp HS tránh bị hổng kiến thức.

Thầy Bính cho biết thêm, đối với những HS nắm vững kiến thức chuẩn, thì với mức độ như đề minh họa là không quá khó để đạt điểm từ 6-7. Nhưng với những HS học dàn trải, không nắm chắc những kiến thức căn bản trong sách giáo khoa, bám sát chuẩn kiến thức thì mức độ kiến thức của đề minh họa là không dễ. Đề minh họa lần này có nhiều dạng câu hỏi cũng phong phú hơn đề minh họa mà Bộ GD-ĐT đã công bố hai lần trước đó, khối lượng kiến thức phân bố đều trong kiến thức của chương trình học lớp 12 nên những HS có chủ trương học tủ sẽ không có kết quả cao.

Tương tự, các trường khác như THPT Ngô Quyền, THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà) cũng đang tăng tốc củng cố kiến thức, khẩn trương phân tích ma trận, cấu trúc đề minh họa để định hướng ôn tập cho HS. Thầy Nguyễn Quang Hưng (Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám) cho biết nhà trường đã hướng dẫn các tổ bộ môn so sánh những điểm giống và khác nhau giữa 3 phiên bản đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT đã công bố trong năm học 2016-2017 để giúp HS và giáo viên nắm được ma trận đề, mức độ phân hóa, khối lượng kiến thức… Việc phân tích đề minh họa cũng là một cách để HS hình dung được mức độ yêu cầu của đề thi chính thức trước khi bước vào kỳ thi quan trọng.

Bài, ảnh: Vĩnh Yên

Bình luận (0)