Để vực dậy kinh tế sau đại dịch, chính quyền Đà Nẵng đang nỗ lực thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao (CNC). Bởi đây là động lực và hạt nhân để tạo ra đột phá, góp phần quan trọng vào sự phát triển của TP…
Kỹ sư đang làm việc tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng
Tỷ lệ đóng góp Khu Công nghệ cao tối thiểu 10-15%
Là một trong 5 TP trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng được xác định là trung tâm dẫn dắt sự phát triển kinh tế – xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Thời gian qua, Đà Nẵng đã nỗ lực phát triển, đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 14,05%, đứng thứ 3 cả nước; GRDP bình quân đầu người tính theo giá hiện hành ước đạt 102,6 triệu đồng/người, tăng 13,8% so với năm 2021.
Để có được thành quả này phải kể đến sự đóng góp của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài. Tính đến tháng 3-2023, TP có 980 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký đầu tư 4,062 tỷ USD. Nguồn lực đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của TP.
Ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng – cho biết: “Định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng phấn đấu trở thành đô thị sinh thái thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. TP tập trung phát triển 3 trụ cột chính, gồm: Du lịch, công nghiệp CNC và kinh tế biển. Từ năm 2012 đến nay, TP đã tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng Khu CNC Đà Nẵng, một trong 3 Khu CNC cấp quốc gia và là Khu CNC duy nhất tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Thu hút đầu tư vào Khu CNC Đà Nẵng được xác định là động lực và hạt nhân để tạo ra đột phá, góp phần quan trọng vào sự phát triển của kinh tế Đà Nẵng sau đại dịch. TP phấn đấu tỷ lệ đóng góp của Khu CNC Đà Nẵng đạt tối thiểu 10-15%, giai đoạn 2025-2030”.
Trong lĩnh vực công nghiệp CNC, Đà Nẵng tiếp cận, theo sát xu hướng của cách mạng công nghiệp 4.0 để định hướng thu hút và phát triển các lĩnh vực phù hợp. Hiện Đà Nẵng ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực: Công nghệ thông tin, truyền thông; Công nghệ sinh học; Công nghệ vi điện tử, cơ khí chính xác, cơ – điện tử, quang – điện tử và tự động hóa; Công nghệ môi trường, công nghệ năng lượng mới; Công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano…
“Đà Nẵng kỳ vọng các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, các công ty tư vấn sẽ thực sự trở thành “cánh tay nối dài” và là đối tác đầy hiệu quả của TP trong xúc tiến, thu hút đầu tư, kết nối Đà Nẵng với cộng đồng các doanh nghiệp thành viên, các nhà đầu tư có kế hoạch mở rộng đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực CNC. TP cam kết sẽ không ngừng tạo dựng, hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư và phát triển ổn định, bởi thành công của doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng chính là thành công của TP”, ông Chinh chia sẻ.
Tập trung ưu tiên phát triển nguồn lực
Khu CNC Đà Nẵng được thành lập ngày 28-10-2012. Tổng diện tích quy hoạch là 1.128,4ha với 6 phân khu chức năng: Khu sản xuất CNC; Khu nghiên cứu – phát triển, đào tạo và ươm tạo doanh nghiệp; Khu quản lý – hành chính; Khu công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối; Khu hậu cần, logistics và dịch vụ CNC. Lũy kế đến tháng 3-2023, đã thu hút được 29 dự án đầu tư, trong đó có 16 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 7.024,78 tỷ đồng và 13 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt 607,7 triệu USD.
Để thu hút được nhà đầu tư chất lượng vào Khu CNC, Đà Nẵng đã ưu tiên tập trung mọi nguồn lực. Trong đó chú trọng ký kết đào tạo nhân lực chất lượng cao, ưu tiên khu vực đất dành riêng cho phát triển CNC. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng được chú trọng, nhất là khi cảng Liên Chiểu được xây dựng hoàn thiện sẽ có nhiều cơ hội để phát triển logistics.
Ông Nguyễn Công Tiến – Phó Trưởng ban quản lý Khu CNC và các khu công nghiệp Đà Nẵng – nhìn nhận, trong tương lai khi cảng Liên Chiểu hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, TP luôn nỗ lực hỗ trợ các vấn đề pháp lý và hoàn thành hồ sơ trong thời gian sớm nhất cho nhà đầu tư theo quy định. Khi đã được TP cấp quyết định chủ trương đầu tư thì các hoạt động của doanh nghiệp sẽ được triển khai rất thuận lợi.
“Đối với các dự án đầu tư vào Khu CNC, Ban Quản lý đã ký kết với Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) để đào tạo nhân lực. Khi dự án đi vào hoạt động thì những sinh viên này có thể đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp”, ông Tiến cho biết.
Ông Vũ Quang Hùng – Trưởng ban Quản lý Khu CNC và các khu công nghiệp Đà Nẵng – thông tin thêm, bên cạnh những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi đầu tư vào Khu CNC theo quy định của Trung ương, Đà Nẵng cũng có những chính sách riêng để hỗ trợ thêm cho nhà đầu tư. Đồng thời, TP cũng chuẩn bị các hạ tầng xã hội cấp đô thị cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đến Đà Nẵng đầu tư vào Khu CNC.
Hàn Vĩnh
Bình luận (0)